Bầu ơi thương lấy...

Trong những ngày qua, chương trình thời sự trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) phát đi phát lại hình ảnh của những người dân thiếu ăn ở bản Bến Thân, xã Đông Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ khiến không ít người xem rơi nước mắt. Những đứa trẻ lem luốc khoác lên mình chiếc áo mỏng tanh trong cái gió lạnh mùa đông đang ngóng từng bữa ăn, cái bếp lửa nguội lạnh mà nói như một lão nông là không còn gì để nấu và những người phụ nữ đang cầm cuốc vào rừng đào củ mài về ăn cầm hơi qua ngày…

Có lẽ, những thế hệ sinh ra vào trước những thập niên 1950 - 1960 mới hình dung ra được cái vị của củ mài, còn những thế hệ sau đó, như chúng tôi hôm nay thì chắc hẳn không tưởng tượng được hình hài củ mài thế nào… 

Nói vậy để thấy rằng ở thế kỷ 21, khi nền kinh tế - văn hóa đã bước lên một tầm cao mới thì vẫn lẩn khuất đâu đó có những con người đang chống chọi với cái đói, cái rét… Và hình ảnh ấy càng phản diện hơn, đối lập hơn khi đúng vào thời điểm “năm hết, tết đến”. 

Nhiều báo đài trong mấy ngày qua liên tiếp đưa tin, phát sóng ở nơi này tổ chức hội hoa xuân tưng bừng, ở nơi kia người dân nô nức mua sắm trong niềm hồ hởi mùa xuân đang về thì vẫn còn đó những người lao động cơ cực đang kiếm bữa qua ngày lang thang trên hè phố, những bệnh nhân nghèo đang quặn thắt cơn đau trong bệnh viện, những đứa trẻ mong chờ cái bánh chưng, quần áo mới…

“Bầu ơi thương lấy bí cùng…”, đó là câu ca dao muôn đời ý nghĩa của người dân Việt, và cũng đã có nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm thể hiện ý nghĩa ấy khi sẻ chia phần nào cùng đồng bào đang gặp khó khăn, hoạn nạn. Những lúc bão lũ, thiên tai là lúc nhiều cánh tay xòe ra để nâng đỡ lẫn nhau, lá lành đùm lá rách… 

Và hôm nay, khi Tết Nguyên đán cận kề, đang có những con người, những mảnh đời cần sẻ chia, mà những gia đình ở bản Bến Thân, xã Đông Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ là một điển hình. Mong sao, những cánh tay mạnh thường quân dang rộng hơn để truyền hơi ấm mùa xuân cho những người đang gặp khó khăn. Mỗi cánh tay xòe ra là thêm những cảnh đời khốn khó được sưởi ấm.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương phải sâu sát đời sống người dân, để kịp thời hỗ trợ đúng theo chủ trương của Chính phủ: không để người dân thiếu ăn, nhất là trong những ngày tết. Điều đó cũng thể hiện cái Đạo của dân tộc ta: “Nghèo quanh năm nhưng không để đói 3 ngày tết”. 

T. LÂM

Tin cùng chuyên mục