Bí ẩn người Mơ Liêng

Đi tìm tộc người Mơ Liêng
Bí ẩn người Mơ Liêng

Dưới chân núi phát tích của dãy Hoành Sơn ở miền Tây Quảng Bình có một tộc người mộc mạc, thông minh. Họ quần tụ với nhau từ xưa và tự giới thiệu mình với người lạ một cách lịch lãm: “Tôi là người Mơ Liêng”. Túi khôn của họ là núi rừng thăm thẳm, lòng hiếu khách với gia tài văn hóa bồi đắp nhiều đời.

Góc bản Mơ Liêng quần tụ như vòng tròn cho một cuộc cố kết giữa đại ngàn thẳm sâu.

Góc bản Mơ Liêng quần tụ như vòng tròn cho một cuộc cố kết giữa đại ngàn thẳm sâu.

Đi tìm tộc người Mơ Liêng

Từ Đồng Hới lên xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) mất hơn 160km, giữa những núi rừng trùng điệp của các khối núi đá vôi là các thung lũng nhỏ. Ở đó người Mơ Liêng sinh sống. Họ đoàn kết, khăng khít với nhau như mây rừng, tính khí mạnh mẽ nhưng mềm dẻo, thân người chắc chắn và thoăn thoắt. Đàn ông dễ mến, đàn bà hay cười.

Người Mơ Liêng đã được nghiên cứu từ một nhà truyền giáo người Pháp cách đây chừng hơn 100 năm, nhưng tài liệu đã dần mai một. Những người hiểu biết về Mơ Liêng ở Việt Nam có thể kể đến nhà nghiên cứu ngôn ngữ Trần Trí Giỏi, thầy Nguyễn Văn Mạnh, giáo sư Mạc Đường… mô tả về tộc người này cho thấy họ thuộc một nhóm của dân tộc Chứt.

Sống trên những đồi núi cao, tâm hồn của họ bay bổng, nhãn quan sinh động với các trải nghiệm núi rừng được truyền đạt từ đời này sang đời khác. Các nhà nghiên cứu đầu tiên khi gặp một người Mơ Liêng đã thông qua những anh em hàng xóm của họ là Khùa, Mày hỏi “anh là ai?”, người đàn ông Mơ Liêng đã nói: “Tôi là Mơ Liêng”. Câu nói đó đã được đưa vào sách vở nghiên cứu. Sau nhiều thời gian, những xác minh rõ ràng Mơ Liêng nghĩa là gì đã được gọi tên là “phiếm xưng”. Mơ Liêng được diễn dịch: “Tôi là người” theo đúng ngôn ngữ của tộc người này. Và từ văn bản điền dã ban đầu, nghiễm nhiên họ từ chỗ giới thiệu mình là người đã trở thành phiếm xưng “tôi là người”, cái vỏ âm thanh phát ra vòm họng của tộc người này có tên “mơ liêng” nên nhóm người này có tộc danh “Mơ Liêng”.

Hiện người Mơ Liêng có dân số chừng 400 người sống ở các bản Kè, Cáo, Chuối thuộc xã Thanh Hóa, Lâm Hóa huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Trải qua những biến thiên dâu bể của cuộc đời và các điều chỉnh của chính sách cũng như từ sự gọi tên của cán bộ dân tộc, người Mơ Liêng được bản địa hóa thành Mơ Leng và nay được thực hóa bằng một cái tên rất quen từ nhiều năm nay, đó là Mã Liềng. Người Mã Liềng nó cũng gần âm với Mơ Liêng khi tộc người này phát âm.

Ngoài tên là Mơ Liêng (Mã Liềng), tộc người này còn được bạn bè anh em xung quanh tôn xưng là người Umo. Người Sách, người Mày, người Rục gọi tên họ như thế bằng sự kính trọng và tôn quý. Bởi ở núi cao hơn những tộc người anh em, tiếng Umo dành cho Mã Liềng là một sự tôn xưng coi trọng tộc người này với các hiểu biết về non cao, về rừng rú, về các loại thổ sản, về cách sinh tồn tốt hơn những tộc người khác trong vùng.

Tục ở rể

Người Mơ Liêng ở Quảng Bình có cuộc sống dựng vợ gã chồng rất riêng. Họ có lễ trinh tiết và lễ yêu đương. Họ có lễ trai gái tìm hiểu nhau nhưng rất khắt khe, không phóng túng như đêm hội sim của người Vân Kiều mà đầy ẩn ý mà gia phong nề nếp cha ông họ truyền dạy. Cái lạ ở cuộc sống vợ chồng là người đàn ông đi ở rể.

Người Mơ Liêng để duy trì nòi giống của mình, con gái đến tuổi lấy chồng, con trai đến tuổi tìm vợ. Trước khi đám cưới diễn ra họ làm lễ yêu đương dưới chân núi Cù Mốc. Ngọn núi có đến ba mái, một mái ở Tây Trường Sơn, một mái ở Đông Trường Sơn, một mái thuộc về dãy Hoành Sơn hùng vĩ. Từ xa xưa, tộc người này xem đó là nơi linh thiêng cho các đôi trai gái yêu nhau. Nhưng con gái muốn đến đó, họ phải được cha mẹ xin thần rừng, ma xó, ma nhà làm lễ trinh tiết cho con. Lễ trinh tiết là sự kính trọng với thần linh và với bản thân con cái họ, cũng như là tôn quý người con trai là chồng tương lai. Lễ trinh tiết được bố mẹ người con gái cúng bằng một con gà mái rừng khi tuổi con gái đến 18. Người mẹ kêu cô gái lên nhà sàn ở phía bếp, bà nói bằng một giọng điệu của bài cúng cổ xưa chừng 2 phút và nung một thanh sắt nhỏ vào tay của cô gái. Đó là dấu hiệu của đoan trang, của con ngoan nhà lành, đó là bảo chứng để những chàng trai tìm hiểu và làm tin trong lòng.

Khi con trai, con gái người Mơ Liêng đồng ý yêu thương và đi đến dựng vợ gả chồng, người con trai phải có lễ Tà lăm (bỏ của). Làng bản thường có ông mối dẫn dắt, không có bà mối. Người con trai phải chuẩn bị rượu, trầu, cau rừng và quần áo cho bố mẹ cô gái. Những thứ đó, ông mối đưa đi, chàng trai theo sau. Ông mối đến nhà cô con gái và gõ vào cầu thang 9 tiếng, đó là dấu hiệu của lễ trọng với con gái trong nhà. Bố mẹ cô gái ăn vận áo quần thổ cẩm bản địa, đón tiếp ông mối rất trọng vọng. Nếu gia đình cô gái đồng ý, ông mối gọi chàng trai lên, ngồi ở ngoài bậu cửa nhà sàn, nghe hai bên nói chuyện. Chàng trai Mơ Liêng chỉ được ngồi nghe, không thể góp chuyện, bởi vẫn là người xa lạ.

Khi người nhà của cô gái Mơ Liêng đồng ý, lễ cưới sẽ diễn ra. Lễ cưới do người con trai sắm phải có đủ một cái nồi đồng, một cái nồi gang, 10 bát nhỏ, một đôi bát tô, một con dao phát rừng, một con dao phay, 2 con gà, 2 con lợn, 5 đồng bạc - là trước đây, nay đã lên 50.000 đồng. Tất cả đều có đôi, thể hiện sự chung tình và chí quyết tâm của người con trai Mơ Liêng. Sau nhận lễ là đám cưới, và thường phải được tổ chức vào các ngày chẵn của tháng như ngày 2, 4, 6, 8…, không được cưới ngày lẻ vì quan niệm của người Mơ Liêng những ngày đó không tốt.

Ở các bản Kè, Cáo, Chuối có nhiều người đàn ông ở rể vì không sắm sanh được lễ. Họ ở rể đến khi có con cái vẫn chưa sắm được lễ cưới, nên có nhiều người chưa thể rước vợ về nhà chồng. Những người ở rể khi chúng tôi tiếp xúc đã nhất mực yêu cầu không cho nêu tên, bởi họ sợ mọi người biết là xấu hổ. Chúng tôi tôn trọng điều này vì đó là tình cảm và cũng là nỗi khắc khoải của họ. Hồ D. hiện đang ở rể, tuổi ngoài 40, đã có 4 đứa con vẫn mơ một ngày đưa được vợ từ bản Cáo về bản Kè để ra mắt bố mẹ. D. nói: “Mình nghèo quá, ngày đến ở rể chỉ có rượu uống với bố vợ, rồi xin bố vợ ở lại để làm việc mà sắm lễ cưới, nhưng 20 năm rồi mình có con, rồi con lớn con nhỏ có rồi, có đứa sắp lấy chồng rồi, mình vẫn chưa “cưới được” vợ mình”.

Mẹ con Mơ Liêng

Mẹ con Mơ Liêng

Bí ẩn tìm rẫy, nuôi ma

Ngày trước khi chưa định canh định cư, người Mơ Liêng sống cuộc sống phát đốt, cốt trỉa, họ du mục qua từng chỏm rừng để tìm rẫy tốt. Một trong những câu chuyện tìm rẫy ở đây đã trở thành chuyện xưa trong kho tàng dân gian của tộc người này. Nó được kể bằng giọng điệu đầy chất huyền bí để con cháu biết cha ông của họ ngày xưa từng kiếm rẫy bằng giấc mơ.

Ông Hồ Văn kể với chúng tôi rằng, thời ông còn nhỏ, theo cha đi tìm rẫy khi nhà chưa dựng, phải ở bằng lán trại giữa rừng. “Tổ tiên chúng tôi không phát rẫy từ trên xuống như người Khùa, người Mày, hay láng giềng Sách, chúng tôi phát rẫy từ dưới chân núi đi lên, làm thế để không phạm tội với thần rừng, không thể đứng trên đỉnh của thần rừng”, ông Hồ Văn nói. Nhưng khi đi trỉa hạt, người Mơ Liêng lại chọn cách ngược lại, trỉa hạt từ trên xuống.

Mùa chọn rẫy, mỗi gia đình cử ra từng người đàn ông to khỏe, đi vào vùng lau lách tìm rẫy tốt. Họ đi từng tốp, không hấp tấp, không tranh giành, mỗi người vào rừng lau rồi tỏa ra, họ chọn cho mình từng đám rẫy tự mình cho là ưng ý, sau đó chặt những cành lồ ô cắm xuống như một định hình bản thân họ sở hữu. Gặp những cành lồ ô đó, không ai bảo ai đều hiểu nó đã có chủ, không phạm vào mà đi kiếm đám rẫy khác. Khi cắm được mốc rẫy, đàn ông về nhà ngủ, họ ngủ một đêm thật đầy giấc, họ chờ một giấc mơ lành. Nếu đêm đó người đàn ông mơ thấy một vũng nước hoặc một tổ ong, hay đàn ong đang bay đi hút mật, họ tin rằng đám rẫy đó sẽ bội thu, nếu họ mơ gặp lợn rừng, họ cho đó là điềm xui, phải kiếm được đám rẫy mới và có giấc mơ toàn ý mới đi phát rẫy. Trước khi phát rẫy mới, người Mơ Liêng nấu một lon cơm nếp mang đến rẫy chuẩn bị phát nhằm cúng ma rừng, xin phép ma rừng được thấy rẫy mới, đó là cách họ kính trọng với núi rừng, lịch lãm với tự nhiên nhằm nương tựa vào đó để sinh tồn.

Nếu người miền xuôi coi việc lập bàn thờ, hương khói là trọng vọng, kính lễ tiên tổ ông bà thì người Mơ Liêng làm việc đó bằng lễ nuôi ma trong nhà. Mỗi căn nhà dựng lên đều được trịnh trọng làm một cái cột ma ở gian giữa, chiếc cột ma đó thu hút toàn bộ sự kính trọng ông bà, cha mẹ sinh thành ra họ. Nhà dựng lên, thầy cúng trong bản đến và thổi thắt, họ thổi vào đó những khấn cầu tổ tiên đi về để giúp đỡ, phù hộ con cháu. Khi một thành viên trong nhà mất, người chết được đặt cạnh cột ma, họ không dùng hòm mà chẻ những đốt lồ ô vừa phải bó người chết vào đó. Con gái ngồi bên người chết ở dưới chân, con trai ngồi tang chỉ cạnh vai người chết, thầy cúng ở bên cột ma lầm rầm nói chuyện với ma nhà về việc có ma mới đang đến với ông bà, tổ tiên. Họ chỉ để người chết trong nhà một ngày. Họ đào mộ cho người chết theo hướng mặt trời lặn. Người chết được chôn bằng đất và đắp nấm bằng đá, trên mộ người Mơ Liêng lợp những tàu lá cọ để giúp ma tránh mưa. Xong việc, họ về, bẵng đi chừng một năm không ai ra mộ, nhưng đến ngày đầu của năm thứ hai, họ lại ra đó thỉnh xin hồn người thân mà họ gọi là ma của nhà về nhà để ở cho ấm, khỏi phải trú ngụ cô đơn ngoài rừng. Họ đưa về bằng một bữa rượu ma, rượu được rót quanh cột thờ ma, chỉ có chủ nhà và thầy cúng cùng uống để nuôi ma-một cách kính nhớ tổ tiên của người anh em Mơ Liêng.

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục