Bí ẩn nước Nga - Bài 4: Chúa tể phương Đông

Bí ẩn nước Nga - Bài 4: Chúa tể phương Đông

Hơn 150 năm trước, một chiếc tàu chở hàng của Nga tiến vào biển Nhật Bản và bắt đầu tìm kiếm nơi có thể thả neo. Cuối cùng, thủy thủ đoàn đã phát hiện ra một vịnh nhỏ có điều kiện thiên nhiên lý tưởng để cập bến và từ đó người ta xây dựng thành phố mang tên Vladivostok, theo chữ ghép trong tiếng Nga có nghĩa là “chúa tể phương Đông”. Và với bao thăng trầm của lịch sử, thành phố cảng này sống khép kín trong tâm trạng của một người phụ nữ đẹp nhưng đã bước vào cái tuổi như ta thường nói - vừa sợ người ta không chú ý đến mình lại vẫn hy vọng biết đâu có một phép lạ đổi đời…

Thành phố Vladivostok - “Chúa tể phương Đông”.

Thành phố Vladivostok - “Chúa tể phương Đông”.

1. Từ trên những quả đồi cao nhìn xuống vịnh Bắc Thái Bình Dương trong mưa nhỏ hạt, tôi tần ngần ngắm thành phố đẹp không thua San Fransisco bên Mỹ nếu bỏ bớt những chi tiết lộn xộn của mớ kiến trúc pha tạp. Nhìn xa hơn nữa, có thể lờ mờ cảm nhận hình thù bờ biển nước Nhật, quê hương của gần như toàn bộ phương tiện giao thông đang lưu hành tại đây. Người dân địa phương nói rằng trong những năm 90 của thế kỷ trước khi mà thành phố bị Moskva bỏ quên trong bơ vơ, lạc lõng thì chính Nhật Bản là “niềm tin và hy vọng”, bạn hàng duy nhất họ có thể gửi gắm cuộc sống.

Nói tếu táo theo kiểu Việt Nam - người Nhật đã nhận “họ” trong khi dân Vladivostok tìm được “hàng” Nhật. Vì thôi thì đủ thứ đồ nghĩa địa được người dân tha về từ người “họ hàng” tốt bụng: ti vi, tủ lạnh, đồ làm bếp, xe hơi tay lái nghịch…, kể cả xe điện chạy bon bon trên đường phố cũng “nghịch” luôn.

Nhưng biến đổi hay chính xác hơn là sự lột xác đã thấy rõ ở nơi xưa kia chỉ độc có rừng taiga ngút ngàn. Theo ghi nhận của những người thường hay ghé thăm thành phố cảng, cách đây ít năm, con đường duy nhất vào trung tâm thành phố còn lồi lõm, đầy ổ gà thì nay đường nhựa phẳng lỳ đã nối liền các khối nhà cũ kỹ ở ngoại ô. Không ai có thể hình dung Vladivostok từng nổi tiếng cả nước như điển hình của “nhiều không” nhất là tình trạng cúp điện, cúp nước triền miên lại có một bộ mặt khác hẳn với hai cây cầu dây văng nối vịnh Sừng Vàng với đất liền, một con tàu tốc hành, một sân bay mới, một trường đại học tầm cỡ liên bang, một nhà máy xử lý nước ngọt, một khu liên hợp xử lý chất thải… Và theo khẳng định của tòa thị chính thành phố, Vladivostok vẫn còn ngân quỹ hơn 10 tỷ USD nữa, với phần lớn số đó được cấp bổ sung từ ngân sách liên bang, để dành chỉnh trang đô thị.

Tại sao Vladivostok lại trở thành tâm điểm chú ý của nước Nga? Câu trả lời đã rõ: Thành phố này là nơi đón tiếp các nguyên thủ quốc gia dự hội nghị APEC. Và đúng như người ta hay nói “hoành tráng như APEC”, nước Nga với mong muốn giới thiệu hình ảnh mạnh mẽ của một cường quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã bỏ ra hơn 20 tỷ USD để tu chỉnh sắc đẹp cho “chúa tể phương Đông”.

Đây có thể nói là chương trình xây dựng lớn nhất của nước Nga sau khi Liên Xô tan vỡ. Và bằng cách tỏ rõ sự quan tâm đến bờ cõi phía Đông như vậy, nước Nga dường như muốn bắn một mũi tên trúng hai đích chiến lược: Thứ nhất, nhằm phát triển hợp tác kinh tế với các nước châu Á láng giềng; thứ hai - quan trọng hơn - giữ chắc vùng Viễn Đông trong thành phần nước Nga.

Điều này càng được khẳng định khi vào năm 2010, đích thân ông Putin đã ngồi trên chiếc xe Lada màu vàng đi dọc đường biên giới Nga-Trung. Mục đích chuyến đi của ông là nhằm giới thiệu bộ mặt châu Á với khán giả truyền hình trong nước, đồng thời cũng cảnh báo rằng miền đất xa xôi này là đất Nga, của người Nga giống như Quảng trường Đỏ. Cũng cần nói thêm rằng cả vùng Viễn Đông rộng lớn của Nga có khoảng 7 triệu người sinh sống trong khi chỉ tính riêng 2 tỉnh Trung Quốc đối diện dân số đã đông hơn gấp 10 lần.

Nhưng liệu có quá trễ không khi châu Á đã có lực hút mới là Bắc Kinh? Một người Nga từng là thủy thủ viễn dương, sau chuyển qua kinh doanh dịch vụ thổ lộ: “Trước kia chúng tôi nghĩ về Trung Quốc như đất nước lạc hậu, kém phát triển… nhưng giờ đây tới Bắc Kinh bạn có tưởng tượng chúng tôi được thết đãi tiệc với 20 món ăn. Ở Nga, chúng tôi không làm được như vậy”. Âu đó cũng là điều đáng suy ngẫm!

2. Dù là thành phố trẻ, Vladivostok vẫn tự hào với lịch sử hào hùng của mình. Tại đây, người Nga đã xây dựng căn cứ cho hạm đội Thái Bình Dương và vào thời chiến tranh lạnh nó là thành phố cấm với người nước ngoài. Bây giờ ở mọi nơi người ta thấy tràn ngập những người mặc quân phục hải quân và ai cũng có thể mục kích những chiếc tàu khu trục màu xám neo đậu trong cảng. Một trong những biểu tượng nữa của Vladivostok thời nay là một chiếc tàu ngầm bị chìm trong thế chiến thứ hai đã được trục vớt từ đáy đại dương đem đặt cạnh đài kỷ niệm chiến thắng, đối diện với khu phà chở khách.

Nhưng tất cả dường như đều bị lu mờ bởi… biểu tượng “chợ trời” buôn xe Nhật đã qua sử dụng lớn nhất nước Nga. Hình thành từ những năm 80 của thế kỷ trước, từ lý do “đói thì đầu gối phải bò” - như một nhà báo đã khái quát - trong nhiều năm, qua ngả Vladivostok, các cư dân địa phương nhanh nhạy đã cung cấp cho người tiêu dùng Nga cả trăm ngàn xe cũ giá mềm. Và bây giờ nói tới Vladivostok người ta tức khắc liên tưởng tới thủ phủ của xe “second-hand” với khu chợ nổi tiếng nhất có tên là Góc Xanh (Zelionui ugol) nằm ở mạn Bắc thành phố. Chính từ Góc Xanh này, nhờ buôn đi bán lại các dòng xe Honda, Toyota và Nissan mà không phải chịu một khoản thuế nào, nhiều người đã phất lên nhanh chóng và lập ra các công ty làm ăn phát đạt cho đến tận hôm nay.

Một người bạn Nga thu xếp cho chúng tôi đến Vladivostok hồi tưởng: “Tất cả bắt đầu vào những năm 90. Chúng tôi lên tàu đến Nhật Bản lùng mua xe cũ. Rồi khi về đến Nga chúng tôi đem bán lại cho các đầu nậu. Mọi chuyện thật đơn giản vì nhu cầu thời đó rất lớn. Các anh đã biết thời Liên Xô làm gì có xe cộ, chỉ tồn tại mỗi xe taxi nhà nước. Sau khi mở cửa, dĩ nhiên là người ta muốn lao ra mặt đường, ai cũng muốn được ôm vô lăng. Đó là thời dễ kiếm tiền nhất tuy nó lộn xộn và dính dáng đến tội phạm”. Nhưng thời hoàng kim này cũng qua nhanh khi chính phủ xiết lại trật tự và áp thuế xe. Buôn xe trở nên ít “màu” hơn và nhiều người trắng tay vì “tiền vào dễ thì ra cũng dễ”. Chỉ còn cách duy nhất là làm ăn hợp pháp, minh bạch nếu muốn tiếp tục nghề kinh doanh, hoặc chuyển hẳn qua làm chính trị với tương lai khó lường.

Người ta kể cho tôi nghe chuyện cựu thị trưởng thành phố từ năm 2004 đến 2008, vốn là “bố già” của một băng buôn lậu trước đây đã bị buộc tội tham ô tài sản và phải chạy sang sống ở Pattaya, Thái Lan. Đúng là thời gian qua đi với những cơ hội bị bỏ phí mà theo lời một nhà kinh tế: “Lúc mới mở cửa, nhiều nhà đầu tư từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc muốn mở công ty ở Vladivostok. Nhưng nhiều lần đụng chạm với các băng nhóm tội phạm địa phương mà không ai đứng ra bảo vệ, họ thất vọng và quyết định rút lui. Thật tiếc!”.

Song giờ mọi thứ ở Vladivostok đã đi vào trật tự, kỷ cương và người dân đã không còn sợ hãi mỗi khi bước ra ngoài ban đêm. Và thay vì phải giải sầu trong các quán bia, rượu sặc mùi thuốc lá của thành phố cảng đặc trưng, họ đã có thể thưởng thức các món ăn Nhật và Italia trong vô số các nhà hàng, quán bar sang trọng mở ra thời gian gần đây. Dù vậy, phía trước Vladivostok còn ngổn ngang những chướng ngại phải vượt qua, nhất là lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư và chặn được dòng di dân đã đến mức báo động (năm 1992 dân số là 648.000 người, song đến năm 2010 đã giảm xuống còn có 578.000 người).

Và ở cách xa 9.000km, điện Kremli cuối cùng đã quyết định củng cố quyền kiểm soát khu vực có tầm quan trọng chiến lược này. Tháng 1-2012, Chính phủ Nga đã thành lập công ty quốc gia về phát triển Siberia và Viễn Đông để hỗ trợ khai thác tài nguyên một cách có hiệu quả. Tháng 5 năm nay, một bộ đặc biệt trong nội các chính phủ cũng ra mắt, đó là Bộ phát triển Viễn Đông. Có lẽ sau nhiều năm ngủ đông, cuối cùng Viễn Đông cũng tỉnh giấc, dù ở nước Nga không thể nói chắc điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai…

Bài 5: Tâm hồn Nga

Bích An

Thông tin liên quan

- Bài 1: Không tin vào những giọt nước mắt!

- Bài 2: Đi “phượt” Baikal

- Bài 3: Người đi, kẻ đến

Tin cùng chuyên mục