Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thời gian gần đây dư luận quan tâm đến hai câu chuyện: Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào và Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) tiếp tục nhập khẩu bò từ Australia về để xẻ thịt cung cấp cho thị trường TPHCM.
Đây là hai mặt hàng nước ta hoàn toàn có thể sản xuất, cân đối nhu cầu tiêu dùng. Vậy hà cớ gì phải nhập? Câu chuyện này đáng để ngành nông nghiệp nước ta nhìn lại chính mình, nhất là trong bối cảnh rủi ro của nông dân ngày càng cao, khi các hiệp định thương mại đang mở ra ngày càng dồn dập.
Nghe qua đều có lý do chính đáng để Vissan nhập khẩu bò từ Australia cũng như Bộ Công thương đề xuất nhập đường từ Lào. Nhập khẩu bò Australia, các đơn vị kinh doanh có thể “thu hồi” đến 54% thịt, còn đối với bò nuôi tại Việt Nam tỷ lệ này chỉ là 50%! Hiệp hội Mía đường Việt Nam thừa nhận về giá thành, đường Lào của Hoàng Anh Gia Lai rẻ hơn, đường Việt Nam rất khó cạnh tranh. Theo đó, 1kg đường của Hoàng Anh Gia Lai chỉ ở mức 4.000 đồng, còn các nhà máy của Việt Nam bán là 16.000 đồng/kg. Câu chuyện Hoàng Anh Gia Lai “đem củi về rừng” đã có từ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành đường đang dư thừa hơn 600.000 tấn, chưa kể đường nhập lậu. Nếu 50.000 tấn đường này về đúng lúc cao điểm trong nước sản xuất thì tăng thêm nguồn cung, gây sức ép giá bán đường trong nước. Ai cũng biết, giá đường thấp sẽ có lợi cho người tiêu dùng, nhưng thử đặt ra câu hỏi: 50.000 tấn đường này nhập về bán cho ai, cho một vài doanh nghiệp lớn hay bán rộng trên thị trường? Tại sao đường trong nước đang dư thừa 600.000 tấn, lại bị đường lậu Thái Lan làm “bầm giập” mà lại đề xuất cho nhập khẩu?
Cần có đánh giá toàn diện để luận “công và tội” ngành mía đường. Cách đây hơn một thập niên, ngành mía đường liên tục thua lỗ và chịu nhiều búa rìu dư luận khi nhập khẩu nhiều công nghệ chế biến đường từ Trung Quốc. Đó là thời điểm Việt Nam còn nhập khẩu đường, trong đó có nhập khẩu cả đường từ Cuba. Thế rồi, những nhà máy đường đã tạo nên kỳ tích khi sản xuất đường vượt mức 1 triệu tấn, rồi tăng dần, năm 2013 đạt sản lượng 1,5 triệu tấn và năm 2014 đạt khoảng 1,6 triệu tấn. Các nhà máy đường từng bước được cổ phần hóa và sản xuất có lợi nhuận. Chưa vội mừng, thì gần đây ngành mía đường lại bị khốn đốn, thua lỗ khi bị đường cát Thái Lan thẩm lậu qua tuyến biên giới Tây Nam cạnh tranh. Trong bối cảnh cánh cửa hội nhập ngày càng mở rộng, ngành mía đường thật sự đứng trước nguy cơ “sụp đổ” nếu không có những giải pháp đổi mới sản xuất, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh.
Người trồng mía và các nhà máy đường phải tìm giải pháp mới để tồn tại! “Đầu tư về giống mía cho ngành đường đến nay vẫn là con số 0” - một lãnh đạo ngành mía đường bức xúc nhận định. Với diện tích gần 300.000ha, hàng triệu nông dân trồng mía đang lúng túng trước sự lựa chọn phá bỏ cây mía để trồng cây khác hay tiếp tục trồng mía để chịu cảnh thua lỗ, để mía trổ cờ phơi ngoài đồng!? Nhiều nông dân ở ĐBSCL đang tự phát chuyển đổi để trồng các loại cây khác. Trong đó, nông dân Hậu Giang đã phá bỏ khoảng 2.000ha mía trong 2 năm qua. Và trước cảnh trồng mía từ “hòa đến lỗ” của phần lớn nông dân, nhiều địa phương đang có kế hoạch giảm tiếp diện tích trồng mía.
Trồng mía, nuôi bò… liên quan đến sinh kế của hàng triệu con người! Và lợi thế về nông nghiệp đang bị đe dọa nghiêm trọng trong bối cảnh hội nhập nông nghiệp. Các ngành hữu quan đang tính toán triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp là điều cần thiết! Song, việc giám sát, đưa ra các “rào cản” để che chắn, bảo vệ người nông dân sản xuất là vấn đề cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Nếu không, trong vài năm tới, diện tích trồng mía bị “teo tóp”, các nhà máy đường phá sản, Việt Nam lại nhập khẩu số lượng đường lớn, liệu có lợi hơn?
CAO PHONG