Ngày 26-11, kỳ họp thứ hai Quốc hội (QH) khóa XIII đã tiến hành phiên bế mạc sau 29 ngày làm việc. Trước khi bế mạc, QH đã biểu quyết thông qua Luật cơ yếu; thông qua Nghị quyết Giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề; thông qua Nghị quyết Chất vấn và trả lời chất vấn; thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII.
Nghị quyết của QH nêu rõ, hoạt động sản xuất trong các làng nghề đã và đang có nhiều đóng góp vào ổn định đời sống người dân và phát triển KT-XH, tạo việc làm cho trên 11 triệu lao động (cả nước có trên 1.300 làng nghề được công nhận và 3.200 làng nghề).
Tuy nhiên phần lớn làng nghề chưa có quy hoạch hợp lý, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, đan xen với khu dân cư, công nghệ lạc hậu và thiếu ổn định nên ô nhiễm môi trường khó kiểm soát, xử lý và khắc phục; làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân tại địa bàn, nhất là lao động trực tiếp.
Vì vậy để đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các làng nghề, khu kinh tế, QH giao Chính phủ hoàn thiện các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này; thực hiện tốt công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế ven biển phù hợp gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Xây dựng chiến lược phát triển làng nghề gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường. Xử lý nghiêm các vi phạm tại các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến năm 2015, xử lý đạt 85% tỷ lệ cơ sở sản xuất, cơ sở tái chế phế thải hoặc núp bóng làng nghề gia công, sản xuất các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của QH nêu rõ, QH khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc đẩy lùi tình trạng tai nạn giao thông (TNGT), nạn ùn tắc giao thông, xác định chỉ tiêu từ năm 2012 giảm số tai nạn, số người chết do TNGT từ 5%-10% mỗi năm; giảm mức độ ùn tắc giao thông ở thủ đô Hà Nội và TPHCM; lấy năm 2012 là năm thiết lập lại kỷ cương trong quản lý trật tự, an toàn giao thông. QH tán thành các chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Bộ GT-VT trong lĩnh vực này, trong đó có tăng mức xử phạt vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.
Với giáo dục - đào tạo, năm 2012, thực hiện chế độ phụ cấp đối với đội ngũ giáo viên không được hưởng chế độ thâm niên; chế độ phụ cấp cho giáo viên mầm non dạy ở thôn, bản và chế độ đối với học sinh dân tộc thiểu số nghèo, các nhà sư, nhà giáo dạy chữ Khmer và chữ các dân tộc thiểu số khác. Hoàn chỉnh dự án Luật Giáo dục đại học và Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục đại học vi phạm.
Trong lĩnh vực tài chính, xây dựng lộ trình cụ thể để đến năm 2013 thực hiện quản lý các mặt hàng xăng dầu, điện, than, các dịch vụ công theo cơ chế thị trường. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kể cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam thực hiện đổi mới công tác quản lý, cải tiến công nghệ để giảm tiêu hao, phấn đấu hạ giá thành xuống từ 5%-10%.
Với lĩnh vực ngân hàng, QH ghi nhận cam kết của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc hoàn thành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại giai đoạn 2012-2013 theo hướng giảm bớt số lượng, nâng cao tính an toàn, hiệu quả, chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng; giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại; kiểm soát cho vay bất động sản và kinh doanh chứng khoán và nợ xấu của ngân hàng; đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, ngoại tệ và vàng bạc.
Trong lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn, QH nêu rõ cần lựa chọn các ưu tiên đầu tư trong 5 năm tới lên gấp 2 lần giai đoạn 2005-2010. Bảo đảm giữ được 3,8 triệu ha đất trồng lúa.
QH giao Ủy ban Thường vụ xem xét những nội dung còn lại được đại biểu gửi chất vấn để tổ chức chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH. Đó là các vấn đề như tuyển dụng, đào tạo, chế độ đối với cán bộ, công chức nhà nước, giải pháp nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền ở cơ sở; tình hình đầu tư ngân sách nhà nước phân tán; vấn đề y đức trong ngành y tế... Giao Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của QH tiến hành tổ chức các phiên họp giải trình để bộ trưởng, trưởng ngành giải đáp về những vấn đề thời sự bức xúc nổi lên.
PHAN THẢO
Rút 3 dự án luật Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII chốt lại gồm 85 dự án luật, 6 dự án pháp lệnh thuộc chương trình chính thức (trong đó có luật hoặc nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992; Luật Thủ đô, Luật Tiếp công dân, Luật Đất đai sửa đổi...) và 38 dự án luật, 3 dự án pháp lệnh thuộc chương trình chuẩn bị (trong đó có Luật Biểu tình, Luật Báo chí…). Đáng chú ý, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ QH đã nhất trí rút dự án Luật Nhà văn, Luật Bảo vệ quyền riêng tư, Luật Bảo vệ sức khỏe tâm thần ra khỏi chương trình chuẩn bị do “phạm vi, chính sách, nội dung cơ bản chưa được làm rõ”. Riêng dự án Luật Biểu tình (dù còn nhiều ý kiến khác nhau) vẫn được giữ nguyên. Theo giải thích của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, dự án Luật Biểu tình được đưa vào chuẩn bị xem xét trong nhiệm kỳ này để chuẩn bị thể chế hóa Điều 69 của Hiến pháp năm 1992, kiểm soát hoạt động biểu tình đúng pháp luật. Tuy nhiên, dự án luật cần được chỉ đạo, chuẩn bị kỹ về nội dung, cân nhắc thời điểm trình QH xem xét, thông qua và điều kiện tổ chức thực hiện để tránh việc lợi dụng biểu tình gây rối an ninh, trật tự, làm ảnh hưởng lợi ích nhà nước và công dân. Tại kỳ họp này, các ĐBQH cũng đề xuất nhiều dự án luật mới như Luật Từ chức, Luật Phản biện xã hội, Luật Tòa án hiến pháp... Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ QH, các dự án này mới chỉ là đề xuất về tên gọi, chưa có hồ sơ, thuyết minh đầy đủ, chưa nêu rõ phạm vi, chính sách cần điều chỉnh nên đề nghị chưa đưa vào chương trình. Các đại biểu và cơ quan đề xuất tiếp tục nghiên cứu khi nào đủ điều kiện sẽ tiếp tục tái đề xuất với QH. L. NGUYÊN |