Bắt thuốc lá lậu như… bắt cóc bỏ dĩa

Chỉ khoảng 1% số lượng thuốc lá điếu nhập lậu vào Việt Nam bị phát hiện, bắt giữ. Đó là khẳng định của cơ quan chuyên trách (Quản lý thị trường, Hiệp hội thuốc lá Việt Nam…) tại cuộc hội thảo do Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công thương tổ chức ngày 10-4 tại TPHCM.
Bắt thuốc lá lậu như… bắt cóc bỏ dĩa

Chỉ khoảng 1% số lượng thuốc lá điếu nhập lậu vào Việt Nam bị phát hiện, bắt giữ. Đó là khẳng định của cơ quan chuyên trách (Quản lý thị trường, Hiệp hội thuốc lá Việt Nam…) tại cuộc hội thảo do Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công thương tổ chức ngày 10-4 tại TPHCM.

“Nóng” từ Bắc vào Nam

Thống kê của Cục QLTT cho thấy, từ tháng 10-2014 đến đầu tháng 4-2015, QLTT cả nước đã kiểm tra hơn 9.400 vụ vận chuyển, buôn bán, kinh doanh thuốc lá điếu ngoại nhập lậu; xử lý gần 5.000 vụ vi phạm; thu giữ trên 1 triệu bao thuốc lá các loại, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 16 tỷ đồng. QLTT chuyển cơ quan công an khởi tố 14 vụ. Tuy vậy, tại hội thảo ngày 10-4, nhiều cán bộ chuyên trách cho rằng, việc xử lý trên chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

Ông Nguyễn Công Sang, Chi cục phó Chi cục QLTT TP Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP Hà nội vẫn còn hơn 40.000 điểm kinh doanh sản phẩm thuốc lá. Trong đó chủ yếu bán lẻ, bao gồm cửa hàng tiện ích, điểm tạp hóa, quán nước giải khát gần khu vực nhà ga, bến xe, quán cà phê… Thuốc lá ngoại (555, Mild Seven) được phân phối nhiều tại phố Hàng Buồm, Lý Thái Tổ, Hai Bà Trưng, Đống Đa… Phía QLTT tỉnh Quảng Ninh cũng thông tin thêm, trong 3 tháng đầu năm 2015, Chi cục QLTT đã phát hiện, xử phạt 44 vụ vi phạm; tiêu hủy 2.204 bao thuốc lá nhập lậu. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung, từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng đã tịch thu hơn 38.000 bao thuốc lá.

Cán bộ QLTT kiểm tra, tạm giữ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trên địa bàn TPHCM. Ảnh: THI HỒNG

Buôn lậu phủ khắp các tỉnh, thành trên cả nước, là nỗi ám ảnh của những doanh nghiệp sản xuất chân chính và người tiêu dùng. Đặc thù là tỉnh có đường biên tiếp giáp với nước bạn Campuchia, kéo dài khoảng 240 km (5 huyện, 22 xã biên giới), Tây Ninh thuận lợi cho thông thương hàng hóa của cư dân vùng giáp ranh; nhưng cũng vô tình mở lối cho buôn lậu hoành hành. Ông Cao Văn Năm, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh Tây Ninh nhận định, nhiều năm qua, Tây Ninh được xem là điểm nóng về hoạt động buôn lậu. Mặt hàng chủ yếu là thuốc lá điếu ngoại hiệu Hero và Jet. Tuyến giáp ranh giữa hai tỉnh Tây Ninh - Long An, đoạn kéo dài từ Cầu Sắt, rạch Tràm đến bến đò Lộc Giang, tuyến huyện Bến Cầu, khu cửa khẩu Mộc Bài, đường Xuyên Á về thị trấn Gò Dầu… luôn là điểm tập kết, vận chuyển hàng lậu. Hàng loạt đối tượng chuyên nghiệp, có tổ chức phân luồng hàng hóa tại đây, sau đó tuồn vào TPHCM tiêu thụ. “Hàng hóa thường nằm sẵn tại kho thuộc nước bạn, sau đó tuồn vào Tây Ninh, phân nhỏ cho các đối tượng buôn lậu chuyển tiếp tới nhiều điểm. Các tay buôn lậu cực kỳ manh động, sẵn sàng tấn công, giành giựt hàng với lực lượng chức năng”, ông Cao Văn Năm nói.

Buôn lậu gia tăng

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam nhận định, tình hình vận chuyển, buôn lậu thuốc lá có dấu hiệu gia tăng so với thời điểm trước Tết Ất Mùi 2015. Mỗi năm cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ hơn 1 tỷ bao thuốc lá nhập lậu, tương đương với số tiền thất thu cho ngân sách nhà nước khoảng 9.000 tỷ đồng. Ước tính, chỉ có khoảng 1% thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ. Con số này thật đáng báo động. Ông Vũ Văn Cường đề xuất: “Hiện tại, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (do Bộ Y tế quản lý) có khoảng 500 tỷ đồng, gồm tiền đóng góp của hiệp hội thuốc lá, nhưng mới sử dụng 10%. Có thể trích 50% kinh phí quỹ để trang bị thêm công cụ cần thiết cho lực lượng chuyên trách chống buôn lậu”.

Theo Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) - Bộ Công an, nhìn chung thị trường buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp, buôn bán công khai. Đối tượng vi phạm tổ chức cảnh giới, theo dõi lực lượng chức năng sát sao. Từ tháng 10-2014 đến nay, C46 bắt giữ hơn 2,4 triệu bao thuốc lá lậu; tiến hành khởi tố 54 vụ với 97 bị can. Một số vụ điển hình như vụ bắt đối tượng Lương Quang Thắng (Móng Cái - Quảng Ninh) hay vụ bắt đối tượng Nguyễn Văn Tới (Long An, buôn lậu gần 52.000 bao thuốc lá). Lợi nhuận từ thuốc lá lậu mang lại được giới chuyên gia đánh giá chỉ đứng sau buôn ma túy. Tuy vậy, sự phối hợp kiểm tra, bắt giữ các đối tượng vi phạm giữa các lực lượng chức năng còn thiếu nhịp nhàng, nặng kiểu mạnh ai nấy làm.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - Bộ Công thương, thông tin: Chỉ có hơn 10.200 giấy phép bán lẻ thuốc lá trên 900.000 điểm bán của cả nước, cho thấy độ vênh cung cầu, sự quản lý về cấp phép… Còn ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) nhìn nhận, tình hình buôn lậu thuốc lá hiện nay vẫn nhức nhối. Do vậy, nếu cán bộ chuyên trách không quan tâm sâu sát, bám địa bàn sẽ dễ xảy ra tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”.

Tại hội thảo, nhiều giải pháp đã được bàn thảo, tuy nhiên bên cạnh khâu tăng cường hoạt động chống buôn lậu, nhiều ý kiến đề nghị cần mạnh tay đối với hành vi buôn lậu thuốc lá ngoại, đề nghị xem xét, sửa đổi quy định buôn lậu 500 gói thuốc lá là bị xử lý hình sự (thay vì 1.500 gói như hiện nay). Có quyết liệt, triệt để thì các đối tượng vi phạm mới sợ, không tái phạm.

GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục