Bệnh viện - khách sạn, tại sao không?

Bệnh viện - khách sạn, tại sao không?

Bệnh viện (BV) - khách sạn là dịch vụ tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Gần đây, tại TPHCM đã xuất hiện loại BV kiểu này. Ở đó bệnh nhân được phục vụ như ở khách sạn. Nếu phát triển tốt dịch vụ này thì TPHCM có khả năng thu hút bệnh nhân từ nhiều quốc gia.

Không có “mùi” bệnh viện!

Đưa bà chị đến BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn sinh con đầu lòng. Vừa mới bước đến cửa kính, bảo

Bệnh viện - khách sạn, tại sao không? ảnh 1
Phục vụ bữa ăn cho bệnh nhân như trong nhà hàng

vệ đã nở nụ cười, cúi chào. Ngay sảnh rộng có quầy  tiếp tân, cô nhân viên xinh xắn hỏi và hướng dẫn tận tình. Bệnh nhân sau khi đóng tiền xong được người hướng dẫn đưa đến các phòng khám chuyên môn để làm các thủ tục thăm khám.

Bệnh nhân nhận phòng, BV sẽ cung cấp xà phòng, kem đánh răng, khăn, bàn chải, lược… có lôgô của BV. Nhân viên BV hướng dẫn sử dụng ti vi, tủ lạnh, đầu máy… chẳng khác nào khách đi du lịch đến nhận phòng khách sạn. Ba ngày bà chị nằm viện, khi xuất viện, BV còn tặng quà cho bà mẹ và em bé.
 
Đến Phòng khám Đa khoa quốc tế Victoria Healthcare (nằm trên đường Điện Biên Phủ), sau khi gửi xe xong, bước vào bên trong, tôi mất ngay cảm giác mình đang là một bệnh nhân mà thay vào đó như bước vào sảnh một khách sạn sang trọng. Sau khi được bộ phận tiếp tân chào đón, tôi được hướng dẫn lên lầu 1 - một sảnh đẹp - ngồi chờ.

Thử vào quan sát từng phòng, nhà vệ sinh… tất cả sang trọng như khách sạn. Trong lúc chờ tôi được nội soi, vợ  tôi cầm ổ bánh mì lên phòng ăn trên tầng hai. Một nhân viên đã hướng dẫn vợ tôi vào phòng tập thể dành cho nhân viên. Ở đó có bàn, ghế nệm, tủ lạnh, tủ gỗ để đựng tư trang, có điện thoại, bồn rửa tay, khăn giấy, máy hâm nóng thức ăn…

Một điều có thể khẳng định: đến nhiều BV - khách sạn, đều không nghe “mùi bệnh viện” (mùi thuốc sát trùng đặc trưng của BV). Riêng đồng phục, trừ bác sĩ mặc blouse trắng, còn lại nhân viên mặc quần áo có màu khác nhau phân biệt từng bộ phận, giúp người bệnh quên có cảm giác như đang ở trong khách sạn nào đó.

Ông Nguyễn Xuân Huy, Tổng Giám đốc BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn cam đoan rằng: “Khách đến BV của tôi mà nghe mùi bệnh viện thì mất gì tôi cũng chịu”. Thêm nữa, từ nhân viên lao công đến y, bác sĩ đều tận tình chu đáo, nụ cười luôn nở trên môi và khi trả lời, câu đầu tiên luôn là “Xin quý khách vui lòng…”, “Xin mời anh, chị, cô, chú…”.
 
Đẳng cấp đủ khả năng cạnh tranh

Nhiều BV - khách sạn ở TPHCM hiện nay đủ sức cạnh tranh với những BV ở một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia… và được khách hàng quốc tế tín nhiệm. Chẳng hạn như BV FV - quy mô hơn 200 giường và hơn 15 chuyên khoa - vừa đón nhận “Chứng nhận chất lượng quốc tế HAS” (HAS là một tổ chức giám định chất lượng y tế uy tín hàng đầu của Pháp).

Để đạt được chứng chỉ này, BV FV phải được giám định nghiêm ngặt trên các phương diện như: tiện nghi, sự an toàn, dịch vụ và chất lượng chăm sóc bệnh nhân… Còn BV Tim Tâm Đức TPHCM là một BV chuyên khoa về tim cũng thuộc hàng đẳng cấp trong khu vực.
 
Kỹ thuật mổ tim ở đây được chuyển giao từ Pháp sang Viện Tim TPHCM và từ đây nhân rộng sang BV Tim Tâm Đức. Ở đây tập trung nhiều bác sĩ chuyên khoa về tim mạch hàng đầu của Việt Nam; trang thiết bị thuộc loại hiện đại; phòng ốc sang trọng, các dịch vụ phục vụ cao cấp. Ngoài ra, còn nhiều BV - khách sạn khác như: BV An Sinh, BV Phú Thọ, BV Mắt Sài Gòn…

Qua khảo sát, hiện nay, nhiều bệnh nhân trong nước thường qua Singapore chữa bệnh với giá cao gấp nhiều lần so với ở Việt Nam do chất lượng phục vụ tốt. Tuy nhiên, một số bệnh nhân vẫn thích chọn những BV - khách sạn ở TPHCM vì gần nhà, chi phí thấp và chất lượng không thua so với một số BV nước ngoài.

Có lẽ vì vậy mà nhiều khách người nước ngoài làm việc ở Việt Nam vẫn đến khám, điều trị tại các BV - khách sạn tại VN. Đặc biệt bệnh nhân từ Lào, Campuchia, thậm chí Thái Lan vẫn đến TPHCM khám, điều trị.

Tôi đã gặp anh Kthenchut, một doanh nhân ở thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia), đưa vợ qua mổ tim tại BV Tim Tâm Đức. Anh cho hay, lúc đầu dự tính đưa chị qua Thái Lan để điều trị nhưng khi được một người bạn đã từng chữa bệnh tim tại Việt Nam về mách lại, anh tham khảo giá mổ tim ở Việt Nam chi phí chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan nên anh quyết định đưa chị sang đây mổ.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu TPHCM phát triển thêm nhiều BV - khách sạn kiểu này và có quy định về tiêu chuẩn và quy chế hoạt động về loại hình BV - khách sạn thì có thể thu hút bệnh nhân từ nhiều quốc gia đến khám, chữa bệnh và du lịch tại Việt Nam – một nguồn thu ngoại tệ không nhỏ.

Châu Phong

Tin cùng chuyên mục