Thị trường du lịch đang nổi sóng với những dằn vặt, toan tính khi lựa chọn hướng phát triển như chiếc lá xanh trong tháng 4, tháng giao mùa giữa ngọt ngào xuân và nồng nàn hạ, vẫn dùng dằng nửa muốn bám mãi vào cây, nửa muốn rụng xuống thuận theo quy luật của muôn đời.
Và như chiếc lá đong đưa, chúng ta phải tính thật kỹ được - mất, có thể cái được hôm nay lại là mất mát cho ngày mai, cái lợi ích trước mắt có thể là thảm họa cho tương lai. Tuần trước, thật ngạc nhiên khi hay tin Chính phủ Philippines ủng hộ đề xuất tạm đóng cửa đảo du lịch Bocaray - được coi là hòn đảo đẹp nhất thế giới - trong 6 tháng kể từ cuối tháng 4. Đích thân tổng thống nước này, ông Duterte, đã vui mừng ra mặt lệnh phải dọn dẹp “hố rác” Bocaray “ngay và luôn”.
Cũng cần phải nói thêm hòn đảo thiên đường này đón khoảng 1 triệu du khách mỗi năm, chiếm 1/6 tổng lượng khách du lịch của Philippines, và mất mát không nhỏ, có thể lên tới hàng tỷ USD. Nhưng việc cần làm vẫn phải làm trước sự nhếch nhác, sự xây cất ồ ạt các cơ sở lưu trú và dịch vụ ngay sát bờ biển, sự thiếu hụt trầm trọng các hệ thống xử lý rác thải. Nguyên nhân cũng chỉ tại… đồng tiền: kênh truyền hình Mỹ Discovery có phát một phóng sự từ đảo này khi dòng du khách ào xuống nước thi nhau chụp hình những con cá mập voi đang ăn ngấu nghiến những con cá được người dân thả xuống. Bi kịch ở chỗ, cá mập voi từ một loài cá nhút nhát, di cư theo mùa, bỗng thoắt trở thành… cá bè, há mõm cười vui với người và quên đi bản năng sinh tồn. Người ta nói tới một tương lai gần khi mất đi một nguồn gen quý, sự phá vỡ cân bằng sinh học trong tự nhiên. Chung quy mất nhiều hơn được.
Trường hợp thứ hai xảy ra tại hồ Baikal, nước Nga, hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Năm 2008, người viết đã có dịp tham quan biển hồ này, phải nói là tuyệt đẹp, nước trong vắt đến mức bạn ném hòn sỏi xuống vẫn có thể nhìn thấy nó nằm ở độ sâu 80m. Và khách du lịch chủ yếu đến từ châu Âu, Mỹ.
Bẵng đi nhiều năm, mới đây đọc báo chí Nga mới ngạc nhiên thấy người Nga cảnh báo hồ Baikal sắp trở thành “Bắc Hải với người Trung Quốc”. Họ nhắc tới vùng Irkusk, dân số 640.000 người nhưng phải đón nhận lượng du khách lên tới gần 1 triệu người, chủ yếu là người Trung Quốc. Thay cho sự hào hứng đến từ đồng nhân dân tệ, các công ty du lịch lữ hành đã chua chát đề xuất đóng cửa việc tham quan hồ Baikal trong những “tháng cao điểm” để dành chỗ cho người Nga. Từ thực tế người bản địa không thể đặt chỗ khách sạn, không thể thuê nổi xe đưa rước, người ta kiến nghị phải cấp “quota” hạn ngạch du khách nước ngoài được phép đến trong 3 tháng cao điểm mùa hè.
Người ta cũng nói thẳng việc khách Trung Quốc gần như “không đóng góp một xu nào” cho ngân sách nhà nước. Đó là bởi vì họ có “vương quốc riêng” của mình từ hướng dẫn viên du lịch, hệ thống khách sạn, nhà hàng khép kín. Ở đâu cũng thấy bảng hiệu mời chào bằng tiếng Hoa ăn chỗ nào, nghỉ chỗ nào, mua đất chỗ nào giá hời nhất. Thậm chí hướng dẫn viên du lịch còn thuyết minh hồ Baikal chỉ tạm thời thuộc về nước Nga, còn nói chung xét về lịch sử là “Bắc Hải của Trung Quốc” (có thể đọc điều này trên trang mạng Change.org của một nữ công dân Nga). Và thật sự người Nga phát hoảng khi làn sóng tour du lịch không đồng từ Trung Quốc có thể nhấn chìm hồ nước ngọt lớn nhất, đẹp nhất hành tinh.
Có gì đó tương tự xảy ra ở nước ta. Ở khắp nơi từ Bắc chí Nam, các danh thắng, kể cả được UNESCO công nhận là di sản thế giới đều đã bị xâm hại, bị phá nát không thương tiếc khi nhân danh “ngành công nghiệp không khói”. Tràng An là một ví dụ điển hình khi phải đập bỏ, tháo dỡ những công trình xây dựng không phép. Rồi cảnh tượng xây cất nham nhở, phân lô, bán nền nhan nhản từ Sapa, qua Đà Nẵng, Nha Trang lan đến đảo ngọc Phú Quốc. Sapa và Đà Lạt giờ chả khác gì một thành phố dưới xuôi, không còn sự lãng mạn lãng đãng sương mù với tiếng vó ngựa lốc cốc, khoan thai. Bà Nà thì quá ngán ngẩm với phong cách kiến trúc nửa Tàu, nửa Tây… và danh sách còn dài dài. Chỉ còn tiếng thở dài: phá bao giờ cũng dễ hơn xây và ước nguyện của nhà thơ họ Chế bao giờ đất - bất động sản - hóa tâm hồn chắc còn xa vời vợi.
Mới đây sau những việc đã rồi ở Nha Trang - là sự xuất hiện cả khu phố Tàu, phố Nga trong lòng thành phố biển, Bộ VH-TT-DL mới tá hỏa gửi công văn đề nghị chính quyền sở tại thực hiện nghiêm quy định trong luật quảng cáo bắt buộc bảng hiệu chữ Việt phải to nhất, rõ nhất, còn tiếng nước ngoài thì phải nhỏ nhắn xếp phía dưới.
Đó chỉ là tiếng động của một viên sỏi ném xuống biển “lợi ích nhóm”. Và câu hỏi bắt đầu từ đâu vẫn treo lơ lửng. Đã rõ phải phát triển bền vững, phát triển nhưng cương quyết không xâm hại môi trường, cảnh quan, song bắt đầu từ đâu?