Rừng ngập mặn không chỉ là nơi cư trú mà còn là nơi cung cấp nguồn dinh dưỡng, hỗ trợ cho sự tồn tại và phát triển phong phú của các quần thể sinh vật cửa sông ven biển, đồng thời là nơi duy trì đa dạng sinh học cho biển. Tầm quan trọng của rừng ngập mặn đối với môi trường sinh thái đã được các nhà khoa học khẳng định từ lâu. Đặc biệt trong tương lai, rừng ngập mặn còn là cứu cánh của con người trong việc ứng phó với sự biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao.
Theo một số chuyên gia, bên cạnh các giá trị về đa dạng sinh học, rừng ngập mặn còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường. Cụ thể, rừng ngập mặn có khả năng hạn chế mặn xâm nhập và bảo vệ nước ngầm. Hệ rễ cây chằng chịt trên mặt đất làm giảm cường độ của sóng nên hạn chế dòng chảy vào nội địa khi triều cường. Khi mực nước biển dâng cao, chúng ta phải đối diện với nguy cơ mất đất ở, đất sản xuất, đồng thời nước ngầm cũng sẽ bị nhiễm mặn.
Trong khi đó, rừng ngập mặn lại có khả năng giữ và cố định vật chất lơ lửng, phù sa, từ đó sẽ tạo nên một vùng đất mới. Nhờ có hệ rễ dày đặc trên mặt đất, cây rừng ngập mặn còn góp phần vào việc giảm tốc độ dòng chảy của thủy triều, giảm sự xói lở do sóng biển gây ra. Hạt nảy mầm khi còn ở trên cây, mầm rơi xuống nước và trôi đến chỗ cạn, nếu gặp điều kiện thuận lợi cho hệ rễ phát triển thì nơi đó bắt đầu cho sự hình thành một hòn đảo mới. Nhờ cây con, quả, hạt có khả năng sống dài ngày trong nước cho nên cây ngập mặn có thể phát tán rộng vào đất liền. Nước biển dâng đến đâu thì cây mọc đến đó.
Theo TS Nguyễn Hoàng Anh, Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM, rừng ngập mặn có thể được xem như công cụ đắc lực của con người khi mực nước biển dâng cao. Rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng đối với việc bảo vệ môi trường, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay. Với vai trò là bức tường xanh, rừng sẽ làm hạn chế thiệt hại trong sản xuất và đời sống người dân do thiên tai, bão lũ gây ra, phòng chống xói lở bờ biển, cố định đất bãi bồi, mở rộng sản xuất, hạn chế tình trạng mặn xâm nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản ổn định và bền vững thông qua việc chặn gió biển, cải tạo làm sạch môi trường. Ngoài ra, rừng còn đảm nhận nhiệm vụ như là lá phổi xanh hấp thụ khí CO2, tác nhân gây hiệu ứng nhà kính làm cho trái đất nóng lên. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hoàng Anh, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để bảo vệ, khôi phục và trồng lại những khu rừng ngập mặn đã bị tàn phá, tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng mới vẫn đang là bài toán khó cho các địa phương.
Để hạn chế tình trạng này, theo nhiều ý kiến, chúng ta cần phải rà soát, kiểm tra lại diện tích rừng ngập mặn, thiết lập phân vùng và thành lập khu bảo tồn đa dạng sinh học, triển khai nhân rộng các mô hình trồng rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng, đồng thời nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ rừng cho người dân. Ngoài ra, phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, các ngành chức năng cần nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất, quản lý và phát triển bền vững vùng ven biển, các mô hình phòng chống xói lở an toàn và hiệu quả.
MINH HẢI