Bảo vệ chủ quyền không gian mạng

Internet và không gian mạng hiện không còn là vấn đề xa lạ đối với nhiều người dân Việt Nam. Cũng như trên thế giới, ngày càng có nhiều hoạt động của cả hệ thống kinh tế - xã hội Việt Nam phụ thuộc vào sự vận hành, phát triển của internet toàn cầu. Cùng với đó, vấn đề bảo mật, an toàn thông tin (ATTT) của không gian mạng ngày trở nên cấp thiết, quan trọng, thậm chí là sự sống còn của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Năm 2011 là đỉnh điểm về tình trạng mất ATTT. Hàng loạt vụ tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), chiếm đoạt tên miền, ăn cắp thông tin, dữ liệu diễn ra với quy mô lớn chưa từng thấy.

Theo kết quả điều tra của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), trong năm 2011 số lượng các cuộc tấn công DDoS vào hệ thống website của các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam đã tăng hơn 70% so với năm 2010. Một trường hợp điển hình ở Việt Nam là vụ Báo điện tử Vietnamnet bị tấn công từ chối dịch vụ DDoS từ cuối năm 2010 kéo dài đến đầu năm 2011. Đây là cuộc tấn công với quy mô lớn, liên tục và kéo dài, đã phá hủy hầu như gần hết cơ sở dữ liệu 10 năm của báo Vietnamnet.

Ở mức độ thế giới, hồi tháng 8-2011, các chuyên gia của Hãng Bảo mật McAfee đã khám phá ra loạt tấn công lớn nhất trong lịch sử, liên quan tới mạng lưới của 72 tổ chức, bao gồm cả Liên hiệp quốc, các chính phủ và công ty lớn khắp thế giới. Theo McAfee, trong vụ của Liên hiệp quốc, tin tặc đã xâm nhập vào hệ thống máy tính của Ban Thư ký Liên hiệp quốc đặt tại Geneva (Thụy Sĩ) năm 2008, ẩn mình bí mật ở đó gần 2 năm, và âm thầm lọc, gửi các tệp tin tuyệt mật về máy chủ định sẵn của nhóm tin tặc. Đây là vụ đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ lớn nhất trong lịch sử.

Các chuyên gia bảo mật đều khẳng định, những cuộc tấn công vừa qua ở Việt Nam là lời cảnh báo việc bảo đảm an ninh cho các website của chúng ta còn yếu. Tuy nhiên, việc nâng cao năng lực ATTT không phải việc muốn là có thể làm được ngay bởi nó không hề đơn giản. Muốn làm được, tổ chức, doanh nghiệp cần có kế hoạch, định hướng, chiến lược và phải có cách điều hành thống nhất nhất quán từ đầu đến cuối. Bên cạnh đó, cần đầu tư nguồn lực về con người, kinh phí và sự hiểu biết, kiên quyết của người lãnh đạo thì mới chỉ đạo được công việc ấy.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì không gian mạng có đầy đủ cả mặt tích cực và tiêu cực, cần phải gìn giữ không gian này, bảo vệ nó cũng như một thứ chủ quyền. Đất nước nào không làm chủ được không gian mạng của mình sẽ bị thiệt thòi và bị tấn công bởi những mặt trái từ internet. Đây là vấn đề lâu dài, nhưng cũng rất cấp bách hiện nay.

Để khắc phục được vấn đề này, chúng ta cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ theo nguyên tắc “phòng hơn chống”. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã nói nhiều đến vấn đề này, nhưng ý thức thôi chưa đủ, chúng ta cần phải hành động một cách mạnh mẽ hơn nữa. Bản thân Bộ TT-TT và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính (VNCERT) cần phải thay đổi cơ chế, cách thức hoạt động của VNCERT thì mới đáp ứng được tình hình.

Bên cạnh việc phải xây dựng chiến lược an ninh mạng quốc gia, phải làm sao tập hợp được đông đảo đội ngũ những cá nhân cũng như tập thể ở Việt Nam có khả năng để đối phó với bất kỳ tình huống nào xảy ra trong thực tế. Bởi không gian mạng và môi trường internet luôn phát triển và không ngừng thay đổi, kể cả hướng tích cực và tiêu cực.

Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục