
Hắt hơi, ngứa họng, chảy nước mũi - với những triệu chứng đầu tiên này hầu như ai cũng có thể tự “chẩn đoán”: đó là bệnh cảm. Bệnh cảm có lẽ là một loại bệnh phổ biến nhất và thường là nhẹ, kết thúc sau từ 1 đến 2 tuần. Tuy nhiên, với trẻ em - đối tượng có thể mắc cảm lạnh từ 6 đến 10 lần mỗi năm - thì có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp nặng do parainfluenzae (1 trong hơn 200 loài virus được biết là nguyên nhân gây bệnh cảm) và các virus hợp bào phổi gây ra.

Trẻ em mắc bệnh đường hô hấp điều trị tại BV Nhi Đồng 2 PHCM. Ảnh: N.T.
Sự thay đổi theo mùa liên quan với độ ẩm có thể ảnh hưởng đến tần suất bệnh cảm. Hầu hết những loại virus gây bệnh cảm đều có khả năng sống sót tốt hơn trong điều kiện ẩm thấp - những tháng lạnh trong năm. Thời tiết lạnh cũng có thể làm cho lớp niêm mạc mũi trở nên khô hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tấn công của virus. Bạn có thể bị nhiễm các loại virus gây bệnh cảm khi da tiếp xúc với các bề mặt môi trường có dính mầm bệnh (như điện thoại hay tay vịn cầu thang), rồi quệt vào mắt hoặc mũi hoặc do hít phải những hạt dịch nhầy chứa đầy virus gây bệnh trong không khí.
Các triệu chứng của bệnh cảm thường bắt đầu 2 đến 3 ngày sau khi nhiễm khuẩn (chảy chất nhầy mũi, khó thở bằng mũi, các xoang mũi sưng tấy, hắt hơi, đau họng, ho, nhức đầu). Các triệu chứng này có thể kết thúc sau 2 đến 14 ngày, nhưng thường có thể hồi phục trong vòng một tuần. Nếu kéo dài hơn 2 tuần, hãy nghĩ đến khả năng bị dị ứng và nên đi khám bác sĩ. Đôi khi bệnh cảm có thể dẫn đến nhiễm trùng cơ hội ở tai giữa hoặc các xoang. Sốt cao, sưng phồng các tuyến, đau xoang nặng, ho có đàm có thể là những dấu hiệu cho thấy có một bệnh lý phức tạp hoặc nặng nề hơn đi kèm, cần đi khám bác sĩ.
Để làm giảm nhẹ các triệu chứng cần nghỉ ngơi, uống thật nhiều nước, súc miệng thường xuyên bằng nước muối hoặc dùng các loại xịt họng hay viên ngậm giúp giảm ngứa cổ, đau họng. Bạn có thể dùng thuốc để làm giảm triệu chứng như Pseudoepherine.
Đừng bao giờ sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh cảm trừ khi bị biến chứng nhiễm trùng (kháng sinh không tiêu diệt được virus và không thể ngừa nhiễm trùng cơ hội).
Vì các mầm bệnh trên tay bạn rất dễ xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi, nên tránh đưa tay vào những vùng này. Cố gắng tránh tiếp xúc gần với những người đang nhiễm bệnh cảm. Nếu bạn bị hắt hơi hoặc ho, nên đeo khẩu trang che mũi và miệng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là cách đơn giản và hữu hiệu nhất để tránh bị nhiễm hoặc lây truyền bệnh cảm cho người khác. Dùng vitamin, nhất là vitamin C, có thể làm giảm mức độ trầm trọng hoặc sự kéo dài của các triệu chứng, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào kết luận rằng dùng liều cao vitamin C có thể ngăn ngừa được bệnh cảm. Cần lưu ý không nên sử dụng vitamin C liều cao quá nhiều vì có thể gây tiêu chảy trầm trọng.
VÂN HÀ