Bất hợp lý trong ưu đãi thuế - Rào cản đối với hàng Việt

“Cám treo, heo nhịn đói”
Bất hợp lý trong ưu đãi thuế - Rào cản đối với hàng Việt

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, UBND TPHCM đẩy mạnh hỗ trợ lãi vay thông qua chương trình kích cầu cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, sản xuất hàng nội, chất lượng cao thay thế hàng nhập khẩu. Mục tiêu của việc đẩy mạnh sản xuất hàng nội thay thế hàng ngoại là nhằm giảm nhập siêu, chống đôla hóa. Thế nhưng, nhiều DN vẫn than rằng, sự bất cập trong ưu đãi thuế như hiện nay chính là rào cản cho hàng Việt…

Sản xuất linh kiện ở Công ty Điện tử Bình Hòa. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất linh kiện ở Công ty Điện tử Bình Hòa. Ảnh: CAO THĂNG

“Cám treo, heo nhịn đói”

Khi kêu gọi sản xuất hàng trong nước thay thế hàng nhập khẩu thì phát hiện một nghịch lý diễn ra trong thời gian qua: rất nhiều sản phẩm được sản xuất trong nước hẳn hoi nhưng muốn tiêu dùng tại thị trường trong nước, DN phải nhập khẩu từ nước ngoài chính những mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam!

“DN không muốn bán sản phẩm cho thị trường trong nước, vì bán hàng trong nước sẽ không được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng. Còn xuất khẩu thì DN sẽ được hưởng ưu đãi thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0%”- ông Vũ Văn Hòa, Trưởng BQL các khu công nghiệp - khu chế xuất TPHCM (Hepza), lý giải nguyên nhân. Chính vì lý do đó mà nhiều sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam nhưng người tiêu dùng phải xài dưới mác hàng nhập khẩu với giá cao hơn.

Cũng xuất phát từ việc ưu đãi thuế suất cho DN trong khu chế xuất (KCX) mà DN xuất khẩu ít tiếp cận được nguồn nguyên liệu trong nước, trong khi các DN này rất muốn mua nguồn nguyên liệu trong nước cho đỡ tốn thời gian, chi phí vận chuyển…

Ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng sản xuất, Công ty TNHH Gunze Việt Nam, cho biết, theo quy định, các công ty trong KCX được hưởng thuế suất VAT 0%, nếu mua nguồn nguyên liệu trong nước thì cả bên mua, bên bán phải mở tờ khai hải quan. Nhưng các công ty nội địa thường rất ngại khi xuất hóa đơn VAT 0% và ngại mở tờ khai hải quan, họ không muốn đi hoàn lại phần thuế đó vì cho rằng thủ tục hoàn thuế rất khó khăn, phải trình cho cơ quan thuế nhiều chứng từ liên đới.

Vì vậy, đối với những hợp đồng trị giá nhỏ họ từ chối bán. Nếu có chấp nhận xuất hóa đơn VAT 0%, họ cũng cộng ngược 10% vào trị giá hàng rồi xuất ngược lại 0% và chấp nhận bỏ qua thủ tục hoàn thuế, như vậy vô hình chung, giá đã bị đội lên 10%, sẽ không đủ sức cạnh tranh”.

Do vậy, mỗi năm các DN trong KCX-KCN mua nguyên liệu từ thị trường nội địa phục vụ cho sản xuất với trị giá chỉ khoảng 800 triệu USD - một con số quá nhỏ so với khả năng đáp ứng của các DN trong nước.

Ưu đãi thuế nhập khẩu - “giết” hàng nội!

“Những sản phẩm như Acer, HP… nếu nhập nguyên chiếc thì giá sẽ rẻ hơn nhiều so với hàng sản xuất trong nước. Nguyên do, hàng nhập khẩu nguyên chiếc được hưởng thuế suất ưu đãi 0% nên hàng lắp ráp trong nước sẽ không thể nào cạnh tranh nổi”- anh Nguyễn Huỳnh Thy Khoa, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Long Vũ, nói.

Bởi theo lộ trình gia nhập AFTA, thuế nhập khẩu đối với máy tính nguyên chiếc nhập về từ các nước ASEAN sẽ được hưởng ưu đãi thuế suất 0%, trong khi đó, thuế suất nhiều mặt hàng linh kiện điện tử (dùng để lắp ráp máy tính trong nước) phải chịu thuế nhập khẩu 2%.

Mà với công nghệ hiện nay, Việt Nam chưa thể sản xuất đủ các linh kiện để lắp ráp được nguyên chiếc máy tính mà phải nhập một số linh kiện mà chúng ta chưa sản xuất được. Nhưng nhà nước lại đánh thuế suất linh kiện nhập khẩu như vậy, làm đội giá sản phẩm máy tính lắp ráp trong nước cao hơn giá máy tính nhập khẩu.

Thậm chí, với chính sách ưu đãi thuế suất 0% qua đường nhập khẩu từ các nước Asean, ngay các mặt hàng từ châu Âu cũng chuyển sang đường các nước Asean rồi nhập về Việt Nam để “lách” luôn khoản thuế mà lẽ ra họ phải đóng khi nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu vào Việt Nam.

Đó là chưa kể, hiện nay có rất nhiều nhà sản xuất máy tính lớn đặt cơ sở tại Trung Quốc và với chính sách ưu đãi thuế suất 0% vào Việt Nam như hiện nay, họ sẽ dễ dàng làm thủ tục nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam mà không phải đóng thuế. Do vậy, các DN sản xuất lắp ráp máy tính trong nước như FPT Elead, VTB, CMS, Mekong Xanh… phải chịu một áp lực lớn khi sản xuất máy vi tính.

Không riêng ngành sản xuất máy tính mà ngành điện tử của Việt Nam nói chung phải chịu áp lực lớn khi ưu đãi thuế suất hàng nhập khẩu nguyên chiếc. Chính mức chênh lệch giữa thuế suất nhập khẩu nguyên chiếc (0%) với thuế suất linh kiện (2%) còn dẫn đến một hệ quả khác là một số nhà đầu tư nước ngoài chuyển từ hình thức liên doanh sang 100% vốn sở hữu, chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu và phân phối sản phẩm.

Để thiết thực hỗ trợ DN sản xuất hàng phục vụ trong nước, thay thế hàng nhập khẩu nhằm giảm nhập siêu, chống đôla hóa trong tình hình hiện nay, thiết nghĩ Chính phủ cần giải quyết những bất cập về chính sách thuế nói trên. Đồng thời, hỗ trợ DN Việt Nam được mua sản phẩm trực tiếp từ trong nước để giảm bớt chi phí, hạ giá thành, cạnh tranh được với sản phẩm nhập từ bên ngoài.

Hàn Ni

Tin cùng chuyên mục