Nửa tháng qua, người dân một số địa phương ở huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) đổ xô đi gom lá điều khô bán cho thương lái. Điều đáng nói là, không những người dân mà cả người thu mua cũng không biết rõ mục đích việc mua lá điều để làm gì.
Gom lá điều thành núi
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Canh (huyện Định Quán), cho biết, hoạt động mua bán lá điều khô trên địa bàn diễn ra từ khoảng nửa tháng nay. Đây là thời điểm lá điều vừa rụng, nông dân lại đang nhàn rỗi nên nghe tin có người thu mua lá điều khô thì cả người lớn, trẻ con tranh thủ lên rẫy gom lá bán. Hiện mức giá thu mua tại vườn là 600 đồng/kg và tại vựa là 1.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ngày một người thu gom được khoảng 100kg lá, chở về vựa kiếm được 100.000 đồng là một khoản thu nhập khá ở vùng quê nghèo. Hầu hết những người dân này đều nói rằng, có người mua thì đi lấy bán chứ không biết việc mua lá điều để làm gì.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại xã Gia Canh có một đầu mối thu mua lá điều lớn là hộ gia đình ông Ngô Kỳ Thịnh, mỗi ngày mua vào 5 - 7 tấn lá. Ngoài những người đi gom lá chở đến bán trực tiếp, tại xã Gia Canh cũng xuất hiện một số người mang xe tải lên tận rẫy mua về bán lại cho ông Thịnh để kiếm lời. Có mặt tại bãi tập kết lá của gia đình ông Thịnh tại ấp 3, xã Gia Canh, chúng tôi chứng kiến hàng “núi” lá điều, số được ủ bạt, số để lộ thiên. Ông Thịnh cho biết, đến nay gia đình ông đã mua được trên 80 tấn lá điều, mục đích là để làm phân hữu cơ. Tuy nhiên, “quy trình” làm phân mà ông Thịnh đưa ra lại quá đơn giản, chỉ cần tập trung lá điều thành đống, tưới nước rồi ủ bạt, sau đó đảo lên xịt chất xử lý nấm bệnh rồi ủ tiếp sẽ thành phân.
Ngoài xã Gia Canh, việc thu mua lá điều khô cũng diễn ra tại xã La Ngà của huyện Định Quán.
Lợi bất cập hại
Theo bà Nguyễn Thị Dòn, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Định Quán, thông thường khi đến mùa thu hoạch hạt điều, nông dân mới quét lá điều để vườn thoáng đãng cho dễ nhặt hạt. Sau đó lá điều được đốt tại vườn lấy mùn bón lại cho cây điều. Nếu người dân cứ gom lá điều bán thì vườn sẽ suy kiệt vi chất, chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng quả điều. Cũng theo bà Dòn, cơ quan chuyên môn hoàn toàn không ủng hộ việc thu mua lá điều, dù mục đích thu mua để làm phân, vì sau khi làm phân thì chưa chắc bón lại cho vườn điều.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Canh Vũ Thị Thu Thủy cho rằng, hiện đang là thời điểm điều trổ bông, nếu quét hết lá khô vườn sẽ mất độ ẩm, nguy cơ bông bị rụng. Điều đáng nói là nhiều chủ vườn nhận ra điều đó, không gom lá bán nhưng lại bị người khác vào quét trộm. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp trẻ em thiếu ý thức đã bẻ cành điều chờ lá khô để lấy bán.
Ngày 2-12, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Đào Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Canh, cho biết, ngành chức năng của huyện Định Quán đã tạm đình chỉ hoạt động cơ sở thu mua lá điều khô tại xã Gia Canh. Nguyên nhân tạm đình chỉ là do chủ cơ sở này không chứng minh rõ ràng mục đích thu mua lá điều để mang đi đâu, làm gì, mà chỉ nói chung chung là xuất về TPHCM để làm phân.
Nam Viên