
Người dân ở khu Montmartre (Paris, Pháp) đã phản đối chuyện chính quyền phá bỏ những con đường đá được lát từ xa xưa để trải nhựa đường. Đây là một phần trong kế hoạch trị giá 2 triệu euro để quy hoạch khu này thành một “vùng xanh” nhằm thu hút khách du lịch và làm hài lòng giới trẻ có thu nhập cao dọn đến đây định cư.
- Bảo vệ hồn phố

Đường cầu thang núi Cenis một địa điểm làm nên hồn phố Montmartre.
Tuy nhiên, các quan chức Tòa thị chính Paris không tính đến sự không hài lòng của những cư dân lâu năm tại đây.
Ông Raymond Lansoy 65 tuổi một cư dân ở đây nói dù bị chê là người nệ cổ, ông và các bạn vẫn xem chuyện hiện đại hóa khu vực là một sự xâm phạm vào hồn phố. Những con đường đá này từ bao lâu đã “có hồn” ở Montmartre, nơi từng là chốn lui tới của những nghệ sĩ như Van Gogh, Renoir, Dali, Monet và Picasso.
Montmartre ở phía Bắc Paris, thuộc quận 18 và nổi tiếng với ngôi nhà thờ vòm trắng Basilica of the Sacré Coeur. Montmartre có nghĩa “núi tử đạo” do Thánh Denis (bổn mạng nước Pháp) bị chém đầu trên đồi này. Ở đây cũng có khu ăn chơi như vũ trường Moulin Rouge nổi tiếng, trong khi khu Montparnasse bên bờ tả sông Seine cũng là một trung tâm nghệ thuật của Paris... Trong bối cảnh đó, Montmartre chính thức trở thành một khu phố cổ, hạn chế xây dựng để giữ gìn bản sắc.
Vậy mà…, ông Lamsoy kể, rạng sáng thứ hai mới đây, ông tỉnh giấc và phát hiện nhân công đang rải nhựa đường ở phía ngoài nhà hàng La Pomponette. Sự bực bội còn được thể hiện bằng một biểu ngữ phản đối: “Quảng trường xấu hổ” treo ngoài tiệm bán thịt của ông Langglois. Ông này chỉ huy 30 cư dân phản đối chuyện trải nhựa đường, nói thẳng: “Tòa thị chính đang giết bản sắc của người Montmartre”. Ông càng nổi nóng hơn về chương trình chống ô nhiễm “Hơi thở Paris”: trồng cây dâu tằm trên các con đường, đặt hai hàng ghế gỗ ở giữa các góc phố 3 cạnh dành riêng cho khách bộ hành và một hệ thống giao thông một chiều.
- Khắc phục hậu quả
Hai tuần sau vụ phản đối trải nhựa đường, quan chức chính quyền hứa sẽ lắp lại số đá đã phá bỏ! Tuy nhiên, Tòa thị chính Paris chưa quyết có nên xem xét các ý kiến đóng góp về chuyện trồng cây, ghế gỗ và đường một chiều của họ.
Ngoài chuyện trải nhựa đường, việc trồng cây dâu tằm cũng gây tranh cãi đặc biệt. Ông Lansoy bảo “quy hoạch xanh” sẽ là một “bước quá trớn” khác và ông cùng nhóm bạn đưa ra nhiều lý lẽ phản bác: hai hàng ghế gỗ chỉ tổ làm bợm nhậu chọn làm chỗ ngả lưng sau khi làm vài ve. Hoặc các góc phố 3 cạnh là chỗ để người ta đậu xe trái phép. Cây dâu tằm thì sẽ “đu theo” những tấm vải bạt che nắng cho các cửa hiệu trong khu vực. Các đoạn đường nhựa ở các dốc sẽ gây ra nguy cơ lụt và hệ thống giao thông một chiều buộc xe phải chạy vòng vòng càng làm tăng sự ô nhiễm.
Ông Lansoy, có cha và ông nội đều sống ở đây, nói không thể chấp nhận chuyện trồng cây ở Montmartre vì nó phá hỏng tầm nhìn xuống kinh thành hoa lệ Paris từ ngọn đồi cao 130m này.
Anh Thao