Ngày 19-6, kỳ họp thứ 7 QH khóa XII đã bế mạc. Đánh giá về kỳ họp, lãnh đạo QH cùng các ĐBQH đều nhìn nhận, kỳ họp đã hoàn thành trọn vẹn chương trình làm việc với tinh thần hết sức nghiêm túc, khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm.
- Thông qua 3 nghị quyết
Ngay trước khi bế mạc, QH đã biểu quyết thông qua 3 nghị quyết. Đó là Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư; Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đối với giáo dục đại học; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 và bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XII.
Buổi sáng cùng ngày, QH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viên chức. Phát biểu tại phiên họp, nhiều ĐB ủng hộ việc trao thêm quyền tự chủ cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, đề nghị có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng tùy tiện, lạm quyền. Đa số ĐB đồng tình cao với quy định viên chức được phép tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp, ký hợp đồng làm việc ngoài giờ với các đơn vị, công ty khác để tận dụng chất xám, khả năng đóng góp của họ cho xã hội, đồng thời cải thiện đời sống cho viên chức.
Mặc dù vậy, các ĐB cũng đề nghị cụ thể hóa theo hướng chặt chẽ hơn nữa để ngăn ngừa tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ tại cơ sở công lập của đội ngũ viên chức”.
- Dự án sử dụng trên 500ha đất lúa 2 vụ phải trình QH
Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư đã sửa đổi, bổ sung hầu hết các điều của NQ66/2006, trong đó có những nội dung mới hoàn toàn. Theo đó, các dự án, công trình có quy mô tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên; trong đó có vốn nhà nước từ 11.000 tỷ đồng trở lên sẽ phải trình QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Quy mô vốn đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài thuộc diện trình QH quyết định được quy định chặt chẽ hơn.
Về trình tự thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, QH sẽ xem xét thông qua NQ về chủ trương đầu tư đối với từng dự án, công trình quan trọng quốc gia. Những dự án, công trình có quy mô vốn lớn, thời gian thực hiện kéo dài trong nhiều năm thì QH có thể xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chung, sau đó, trên cơ sở dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi), QH sẽ quyết định chủ trương đầu tư cụ thể. Nội dung nghị quyết ghi rõ quy mô, tổng mức đầu tư, công nghệ chính đối với dự án, công trình đầu tư tại Việt Nam; địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện dự án; cơ chế chính sách đặc biệt được áp dụng. Đáng lưu ý, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Nghị quyết đã bổ sung quy định các dự án, công trình chuyển đổi đất lúa 2 vụ với quy mô từ 500ha trở lên sẽ phải trình QH xem xét, quyết định.
- Đình chỉ hoạt động trường ĐH không có cơ sở riêng
Mặc dù có một số ý kiến ĐBQH đề xuất dừng hoạt động của một số trường đại học đã được thành lập và đi vào hoạt động trước năm 2010 nhưng chưa có cơ sở riêng, song Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đối với giáo dục đại học đã dành thời hạn hợp lý để các trường khắc phục khiếm khuyết này, bảo đảm quyền lợi cho người học.
Tuy nhiên, sau 3 năm kể từ năm 2010 nếu các trường này vẫn không xây dựng được cơ sở tại địa điểm theo hồ sơ đăng ký thành lập thì đình chỉ hoạt động đào tạo và xem xét giải thể.
Nghị quyết cũng xác định sẽ đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí đào tạo; xác định lộ trình thực hiện chế độ thu và sử dụng học phí mới đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo hướng: kinh phí do nhà nước cấp cùng với học phí đủ bù đắp chi phí đào tạo, phù hợp với từng ngành đào tạo và tương xứng với chất lượng đào tạo
ANH THƯ
Chưa thông qua nghị quyết xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM Chiều 19-6, sau khi nghe Chủ nhiệm UB KHCNMT Đặng Vũ Minh trình bày báo cáo giải trình tiếp thu và Phó Chủ nhiệm UB KHCNMT Nghiêm Vũ Khải đọc dự thảo Nghị quyết về việc đầu tư xây dựng đường sắt Hà Nội – TPHCM; QH đã tiến hành biểu quyết về Nghị quyết này. Tuy nhiên, cả 2 phương án của Điều 1 và Điều 2 của dự thảo nghị quyết đều không đạt được tỷ lệ đồng thuận quá bán. Do tỷ lệ tán thành những điều khoản cốt lõi này không đạt quá bán nên nghị quyết chưa được thông qua tại kỳ họp này. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM là một dự án rất lớn, có mối quan hệ, tác động nhiều mặt, được cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Với tinh thần trách nhiệm cao, trên cơ sở các báo cáo và tờ trình của Chính phủ, lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, QH đã thảo luận, xem xét, cân nhắc toàn diện các mặt một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, thận trọng dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM, giao Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể về giao thông trong cả nước cũng như từng vùng, hệ thống giao thông Bắc – Nam”. A.PHƯƠNG |
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên: Người nói nói thẳng, người nghe tiếp thu nghiêm túc Kỳ họp này rất sôi động, ấn tượng; tập trung vào những vấn đề bức xúc, hệ trọng của đất nước, khí thế thảo luận trên hội trường dân chủ, trách nhiệm, không né tránh. Đương nhiên do giới hạn về thời gian nên có những vấn đề chưa đi được đến cùng, song nói chung tôi cho rằng đây là kỳ họp nhận được sự đồng tình tương đối cao tại diễn đàn QH và dư luận. Trong hoạt động chất vấn, dù lật đi lật lại vấn đề ở nhiều khía cạnh, các câu hỏi đều mang tính xây dựng, dù người trả lời vẫn còn một đôi chỗ chưa đi thẳng vào vấn đề, có điểm này, điểm kia né tránh. Theo tôi, để nâng cao chất lượng kỳ họp, cần phát huy xây dựng văn hóa trong ứng xử. Văn hóa ở đây là người nói phải nói cho hết, nói thật lòng với tinh thần xây dựng rất cao; người nghe cũng phải nghe một cách chân thành, chứ không phải “tiếp thu” một cách hình thức. ĐB Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM: ĐBQH đã mạnh dạn thể hiện chính kiến Kỳ họp đã hoàn thành trọn vẹn chương trình đề ra, cả về xây dựng luật cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước với không khí dân chủ. ĐBQH đã có cách nhìn thẳng thắn và mạnh dạn thể hiện chính kiến của mình về những nội dung như chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM hay đóng góp ý kiến về Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội... Hoạt động chất vấn có màu sắc đối thoại, không khí tranh luận tốt, không chỉ có 4 Bộ trưởng và Phó Thủ tướng mà hầu hết thành viên Chính phủ tham gia. Công tác chuẩn bị các dự án luật cũng đã được làm khá chu đáo. Ban soạn thảo và UBTVQH đã tiến hành tham khảo ý kiến ĐBQH trước và trong kỳ họp, ngay trước khi dự án luật được trình. Nhiều nội dung ĐB góp ý đã được tiếp thu, thể hiện trong luật. ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): Còn bỏ ngỏ câu hỏi về thiếu điện Tôi cho kỳ họp đã thành công ở chỗ những điểm đúng đắn, hợp lý của các luồng quan điểm - có khi rất khác nhau - đã được tiếp thu, thể hiện rất rõ trong các nghị quyết. Cách tập hợp ý kiến ĐBQH được tiến hành dân chủ, khoa học, mang tính thuyết phục cao, cụ thể như việc lấy ý kiến về đường sắt cao tốc: tiến hành thảo luận dân chủ, công khai, phát phiếu lấy ý kiến, không áp đặt; cuối cùng là biểu quyết. Tuy nhiên, thời gian đọc văn bản vẫn quá nhiều, nhất là dự án luật. Một số vấn đề đã được “lật” ra nhưng chưa có câu trả lời rốt ráo. Đơn cử như chuyện thiếu điện, cắt điện luân phiên. Rút cục chưa rõ thế nào, ai chịu trách nhiệm, lộ trình phát triển ngành điện có được sửa đổi không. Lẽ ra QH phải ra “đề bài” để Chính phủ đề xuất giải pháp cho vấn đề này ANH PHƯƠNG thực hiện |
- Thông tin liên quan:
- Nóng nghị trường với chất vấn thiếu điện, đường sắt cao tốc
- Hôm nay, bế mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII: “Bấm nút” cho chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc