Bất an từ những chuyến tham quan

Hai ngày qua, tin dữ ập đến khiến người dân thị trấn Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương bàng hoàng, xót thương. Nỗi đau buồn phủ kín Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm khi hay tin có 7 nam học sinh bị sóng biển cuốn trôi và đã tìm thấy xác tại biển Cần Giờ TPHCM. Với các gia đình có con tử nạn thì nỗi đau tột cùng hơn, bóp nghẹt trái tim hơn. Thức trắng đêm ở bờ biển, ngóng chờ tin con, nhiều bà mẹ vật vã, ngất xỉu và họ không thể tin được sự thật - những đứa con yêu quý đã vĩnh viễn ra đi. Một chuyến đi định mệnh và nó khiến người lớn, người có trách nhiệm phải day dứt, tự vấn.

Với mục đích khen thưởng, động viên những học sinh có thành tích học tập tốt trong học kỳ 1 năm học 2013 - 2014, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tổ chức chuyến tham quan Rừng Sác, kết hợp tắm biển tại Cần Giờ. Đoàn có 97 học sinh và 15 giáo viên đi cùng. Lẽ ra chuyến đi sẽ trọn vẹn và học sinh ở vùng quê xa sẽ có cơ hội trải nghiệm, tham quan vùng đất lịch sử Cần Giờ giàu ý nghĩa như mục đích đặt ra.

Thế nhưng, sự cố không an toàn đã xảy ra trong tích tắc và hậu quả của nó thật nghiêm trọng. Vì không có ai giám sát, cảnh báo khi tắm nên trong lúc ham vui sóng lớn đã cuốn các em ra xa. Điều khiến dư luận quan tâm và đặt vấn đề là khi tổ chức chuyến đi, nhà trường đã tìm hiểu kỹ về nơi tham quan và các nội dung, điều khoản ký kết trong hợp đồng với đơn vị dịch vụ lữ hành có đầy đủ, chặt chẽ, phòng tránh các rủi ro, bất trắc có thể xảy ra đối với học sinh hay không?

Thứ nhất, ở độ tuổi THCS, học sinh thường hiếu động, thích khám phá, tìm tòi, nếu không được hướng dẫn, quản lý chặt thì các em rất dễ thoát khỏi sự kiểm soát của đoàn và hành động theo cảm tính, sở thích riêng. Chính vì thế, việc để 12 em tách khỏi đoàn xuống tắm biển và gặp nạn cho thấy khâu quản lý, giám sát các thành viên thiếu chặt chẽ. Thứ hai, bãi tắm - nơi học sinh xuống bơi gần địa hình hiểm trở - sát công trình đang thi công, tạo hố xoáy sâu nguy hiểm nhưng các em có được cảnh báo tránh xa?

Thứ ba, vào thời điểm các em xuống tắm, nước dâng cao, sóng lớn nhưng ban quản lý bãi tắm, lực lượng cứu hộ có thông báo và ngăn chặn? Do không nhận được sự cảnh báo kịp thời nên dù biết bơi giỏi, các em cũng bất lực, bị biển cả nhấn chìm. Vậy lỗi tại ai và ai phải chịu trách nhiệm khi để mất đi những thiên thần áo trắng?

Từ bài học đau xót nêu trên và nhìn lại nhiều lỗ hổng trong việc tổ chức chuyến tham quan định mệnh này, dễ nhận thấy việc quản lý học sinh thiếu chặt chẽ, không đảm bảo an toàn. Đây không phải là trường hợp cá biệt và sự cố đau lòng từ những chuyến tham quan cuối năm vẫn xảy ra với nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Điển hình nhất là vụ việc bất cẩn của tài xế khi cố vượt qua đường ray xe lửa khi đưa đoàn học sinh lớp 11 của Trường THPT Nguyễn Khuyến quận 10 TPHCM đi tham quan thác Giang Điền (Đồng Nai) cách đây 6 năm. Chuyến tham quan định mệnh ấy cũng cướp đi sinh mạng của 5 học sinh và làm 26 em khác bị thương.

Cứ vào dịp cuối năm - kết thúc học kỳ 1, nhiều trường học trong cả nước thường tổ chức các chuyến tham quan, dã ngoại cho học sinh. Đây là hoạt động ngoại khóa cần thiết để học sinh nghỉ xả hơi, giảm stress sau những ngày học tập căng thẳng và có dịp trải nghiệm, cọ xát thực tế, phát triển sinh hoạt đội, nhóm… Nhưng tổ chức như thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh là vấn đề cần đặt ra cho các trường. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều phụ huynh đắn đo và cảm thấy bất an khi cho con cái tham gia những chuyến tham quan xa thành phố.

Để phụ huynh yên tâm thì ngoài chọn lựa công ty lữ hành có uy tín, chất lượng, giá cả phù hợp, các trường phải quan tâm đến nội dung quản lý, giám sát học sinh nhằm tránh mọi rủi ro, bất trắc, sự cố có thể xảy ra. Mong sao đừng có thêm những vụ việc đau lòng, xót xa từ những chuyến tham quan, du ngoạn của học trò.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục