Bảo vệ môi trường - Xây và chống

Môi trường đã và đang trở thành vấn đề nhạy cảm với cộng đồng và doanh nghiệp sản xuất. Với cộng đồng, môi trường đã và đang tác động đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của từng thành viên trong xã hội. Còn đối với doanh nghiệp, đó là sự sống còn và phát triển.

Trước thực tế đó, Chính phủ đã thành lập thêm nhiều lực lượng thanh tra, kiểm tra môi trường và ban hành hàng loạt quy định nhằm thắt chặt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường. Về phía cộng đồng, ngày càng nhiều người hướng tới sử dụng sản phẩm xanh, để từng bước xây dựng thói quen sống thân thiện với môi trường. Nhiều doanh nghiệp cũng nỗ lực sản xuất bền vững thông qua quyết tâm đầu tư hàng chục tỷ đồng vào hệ thống xử lý chất thải từ đầu năm 2009 đến nay.

Thế nhưng, “cái sảy lại nảy cái ung”. Khi Luật Bảo vệ môi trường “siết chặt” các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường hơn, nhưng hạ tầng chuẩn bị cho ngành công nghệ môi trường chưa được đầu tư đồng bộ, đã khiến nhiều doanh nghiệp dở khóc dở cười, có tiền đầu tư cũng không tìm được tư vấn đầu tư môi trường.

Thậm chí, có những đơn vị tư vấn môi trường do cơ quan chức năng giới thiệu, nhưng năng lực thực hiện cũng… hên xui. Đó cũng chính là lý do mà vẫn còn nhiều doanh nghiệp dù muốn đầu tư hệ thống xử lý chất thải cũng đành… bó tay.

Trong lúc giao thời, khi đang loay hoay tìm nhà đầu tư, các doanh nghiệp liên tục bị các đoàn thanh tra, kiểm tra môi trường... “viếng thăm”. Không ít doanh nghiệp bức xúc khi mỗi năm phải tiếp gần 20 đoàn với cùng nội dung… công tác bảo vệ môi trường, nhưng rất ít đơn vị dám phản kháng vì ngại đụng chạm. Kết quả là họ bị kiểm tra nhiều hơn và hoạt động sản xuất đình trệ hơn.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Văn Đức đã cho rằng, việc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp là cần thiết. Song chúng ta thực hiện có chống, có xây. Chống tức là với những doanh nghiệp đầu tư mới, nhất thiết phải đầu tư xử lý triệt để chất thải mới được đi vào hoạt động. Còn những doanh nghiệp đã đầu tư cũ - khi mà quy định đầu tư chưa buộc họ phải đầu tư xử lý chất thải thì nên xây nhiều hơn chống. Xây là hỗ trợ vốn để họ cải thiện công nghệ sản xuất, xử lý triệt để chất thải. Xây cũng còn có nghĩa cho họ lộ trình để tự hoàn thiện công nghệ xử lý chất thải của mình. Trường hợp họ cố tình không thực hiện sau khi đã nhận được hỗ trợ trên, lúc đó việc các cơ quan chức năng áp dụng hình thức chống mới thực sự thuyết phục. Suy cho cùng, “đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại”.

Có thể nói, bảo vệ môi trường là cần thiết, nhưng duy trì phát triển kinh tế cũng quan trọng không kém. Do đó, ngoài quy định kiểm tra tình hình chấp hành Luật Bảo vệ môi trường ở doanh nghiệp định kỳ 2 lần/năm, các cơ quan chức năng chỉ được phép kiểm tra khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm môi trường. Thiết nghĩ, Chính phủ cũng cần tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của các đoàn thanh thanh tra, kiểm tra môi trường. Khi đó, doanh nghiệp mới không bị hành để yên tâm sản xuất.

Minh Lan

Tin cùng chuyên mục