(SGGPO).- Sáng nay, 13-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại tổ về 2 dự án: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Tín ngưỡng tôn giáo.
Nâng tuổi trẻ em, bệnh viện nhi phải lập thêm... khoa sản!
Sau 10 năm thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có nhiều đổi mới và đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng yêu cầu của các vấn đề mới phát sinh cần sự điều chỉnh của pháp luật.
Theo tờ trình của Chính phủ, quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi của luật năm 2004 chưa tương thích với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (Điều 1 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em quy định: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn”). Hiến pháp năm 2013 ghi nhận quyền con người, quyền công dân, trong khi luật năm 2004 chỉ quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Do đó không có cơ sở pháp lý để bảo đảm các quyền trẻ em đồng thời là quyền con người đối với trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam. Luật năm 2004 quy định 10 nhóm quyền cơ bản của trẻ em, các quyền còn lại hoặc chưa được quy định hoặc quy định rải rác tại các luật khác, chưa thể hiện được tinh thần luật trẻ em cần “tuyên ngôn” đầy đủ các quyền trẻ em theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em… Vì vậy, một điểm căn bản của luật sửa đổi là mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi, cụ thể là quy định “trẻ em là người dưới 18 tuổi” mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi như trước đây.
Tại tổ ĐBQH TPHCM, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn với việc điều chỉnh độ tuổi của trẻ em trong dự thảo luật. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh cho biết, ông hết sức ngạc nhiên khi tuổi trẻ em được đưa lên 18. Theo đại biểu này, Bộ luật Hình sự đã giảm độ tuổi với những người xâm phạm tự do tình dục, trước đây dưới 18 tuổi là giao cấu với người chưa thành niên, nay đã đưa xuống 16 tuổi. “Trước đây ăn ở với nhau dưới 18 tuổi vẫn bị xử lý, giờ mua dâm dưới 18 mới phạm tội còn ăn ở thì không phạm tội. Luật này cần có sự thống nhất với Bộ luật Hình sự”, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh nói. Trong khi đó, theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, thay đổi tập tục thì không thể trong ngày một ngày hai, nếu không thì “luật chỉ để trang trí”. ĐB Phong Lan còn nói đùa: “Nếu nâng tuổi trẻ em lên 18 thì bệnh viện nhi phải thành lập thêm… khoa sản!”.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại phiên thảo luận tổ TPHCM sáng 13-11
ĐB Nguyễn Phước Lộc cho biết đọc dự thảo luật ông không quan tâm nhiều tới việc nâng độ tuổi, mà quan trọng là có chính sách gì cho trẻ em. Chẳng hạn, với trẻ em từ 16-18 tuổi không thấy có chính sách gì trong dự thảo luật. Theo Luật Nghĩa vụ quân sự, công dân từ 17 tuổi phải đăng ký nghĩa vụ quân sự, giờ quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi thì phải sửa Luật Nghĩa vụ quân sự. Về y tế thì nhiều khả năng bệnh viên nhi sẽ phải lập thêm nhiều khoa, bởi độ tuổi 16-18 sẽ có nhiều trẻ em bị mắc bệnh… của người lớn! “Nói theo công ước quốc tế mà không có chính sách đi kèm thì sẽ khó thuyết phục. Luật đưa ra quá nhiều quyền trẻ em, nhưng đi vào cụ thể lại không có chính sách”, ĐB Nguyễn Phước Lộc nhận xét. Cùng quan điểm, ĐB Trần Du Lịch phân tích: vấn đề lớn nhất ở trẻ em là tình trạng ở đô thị con nhà khá giả thì béo phì, ở nông thôn hay vùng dân tộc thiểu số thì suy dinh dưỡng. Thứ hai là tình trạng bạo hành từ gia đình đến học đường, xã hội. Luật phải có những chính sách để giải quyết những vấn đề này.
Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, đọc về bổn phận của trẻ em trong dự thảo luật, bà thấy “hết cả hồn” và mừng vì bản thân mình đã qua thời trẻ em. “Bác Hồ nói: trẻ em như búp trên cành; biết ăn ngủ biết học hành là ngoan, mà dự luật quy định bổn phận "quá cao xa". Luật phải thấy những vấn đề nhức nhối trẻ em chứ không nên tập trung vào bổn phận”, ĐB Phong Lan nói. Đứng ở góc độ kỹ thuật lập pháp, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng, trong luật không nên quy định về “bổn phận”, chỉ quy định rõ “quyền hạn” và “trách nhiệm”.
Tự do tín ngưỡng tôn giáo: phải được làm những gì mà luật không cấm
Thảo luận về dự án Luật Tín ngưỡng tôn giáo, ĐB Trần Du Lịch cho biết sau khi đọc báo cáo thẩm tra dự luật này, ông cảm nhận dự luật có thể sẽ bị phá sản bởi có quá nhiều quy định chưa hợp lý. Theo đại biểu này, quyền tự do tín ngưỡng là quyền con người. Khi triển khai Hiến pháp 2013, một số quyền con người đã được thể chế hóa rất tốt, chẳng hạn như quyền tự do kinh doanh. “Quyền tự do báo chí và tự do tín ngưỡng tôn giáo làm sao phải tương xứng với nguyên tắc về quyền con người là: được làm những gì mà luật không cấm, giống như quyền tự do kinh doanh. Chúng ta đưa đủ thứ chuyện như thế này là không ổn. Luật chỉ cần quy định thứ nhất là tín ngưỡng tôn giáo cái gì cấm, thứ hai cái gì hoạt động có điều kiện” – ĐB Trần Du Lịch góp ý.
Theo ĐB Nguyễn Phước Lộc, chúng ta luôn muốn tín ngưỡng tôn giáo hoạt động theo hướng “tốt đời đẹp đạo”, đồng hành cùng dân tộc. Muốn vậy phải tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo. Không thể xây dựng luật lại tạo ra quá nhiều rào cản cho hoạt động tín ngưỡng tôn giáo. ĐB Nguyễn Phước Lộc cũng lưu ý rằng một số nội dung luật còn né tránh, chẳng hạn như vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo, trong khi đây là vấn đề đang ngày càng diễn biến phức tạp, khiếu kiện…
HÀM YÊN