(SGGP).- Ngày 27-3, đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ trục vớt cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) đã bắt đầu triển khai các công việc.
Theo kết quả khảo sát hiện trường, nhịp cầu bị chìm nằm ở độ sâu 13m, dính nhau bởi các thanh ray đường sắt. Trong đó, một đầu nhịp 2 kê lên mố cầu sập, nhịp cầu 3 treo lơ lửng do dính ray sắt với nhịp bên kia. Các ray giữa nhịp 3 và 4 (hướng Hà Nội - TPHCM) đã được cắt đứt mối liên kết trong ngày 26-3. Còn nhịp số 3 (chìm dưới lòng sông Đồng Nai) đã được thợ lặn tiến hành cắt dưới sông.
Theo quan sát tại hiện trường, trong ngày 27-3, cẩu nổi có công suất 500 tấn (lớn nhất Việt Nam hiện nay) được sà lan có tải trọng 3.600 tấn chở đã áp sát khu vực cầu Ghềnh phía hạ lưu, các đơn vị thi công thực hiện đóng cọc xuống lòng sông nhằm giúp sà lan neo đậu chính xác vị trí. 2 mũi thi công gồm các thợ lặn tiếp tục lặn cắt đôi nhịp bị chìm.
Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Tổng giám đốc Cienco 1, chỉ huy trưởng đơn vị phụ trách trục vớt cầu Ghềnh cho biết, công tác thi công gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thủy triều. Cụ thể, ở hiện trường, nước lớn khiến thợ lặn bị trôi không thể làm việc được phải chờ nước rút xuống. Ngoài ra, dưới đáy sông Đồng Nai khu vực cầu Ghềnh không thấy bùn mà toàn đá, khiến việc neo đậu sà lan có trang bị cần cẩu nổi lớn đảm bảo an toàn lao động rất khó khăn.
Sau khi thống nhất phương án, Cienco 1 huy động lực lượng tiến hành cắt thanh ray trên nhịp 4 để tách các hạng mục bị đổ sập khỏi phần còn lại của cầu. Các kết cấu dầm cầu bằng thép sau đó được chuyển lên sà lan đưa về điểm tập kết. Việc trục vớt các đoạn nhịp dầm sẽ bắt đầu vào ngày 28-3. Dự kiến công tác trục vớt sẽ hoàn thành trước ngày 2-4 tới, sau đó các đơn vị thuộc Bộ GTVT sẽ triển khai xây dựng cầu mới.
ĐỨC TRUNG