Hội thảo lúa gạo 2013: Nâng cao giá trị gạo xuất khẩu Việt Nam
Tuần qua, Bayer CropScience Việt Nam đã tham gia tài trợ chính trong chương trình Hội thảo Lúa gạo 2013 được tổ chức vào ngày 12-9-2013 tại Trung tâm Hội nghị 108 Nguyễn Du, Q1, TPHCM. Chương trình do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Lương thực miền Nam tổ chức đã thu hút hơn 250 đại biểu đến từ khối nhà nước và tư nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia.
Tìm mọi cách để nâng cao đời sống người nông dân
Đánh giá được tầm quan trọng của chương trình nên hội thảo lần này đặc biệt có sự tham gia của hầu hết lãnh đạo các bộ, ngành như: Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chuyên gia từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Viện Khoa học Kỹ Thuật Nông nghiệp miền Nam, Viện Nghiên cứu Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long…
Tại Hội thảo, một tổng kết sơ bộ cho thấy, từ năm 2000 đến hết năm 2012, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 3,5 triệu tấn đến 8,1 triệu tấn, giá trị đạt 2 tỷ USD đến 3,7 tỷ USD. Tính đến hết 7 tháng của năm 2013, lượng xuất khẩu gạo đạt hơn 4,23 triệu tấn, trị giá đạt 1,86 tỷ USD. Kết quả là vậy nhưng trên thực tế có một nghịch lý là, thành tích xuất khẩu cao nhưng thu nhập người nông dân sản xuất quá thấp ngay cả khi giá xuất khẩu cao. Một số nguyên nhân đã được xác định cho vấn đề này là do ngành sản xuất gạo hiện có qui mô sản xuất nhỏ, chưa có thương hiệu, giá thành sản xuất và chi phí giao dịch cao. Hiện nay nhiều chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất gạo từ trang trại đến bàn ăn; công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản, càng làm giá thành cao hơn các nước trong khu vực.
Từ những thách thức, khó khăn trên, tại hội thảo lãnh đạo các bộ, ngành đã đưa ra những ý kiến và giải pháp để giải quyết những gút mắc đồng thời tìm mọi cách nâng cao đời sống người nông dân. Theo GS. TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho rằng: “Cần tái cơ cấu ngành hàng sản xuất kinh doanh lúa gạo. Trong ngành hàng thì nông dân hiển nhiên là “Gốc của ngành hàng, gốc của chuỗi giá trị gia tăng”, gốc không bền thì làm sao ngành hàng đứng vững được. Vì vậy, mọi cách hướng vào lợi ích của nông dân cần được nghiên cứu và phát huy”. Bên cạnh đó, giải pháp “Cải tiến phẩm chất lúa gạo có ý nghĩa quyết định để tiếp cận mục tiêu phát triển sản xuất lúa theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững” là quan điểm của GS TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện KHKTNN miền Nam, cũng đã được đánh giá cao tại hội nghị.
Kế hoạch hành động của Bayer cho ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam
Liên quan đến vấn đề trên, ông Torsten Velden, Tổng Giám đốc Nhánh Bayer CropScience Việt Nam - là một trong những đại diện tham gia trình bày chính trong hội thảo, đã vạch ra một kế hoạch mang tính toàn điện gồm bốn điểm nhằm cải thiện việc sản xuất lúa gạo, đồng thời nâng cao đời sống nông dân tại Việt Nam. Kế hoạch đó bao gồm: Một là: Đi đầu trong phát minh cải tiến mới để giải quyết những thách thức chính trong canh tác lúa thông qua những giải pháp mới và hiện đại; hai là: nâng cao năng lực cho nhà nông bằng cách cung cấp cho họ các công cụ, kỹ thuật và đào tạo; ba là: nâng cao năng suất nông nghiệp theo cách phát triển bền vững và thân thiện với môi trường; bốn là: mở rộng quan hệ đối tác trên toàn chuỗi giá trị lúa gạo, giữa khối nhà nước và khối tư nhân.
Phát biểu về bước đầu tiên để tập trung khoản đầu tư vào những cải tiến mới, ông Velden cho biết, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nông nghiệp (R&D) là cách hiệu quả nhất để giúp ngành nông nghiệp phát triển lâu dài. “Tại Bayer CropScience, chúng tôi nhận thấy cần phải liên tục có các giải pháp cải tiến để hỗ trợ nhà nông cũng như giúp đảm bảo lương thực và bảo vệ hành tinh của chúng ta” - ông cho biết. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, Tập đoàn Bayer cam kết trong việc đầu tư 5 tỷ Euro cho nghiên cứu và phát triển trong giai đoạn 2011 đến 2016. Trong khi Bayer CropScience tiếp tục thúc đẩy các giải pháp sáng tạo để kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại, công ty cũng nâng cao việc hướng các kênh đầu tư của mình vào các lĩnh vực sáng tạo mới, bao gồm các loại hạt giống cho năng suất cao và kỹ thuật lai tạo giống tập trung vào khả năng chống chịu của cây trồng, cũng như các hợp chất mới để cải thiện sinh trưởng cây trồng.
Được biết, công ty cũng đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực bảo vệ thực vật bằng giải pháp sinh học, nghĩa là các sản phẩm nhằm kiểm soát dịch bệnh cây trồng được phát triển thông qua các giải pháp hóa sinh. “Các nghiên cứu đã chỉ ra một mối quan hệ mạnh mẽ giữa việc tăng kinh phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển và các tác động tích cực đến năng suất nông nghiệp. Do đó việc chúng tôi đầu tư vào nghiên cứu và phát triển hiện nay là rất quan trọng để mang đến một sự khác biệt mang tính bền vững cho nông dân, cho hành tinh và cho tương lai của chúng ta” - ông Velden cho biết thêm.
Trong bước thứ hai, ông Velden cho rằng: “Tại Bayer CropScience, mối quan hệ của chúng tôi với người nông dân đi xa hơn là nhà phân phối sản phẩm với việc cung cấp gói dịch vụ tổng hợp bao gồm huấn luyện, giáo dục, quản lý cùng các tư vấn liên quan”. Điều này đặc biệt phù hợp với bối cảnh tại khu vực châu Á và Việt Nam, vì hầu hết các nông dân là những hộ sản xuất nhỏ và chưa nhận được sự hỗ trợ, đào tạo và kỹ thuật cần thiết để họ có thể khai thác hết tiềm năng của chính mình. Liên quan đến vấn đề này, cả khối nhà nước và tư nhân đều có vai trò trong việc giúp đỡ và nâng cao năng lực cho nhà nông với các công cụ, công nghệ và kỹ năng để họ cải thiện đời sống cũng như tình hình kinh tế một cách bền vững. Bayer Much More Rice là giải pháp tổng hợp được nghiên cứu nhằm gia tăng năng suất cho nhà nông. Đây là quy trình kết hợp từ khâu xử lý giống, thuốc trừ sâu, thuốc trừ nấm bệnh trên tập quán sử dụng của nông dân để đem lại năng suất cao. Qui trình được thông qua bởi Viện Nghiên cứu Lúa ĐBSCL và xác nhận hiệu quả cao trong việc tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng lợi nhuận và thu nhập cho nhà nông.
Dựa trên thành công của giải pháp Bayer Much More Rice, Bayer CropScience đang thực hiện Dự án Chuỗi giá trị lúa gạo tại Việt Nam. Theo dự án này, công ty đồng hành cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan, viện nghiên cứu địa phương, như Viện Nghiên cứu Lúa ĐBSCL, các học viện như Đại học Cần Thơ, cũng như các đại lý bán lẻ để cung cấp cho nông dân địa phương bộ sản phẩm của giải pháp Much More Rice, đào tạo và dịch vụ tư vấn trên đồng ruộng. Dự án đã được triển khai thí điểm ở một số tỉnh như Hậu Giang, và những hộ nông dân tham gia dự án này đã thu nhận kết quả giảm được tổng chi phí đầu vào, tăng năng suất lúa, từ đó tăng đến 40% thu nhập. Song song đó, chính quyền địa phương và các đối tác liên quan đã hài lòng khi thấy sự gia tăng đáng kể trong công tác huấn luyện nhà nông trong lĩnh vực canh tác lúa.
Yếu tố thứ ba của kế hoạch hành động tập trung vào việc nâng cao năng suất nông nghiệp một cách tương thích với môi trường và bền vững. Đồng hành cùng với những nhu cầu của nông dân Việt Nam, Bayer CropScience đã phát triển một loạt giải pháp phục vụ việc canh tác lúa, vừa mang đến nhiều lợi ích cho nông dân, vừa quan tâm đến môi trường và bền vững hơn. Sự thành công của những dự án này là kết quả của các quan hệ đối tác của công ty với nhà nông cũng như các đối tác trong toàn chuỗi giá trị lúa gạo.
Bước cuối cùng của kế hoạch bốn điểm này tập trung vào việc mở rộng và duy trì các quan hệ đối tác và hợp tác trên chuỗi giá trị lúa gạo, giữa khối nhà nước và tư nhân. Trong khi khối tư nhân tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực khoa học, sản phẩm và dịch vụ nhằm hỗ trợ người nông dân, những thách thức lớn hơn – thì những hạn chế trong công tác giáo dục và đào tạo, bất ổn về kinh tế, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, cũng như sự thiếu thực thi đối với các quy định và sở hữu trí tuệ, v.v... cần đến nỗ lực hợp tác từ tất cả các thành phần có liên quan.
Với tư cách là nhà tài trợ cho Hội thảo Lúa gạo năm 2013, Bayer CropScience Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách và những đơn vị có tầm ảnh hưởng để cùng thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu lúa gạo Việt Nam nói chung và nâng cao đời sống của nông dân Việt Nam nói riêng.
THU TRANG