
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đem cừ, tràm, dừa đóng cọc giành đất trên các bãi bồi của dòng Cổ Chiên, làm cho dòng sông bị “băm” nát. Hàng ngàn cọc nhọn mọc lên tua tủa, khiến nhiều tàu thuyền qua lại phải thất kinh và cũng tại nơi đây, tai nạn đã xảy ra như cơm bữa.
Phân lô, đóng cọc
Dòng sông Cổ Chiên trên địa bàn xã Mỹ An, huyện Mang Thít, thời gian gần đây đã không còn yên bình bởi tiếng kêu cứu của người dân liên tiếp xảy ra.

Một chiếc thuyền đang cố luồn lách thoát khỏi bãi cọc ngầm chết người trên dòng Cổ Chiên
Khi giá cá tra ở ĐBSCL chạm ngưỡng 17.000đ/kg thì cũng là lúc cơn “sốt” đất ở đây bắt đầu. Người dân, doanh nghiệp đổ xô đi mua đất nuôi cá, đất ruộng, đất vườn và cả những dòng sông cũng bị “phân lô bán nền” cho các ông chủ.
Bãi cồn Cái Cáo, từ cuối năm 2004, đã được các ông chủ cá mua hết. Tuy nhiên do bãi bồi còn quá sâu, chưa thể đưa vào sử dụng, nên các chủ đất đã dùng hàng ngàn cây dừa, cây tràm vót nhọn đóng xuống lòng sông bao quanh khu vực bãi bồi nhằm ngăn cho phù sa lắng lại và để xác định chủ quyền. Khi thủy triều dâng lên những bãi cọc này ẩn hiện hệt như bãi cọc ngầm trong trận Bạch Đằng giang lịch sử năm xưa.
Bãi bồi Cái Cáo gần như nằm lọt tỏm giữa dòng Cổ Chiên, cách bờ hơn 300m và có độ sâu hàng chục mét. Dòng sông Cổ Chiên cũng chính là nơi tàu thuyền thường xuyên qua lại giữa Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ xuôi về các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng… Theo những hộ dân nơi đây, từ khi bãi cọc ngầm này xuất hiện thì tai nạn giao thông cũng theo đó tăng nhanh, trong đó không ít vụ làm đắm tàu, thuyền gây thiệt hại lớn.
Anh Nguyễn Hữu Nghĩa, một người dân sống ở khu vực này đã không dưới 10 lần phải chạy ghe ra sông cứu người bị nạn, bức xúc: “Nhiều khi đang đêm nghe tiếng người kêu cứu, tôi và bà con biết ngay là ghe hay tàu đâm vào bãi cọc bị chìm. Cũng may các ghe bị nạn từ đó đến giờ chưa có người già và trẻ nhỏ, chứ nếu có thì chết là cái chắc vì làm sao có thể bơi nổi qua khúc sông rộng hơn 300m để vào bờ”.
Gần đây nhất là vụ tàu của ông Bùi Văn Hưởng do anh Bùi Thanh Tùng -con trai của ông Hưởng - điều khiển có trọng tải gần 80 tấn đi từ Trà Vinh về thị xã Vĩnh Long, khi đến bãi cọc của doanh nghiệp Tấn Đạt thì gặp nạn. Chưa hết bàng hoàng sau gần một tháng xảy ra sự cố, anh Tùng kể lại: “Rạng sáng ngày 15-11, trời rất tối, khi tàu đi đến khu vực này thì bất ngờ đụng nghe cái rầm.
Sự việc xảy ra bất ngờ, lại vào ban đêm ở giữa sông lớn, thấy nước chảy ồ ạt vào khoang, biết là tàu đã đụng phải cọc nên hai anh em tôi chỉ biết kêu cứu rồi ôm phao nhảy xống sông, ngậm ngùi nhìn chiếc tàu mất hút giữa dòng sông êm ả chỉ sau vài phút. Nếu tiếc của mà vào khoang lấy đồ thì chắc chắn sẽ chết, bởi khi tàu đang chìm thì lực hút của nước rất lớn”. Vụ chìm tàu này khiến anh Tùng bị thiệt hại hơn 60 triệu đồng.
Trường hợp của anh Phan Văn Liệu, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, càng đau lòng hơn. Gia đình anh vốn sinh sống nhờ vào chiếc ghe, hàng ngày thường đi chở thuê kiếm tiền. Vào đêm ngày 3-9, ghe của anh cũng bị chìm tại “trận địa cọc ngầm” của doanh nghiệp Tấn Đạt. Lúc gặp nạn, trên ghe có khoảng 800 trái dừa khô, 450 trái dừa tươi và 65 bao thức ăn gia súc. “Sự việc diễn ra quá bất ngờ nên hai vợ chồng tôi chỉ biết kêu cứu vài tiếng rồi nhảy xuống sông.
Cũng may bữa ấy vợ chồng tôi để cháu nhỏ ở nhà chứ nếu đưa đi theo thì chết chắc rồi. Khi được bà con gần đây cứu vớt thì cả hai vợ chồng gần như kiệt sức. Toàn bộ tài sản chở thuê trên tàu trị giá gần 15 triệu đồng đều xuống sông cả. Vợ chồng tôi cũng chưa biết phải lấy tiền đâu để bồi thường, vì toàn bộ số hàng trên là của người ta”, anh Liệu nghẹn ngào kể lại.
Chính quyền thiếu trách nhiệm
Được biết, toàn bộ bãi bồi gần 15ha trên cồn Cái Cáo và bãi bồi trên sông Cổ Chiên được UBND huyện Mang Thít cấp phép thuê đất cho rất nhiều doanh nghiệp để nuôi cá tra. Tuy nhiên do nước vẫn còn quá sâu, nên các doanh nghiệp này không thể nuôi cá ngay được và đã có “sáng kiến” đóng cọc, giữ đất.
Khi những tai nạn xảy ra, Công an xã Mỹ An đãõ mời doanh nghiệp Tấn Đạt đến để thỏa thuận bồi hoàn nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu chối bỏ trách nhiệm. Sau khi làm việc nhiều lần, doanh nghiệp mới đồng ý bồi thường cho người bị nạn, nhưng đến nay đã qua mấy tháng mà người bị nạn vẫn không hề nhận được bất kỳ khoản tiền nào, còn chủ doanh nghiệp thì vẫn “bặt vô âm tín”. “Chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên để can thiệp”, ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng Công an xã Mỹ An cho biết.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh Vĩnh Long, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương, cụ thể là UBND và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mang Thít. Là đơn vị trực tiếp cho thuê bãi bồi nhưng huyện Mang Thít chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Sau khi cấp phép cho thuê, huyện không hề có biện pháp quản lý trong việc sử dụng bãi bồi của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, huyện cũng không báo cáo lên các ngành chức năng như Đoạn đường sông số 11 (đơn vị quản lý sông Cổ chiên), Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy… để có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp khi thực hiện công trình trên sông. Từ đó đã để xảy ra tình trạng doanh nghiệp tự ý đóng cọc mà không có biển báo cho các phương tiện qua lại trên sông, gây ra tai nạn giao thông cũng như bức xúc cho nhân dân.
Về biện pháp giải quyết những bãi cọc này, Thượng tá Nguyễn Văn Ri, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Trước mắt sẽ buộc các doanh nghiệp phải lắp đặt biển báo hiệu bốn phía cả ban ngày lẫn ban đêm cho tàu thuyền có thể quan sát đươc, nếu khu vực nào tàu thuyền không thể qua được thì phải nhanh chóng thu hồi lại đất”.
Đình Tuyển – Chí Dân