Bệnh viện cuối năm

Bệnh viện cuối năm

Thẫn thờ nhìn qua khung cửa sắt xỉn màu, Trinh lắp bắp: “Em không muốn ăn tết ở bệnh viện (BV) đâu. Em muốn về nhà”. Dù là người dân tộc Khmer và Tết Nguyên đán không phải là tết cổ truyền, nhưng Trinh vẫn luôn trông chờ ngày tết của người Kinh. “Chắc giờ này bạn bè em đang xun xoe áo mới theo mẹ ra chợ, ra đồng”, Trinh bùi ngùi. Các bạn cùng phòng với Trinh tại khoa Nội nhi BV Ung bướu TPHCM cũng đang đón chờ ngày tết trong cơn đau quặn thắt bệnh tật. Ngày tết cận kề, mỗi người bệnh, thân nhân của họ ưu tư bao nỗi niềm.

Vẽ một cành mai

Em tên Thạch Thị Ngọc Trinh, ngụ huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Dù đã 10 tuổi nhưng thân hình Trinh nhỏ thó, đôi mắt thâm quầng sau những đợt vô hóa chất và hệ quả là tóc rụng sạch. Phát bệnh cách nay 4 năm, lúc đầu xuất hiện cái hạch nhỏ ở cổ, rồi biến chứng xuống chân, khiến Trinh đi lại không vững, nhiều lúc phải bắt ba má bế đi vệ sinh. Ngồi bó gối trên giường bệnh được một lúc, Trinh than mệt rồi nũng nịu ba dìu nằm xuống. Một lúc lại bắt ba đỡ dậy. Trinh bảo: “Đã 5 hôm nay rồi, chiều nào em cũng nhìn qua khung cửa sổ để xem cây mai ở dưới sân BV đã nở hoa nhiều chưa”.

Bé Trinh bị ung thư đang mong ước cây mai ở sân bệnh viện nở nhiều hoa để em mau khỏi bệnh.

Bé Trinh bị ung thư đang mong ước cây mai ở sân bệnh viện nở nhiều hoa để em mau khỏi bệnh.

Ngay góc phía công viên của BV có mấy cây mai đang nở lác đác mấy bông hoa vàng, vì chưa ai rảnh rang để trẩy lá nên cây mai cứ ra hoa từ từ. “Hôm trước em đếm được 5 bông, hôm nay thêm 2 bông nữa là 7 bông. Nếu cây mai nở hết chắc đẹp lắm chú nhỉ”, Trinh nói hồn nhiên. Anh Thạch Sol, ba của Trinh, xoa đầu con gái nhỏ, thổ lộ: “Ở nhà cũng có cây mai. Các năm trước bệnh còn nhẹ nên tui xin cho cháu về ăn tết trước cả tháng và cháu thường vặt lá. Tui bảo cháu năm nào cây mai nở càng nhiều, bệnh con sẽ nhanh khỏi, nhưng đã 4 năm rồi…”.

Anh Sol bỏ lửng câu nói, hai khóe mắt đỏ hoe. Vốn dĩ là nông dân chân chất, gia đình trông chờ vào tiền công làm thuê làm mướn, nhưng từ khi con bệnh, gia đình anh khánh kiệt hoàn toàn. Hiện tại vợ chồng anh thay nhau lên BV Ung bướu TPHCM chăm con. Trước khi chia tay, Trinh hỏi xin một tờ giấy trắng và ngòi bút bi, tôi hỏi vui để viết thư à, Trinh nói: “Để em vẽ cành mai”.

Những ngày này, hành lang khoa Thận của BV Nhi đồng 2 TPHCM cũng thưa dần những chiếc võng đong đưa. Thường mỗi tối, các em mắc võng nằm chờ đến ngày chạy thận nhưng nay đã có em bị suy thận mãn giai đoạn cuối không cứu được, có em được bố mẹ đón về chuẩn bị ăn tết và đến ngày chạy thận mới quay lại BV. Chỉ riêng Nguyễn Ngọc Như, 13 tuổi ở TP Cà Mau, vẫn trông chờ một phép màu xuất hiện. Nước da xanh nhớt, gầy nhom, Như như một cây sậy vạ vật nơi hành lang khoa thận mỗi ngày.

Như bị suy thận mãn và đã điều trị 3 năm nay, hiện phải chạy thận 3 lần/tuần để kéo dài sự sống. Không ba mẹ, không người thân thích, Như côi cút nơi BV để nương náu cho sự sống. “Đêm nào em cũng mơ có một ông tiên xuất hiện, đưa em về bên ba mẹ, với bạn bè ở quê”, Như mếu máo. Tôi hỏi Như có biết tết sắp đến không, em bảo có nghe mấy bạn và cô điều dưỡng nói nhưng “Chắc tết ở lại BV thôi chú ạ, không có quần áo mới và đi chơi như các bạn”, Như rầu rĩ nói.

Mùa xuân không về

Co ro trên ghế đá trước khoa Hồi sức tích cực của BV Nguyễn Tri Phương TPHCM, gương mặt người đàn bà phờ phạc đến trắng bạch. Một vài người ngồi xung quanh ái ngại cho biết mấy hôm nay trông bà ta mệt mỏi lắm rồi, và hình như mỗi ngày bà chỉ ăn một hộp cơm vào buổi trưa để… cầm hơi. Gặng hỏi mãi, bà cho biết tên Phạm Thị Ẩn (ngụ huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), đã vạ vật ở BV Nguyễn Tri Phương từ 2 tháng nay.

Sự tình vào ngày 16-11-2010, đứa con trai của bà là Nguyễn Trung Đông, 18 tuổi phải nhập viện cấp cứu và được chẩn đoán bị hội chứng suy hô hấp do liệt dây thần kinh hô hấp (Guilain Barre) và nhiễm trùng huyết. Đông là con trai cả của gia đình 4 anh em, đang học năm nhất Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Vừa nhập học hơn 2 tháng, bỗng Đông phát bệnh hiểm nghèo. Móc từ trong cái túi xách nhàu nát, bà Ẩn lôi ra một xấp hóa đơn tiền thuốc, tiền xét nghiệm. “Đã hết 150 triệu đồng rồi chú ơi. Bán trâu, bán heo và vay mượn bà con họ hàng rồi, mà con tôi chưa tỉnh. Giờ biết sao đây”, bà Ẩn than thở. Đáng lẽ giờ này, cũng như nhiều bạn bè khác, Đông đã có thể về quê ăn tết cùng gia đình, nhưng theo nhận định của các bác sĩ với bệnh tình nguy kịch, chắc em phải ở lại BV lâu dài.

Vẫn còn nhiều thân nhân người bệnh nghèo vạ vật tại bệnh viện những ngày cuối năm.

Vẫn còn nhiều thân nhân người bệnh nghèo vạ vật tại bệnh viện những ngày cuối năm.  

Kể về đứa con đáng thương, bà Ẩn không cầm được nước mắt, thỉnh thoảng bà nấc lên từng cơn. Bà hỏi tôi xem có cách nào xin miễn giảm tiền thuốc, tiền điều trị không chứ gia đình không kham nổi… Cũng trong hoàn cảnh tương tự, gia đình anh Lê Nguyên (ngụ TPHCM) không còn lòng dạ nào để đón chào mùa xuân. Người vợ thân yêu của anh đang điều trị tại BV Nguyễn Tri Phương do xuất huyết não. Gần cả tháng nay, cả bên nội, bên ngoại thay phiên túc trực ngày đêm nơi BV những mong tình trạng bệnh của người thân khá hơn. “Gia đình đã có kế hoạch về quê ăn tết rồi, nhưng không ngờ vợ đổ bệnh. Chắc năm nay cả nhà ăn tết ở BV rồi”, anh Nguyên tâm sự.

Còn biết bao nhiêu bệnh nhân nữa cũng đang nằm điều trị tại BV những ngày cuối năm này. Trong đó không ít người chắc phải ăn tết tại BV vì bệnh tình quá nặng. Trong họ không chỉ trĩu nặng bệnh tật, mà người thân cũng ôm nỗi niềm ưu tư. Mùa xuân không về, đó là tâm trạng của bao bệnh nhân. BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, tâm sự: “Cũng muốn điều trị tốt để cho mọi bệnh nhân về nhà ăn tết, nhưng vẫn còn một số trường hợp nặng không thể về được”.

Hàng năm, có khoảng 200 bệnh nhân ở lại BV Ung bướu ăn tết. Để vơi bớt nỗi buồn cho người bệnh, lãnh đạo BV tổ chức thăm hỏi, tặng quà và tạo điều kiện cho các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đến chúc tết, tặng quà. BS Nguyễn Thy Hùng, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương nói đón tết cổ truyền, chào mùa xuân mới là niềm vui của mọi người, mọi nhà, nhưng một vài trường hợp người bệnh phải ở lại BV thì cũng buồn. Tuy nhiên, BV luôn có người túc trực và chăm lo chu đáo cho người bệnh ở lại…

Những ngày này, trong khi khắp nơi rộn ràng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán thì trong những góc khuất của các BV vẫn còn những người bệnh quằn quại với bệnh tật. Trong họ, mỗi người có hoàn cảnh riêng, nhưng phần đông là những bệnh nhân nghèo. Biết rằng, tết đến - xuân về là niềm vui chung của mọi nhà, mọi người, nhưng với những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các BV thì gần như không còn có cảm giác ấy. Hàng năm, UBND TPHCM, Mặt trận Tổ quốc TP và ngành y tế vẫn quan tâm gom góp cho mùa xuân được ấm áp hơn với bệnh nhân nghèo. Song mọi thứ đều có hạn hữu.

Mong sao, ngoài sự nỗ lực của BV, của các cơ quan chức năng, cũng cần lắm thay những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm giang rộng vòng tay để chia sẻ với bệnh nhân nghèo đang nằm lại BV trong những ngày tết sắp đến. Không phải cành mai, cành đào, chỉ cần những lời thăm hỏi, những lời chúc mừng năm mới cũng đủ ấm lòng và giúp người bệnh có thêm nghị lực chống chọi với bệnh tật, tin yêu thêm vào một mùa xuân mới, một cuộc sống mới như nhà thơ Thanh Hải đã viết trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” khi ông nằm trên giường bệnh: “Một mùa xuân nho nhỏ; Lặng lẽ dâng cho đời; Dù là tuổi hai mươi; Dù là khi tóc bạc; Mùa xuân ta xin hát; Câu Nam ai, Nam bình…”.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục