Bí ẩn nước Nga - Bài cuối: Tâm hồn Nga

Người ta nói rằng cứ đi rồi khắc đến. Nhưng đi đâu, đi bằng gì và đi như thế nào để về đích ít hao sức nhất, an toàn nhất và sớm nhất? Câu hỏi này - cả ở nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - đã dằn vặt nước Nga suốt nhiều thế kỷ qua. Với thế giới nội tâm riêng biệt, có cảm giác người Nga dường như không thích sự phẳng lặng buồn tẻ của cuộc sống như chúng ta hiểu thông thường, cũng không thích một “trật tự thế giới mới” theo quy chuẩn áp đặt từ bên ngoài. Họ muốn được thử nghiệm, muốn được vùng vẫy trong phong ba bão táp của các cuộc cách mạng (dĩ nhiên không phải là cách mạng mang tên các loại hoa) và nhất là được sống thật với chính mình, đúng với tính cách Nga.
Bí ẩn nước Nga - Bài cuối: Tâm hồn Nga

Người ta nói rằng cứ đi rồi khắc đến. Nhưng đi đâu, đi bằng gì và đi như thế nào để về đích ít hao sức nhất, an toàn nhất và sớm nhất? Câu hỏi này - cả ở nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - đã dằn vặt nước Nga suốt nhiều thế kỷ qua. Với thế giới nội tâm riêng biệt, có cảm giác người Nga dường như không thích sự phẳng lặng buồn tẻ của cuộc sống như chúng ta hiểu thông thường, cũng không thích một “trật tự thế giới mới” theo quy chuẩn áp đặt từ bên ngoài. Họ muốn được thử nghiệm, muốn được vùng vẫy trong phong ba bão táp của các cuộc cách mạng (dĩ nhiên không phải là cách mạng mang tên các loại hoa) và nhất là được sống thật với chính mình, đúng với tính cách Nga.

1. Mùa hè hoặc mùa thu như bây giờ thì chuyện đi lại ở Nga cũng không đến nỗi nào. Nhưng vào mùa đông, nhất là mùa đông ở vùng Siberia, tôi không biết cách nào hay hơn là… không nhúc nhích hoặc nếu có đi phải chui rúc trong xe hoặc tàu có bộ phận sưởi ấm. Vì đơn giản là trời lạnh buốt, lạnh đến mức con chim bay ngang đây cũng bị đóng băng rớt xuống. Điều này, phần nào lý giải tại sao người Nga đi bộ nhanh đến vậy.

Phải thành thật thú nhận, suốt thời gian ở đây, ngày nào tôi cũng đứng bên góc phố ngẩn người ngắm các cô gái Nga chân dài miên man lướt đi trên đôi giày cao gót nhọn hoắt. Họ đi như không, đi như bay giống như trong một vũ điệu ballet, thậm chí lúc dừng lại chỉ đường cũng có cảm giác họ… vẫn đi trong tư thế khẽ xoay người trả lời. Bởi vậy, muốn bắt chuyện làm quen, chí ít bạn cũng phải học cách đi nhanh, đi để đuổi kịp trước khi bày tỏ ý muốn.

Một câu chuyện nữa tôi muốn kể với các bạn là chuyện đi xe và tình cảnh hiện nay của ngành công nghiệp xe hơi Nga. Đường sá ở Nga, như tất cả đều biết gói gọn trong 2 câu: quá tệ! Ở thành phố thì còn đỡ, nhưng ở vùng quê, do cả chục năm không được ngó ngàng, không được duy tu, nâng cấp nên xuống cấp trầm trọng. Đi trên các tỉnh lộ, huyện lộ, tôi luôn có cảm giác mình luôn trong tư thế của một samurai đang chuẩn bị nghi thức seppuru (tự mổ bụng). Và đó thực sự là một cuộc hành xác, một trải nghiệm du lịch mạo hiểm tuyệt vời. Dĩ nhiên, đường nào xe ấy, đường Nga trong thời tiết khắc nghiệt chỉ có xe Nga là “vô tư” chạy mọi lúc, mọi nơi.

Trong dòng xe địa hình, nổi tiếng nhất - cả ở Việt Nam- là xe UAZ (u-oát). Nói tới UAZ, ai từng trong quân ngũ cũng mường tượng một cái hộp vuông vức màu xanh lá cây với nội thất bên trong hết sức ấu trĩ. Tuy xấu xí và cồng kềnh như bất kỳ hàng hóa nào của Liên Xô, nhưng UAZ lại nổi tiếng nồi đồng, cối đá và mẫu xe UAZ 469B xuất xưởng từ năm 1973 hiện vẫn còn trong biên chế của quân đội nhiều nước.

Ở rừng taiga, tôi chứng kiến mẫu xe SUV 2 cầu UAZ Patriot mới của nhà máy Ulyanovsk nom như một ngôi nhà trên bánh xe, có chiều cao phải cỡ 2m, chở được tới 9 hành khách. Tuy tiện nghi ở mức tối thiểu, nhưng UAZ Patriot vẫn tỏ rõ sức mạnh khi băng rừng lội suối, bánh xe cắt những đụn tuyết như cắt bơ và nhất là giá hết sức cạnh tranh, chỉ 15.000 USD. Ở châu Âu, ta không tìm được một loại xe nào cùng kích cỡ với động cơ hiện đại (động cơ diesel 2,3 HPT của hãng Iveco, Italia) có giá hữu nghị đến vậy.

Còn số phận của các xế hộp khác từng một thời vang bóng trên những nẻo đường Việt Nam? Tôi có gặp một chiếc xe “Oka” của dòng xe Volga ở trạm dừng chân trên đường tới đảo Olkhon. Đây là loại xe mini có một phần thiết kế “thuổng” từ xe Nhật Daihatsu Cuore, chỉ có 2 xilanh. Người ta nói rằng lẽ ra nó có 3 xilanh nhưng vào những năm 80, các kỹ sư Xô Viết sơn phết xong vỏ xe mới sực nhớ… quên cái thứ 3 và không biết đặt nó đâu nữa bên trong xe! Với cái xe từng là xe rẻ nhất thế giới những năm 90 (giá chưa tới 1.500 USD), nhiều du khách nước ngoài tỏ rõ sự hứng thú khi đua nhau chụp hình vì nghĩ rằng nó là xe… chủ nhân tự chế.

Một thông tin nữa với các nhà sưu tập xe Lada ở Việt Nam: loại “Lada 2017” đã ngừng sản xuất và thay vào đó là các dòng Lada Kalina, Lada Granta và mới nhất là Lada X-Ray do người từng thiết kế xe Volvo và Mercedes vẽ mẫu.

Năm ngoái, trong nỗ lực cổ súy cho công nghiệp ô tô nội địa, Tổng thống Putin đã thử lái chiếc Lada Granta 90 mã lực, nhưng phải khởi động đến lần thứ 5 xe mới chịu nổ máy, lỗi theo lời ông là “chưa quen xe mới”. Xe là hình ảnh một đất nước, nếu nhìn vào chiếc Mercedes ta có cảm giác người Đức đã dốc hết tâm hồn vào trong nó, còn chiếc Toyota rõ ràng mang tính cách Nhật đặc trưng.

Người Nga trong nhiều thập kỷ đã thử tìm cách chế tạo loại xe hiện đại mang tâm hồn Nga, song nỗ lực cho đến giờ vẫn chưa thành. Không phải vì rằng công nghệ Nga không thể đạt được những thành tựu như công nghệ Đức. Mà đơn giản là mọi ý định “đại nhảy vọt”, không theo tuần tự lớp lang “ta đi theo lối nhỏ là lối an toàn” thường kết thúc không có hậu.

Một góc núi rừng trên đảo Olkhon, Irkutsk.

Một góc núi rừng trên đảo Olkhon, Irkutsk.

2. Có hay không thuật ngữ “tâm hồn Nga” thường được nhắc đến khá nhiều cả trong văn học lẫn trong các cuốn cẩm nang du lịch dành cho người nước ngoài? Còn nhớ một buổi tối ngồi uống chai vodka “Khorvati” dung tích 2,5 lít (do Ukraine sản xuất) bên mái hiên ngôi nhà gỗ ở đảo Olkhon của hồ Baikal, anh bạn Valery mới quen đến từ Moskva, sau khi đã nâng ly với những lời chúc tụng càng ngày càng dài và càng triết lý hơn, bỗng nghiêm mặt nhìn tôi: “Nếu như anh muốn viết gì đó về nước Nga thì tôi muốn giải thích một chuyện. Hãy viết là tâm hồn Nga bí ẩn… không tồn tại”. Tôi nghi ngại nhìn nhưng vẻ mặt anh ta vẫn lạnh tanh như lớp băng Siberia “viết đi. Còn chưa hết đâu”.

Sáng tỉnh dậy, tôi vội vã đọc lại dòng chữ sấm truyền thì thấy mình đã viết: “Tâm hồn Nga bí ẩn không tồn tại. Tâm hồn Nga không bí ẩn hơn cơn đau đầu sau bữa tiệc say túy lúy”. Tất cả rõ ràng giấy trắng mực đen. Tôi chạy bổ đi tìm Valery ở nhà kế bên thì người ta nói rằng 12 giờ đêm qua anh ta đã kêu trực thăng bốc cả 2 vợ chồng tới sân bay Irkutsk (cách 300km) để kịp chuyến bay đầu tiên về Moskva. Thật không hiểu nổi: bỏ ra hơn 1.000 USD/người tiền vé máy bay khứ hồi Moskva - Irkutsk cộng thêm gần 1.500 USD tiền thuê xe, nhà và trực thăng chỉ để ngắm nghía ít phút đảo Olkhon rồi mãn nguyện ra đi. Nhưng thế mới là …người Nga, thế mới là tính cách Nga.

Nước Nga sản sinh ra những thiên tài vĩ đại và cả những người lập dị đến mức không đâu lập dị hơn. Ở đây có người như nhà tỷ phú German Sterlygov trước sự bi đát chung của kinh tế thế giới đã đứng lên hiệu triệu các công dân “hãy vĩnh biệt tiền bạc, vĩnh biệt các khoản tín dụng, vĩnh biệt lãi suất ngân hàng… chủ nghĩa tư bản đã đến giới hạn của mình, giờ là lúc thiết lập các nguyên tắc mới của cuộc chơi” và tự lập ra trung tâm chống khủng hoảng để đưa nước Nga bước vào kỷ nguyên mới với toa thuốc thần là trở lại phương thức hàng đổi hàng (barter). Nghĩa là để tạo sức cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ đổi lúa mì lấy xe hơi, đổi dầu mỏ lấy… dưa leo… để không còn lệ thuộc vào ngân hàng với lãi suất cho vay cắt cổ. Ý tưởng xem chừng có vẻ khá điên rồ này thật ra là một giải pháp hay cho thời buổi hàng tồn kho chất đống vì không kiếm ra ai có tiền mua.

Một bí ẩn nữa là sự ngây thơ, chất phác đến khó tin của người Nga. Dẫn chứng cho nhận xét này có thể lấy từ chuyện thương mại hóa sản phẩm: với các bộ óc siêu việt, người Nga đã nghĩ ra cả núi sáng chế nhưng lại không biết làm gì với sáng tạo của mình. Trước đây khi thăm Nga, văn hào G. Márquez từng viết nửa đùa nửa thật rằng du khách phương Tây đến Moskva lỡ có gặp ai đó khăng khăng nói là tủ lạnh do đích thân mình sáng chế thì đừng coi đó là gã thần kinh có vấn đề. Hoàn toàn có khả năng người đó đã tạo ra chiếc tủ lạnh trong nhà mình trước khi nó trở thành mặt hàng tiêu dùng ở phương Tây.

Ôi, tâm hồn Nga. Và có hay không tâm hồn Nga? Anh thanh niên có tên Iuri chở tôi ra sân bay Irkutsk về lại Việt Nam khẳng định có khái niệm “tâm hồn Nga” vì “Puskin (nhà thơ Nga nổi tiếng như Nguyễn Du của Việt Nam) nói thế”. “Ngộ nhỡ Puskin sai thì sao?”, anh chàng nghiêm túc: “Puskin là thiên tài mà thiên tài thì làm sao sai được”. Tôi ngỡ ngàng nhận ra một chân lý: Thiên tài không bao giờ sai. Chuyến thăm nước Nga ít ngày đã kết thúc. Với tôi, sự bí ẩn của nước Nga vẫn còn nguyên như trong hình dung trước khi tới Nga. 

BÍCH AN

Thông tin liên quan

- Bài 1: Không tin vào những giọt nước mắt!

- Bài 2: Đi “phượt” Baikal

- Bài 3: Người đi, kẻ đến

- Bài 4: Chúa tể phương Đông

Tin cùng chuyên mục