Bị đuổi học vì chê cà vạt xấu?

Những ngày qua, câu chuyện về việc một học sinh lớp 2 ở Trường Vstart School (quận 7, TPHCM) bị đuổi học chỉ vì phụ huynh chê bai đồng phục quá xấu trên Facebook khiến nhiều người quan tâm. Tất nhiên, nếu chỉ vì chuyện nhỏ xíu như thế mà nhà trường vin vào cớ đó để đuổi học thì rất đáng lên án.

Những ngày qua, câu chuyện về việc một học sinh lớp 2 ở Trường Vstart School (quận 7, TPHCM) bị đuổi học chỉ vì phụ huynh chê bai đồng phục quá xấu trên Facebook khiến nhiều người quan tâm. Tất nhiên, nếu chỉ vì chuyện nhỏ xíu như thế mà nhà trường vin vào cớ đó để đuổi học thì rất đáng lên án.

 Nhưng sự thật không hẳn như vậy. Cho rằng chiếc cà vạt là hai cọng dây vải vừa xấu vừa khó thắt, cộng thêm khi bỏ vào máy giặt bị thất lạc, chị Thanh Hiếu, mẹ của một nam sinh lớp 2 (học ở Trường Vstart School đúng 1 năm) ví nó giống như chiếc giẻ rách. Bên cạnh đó, chị còn so sánh, khen mẫu cà vạt trên đồng phục của học sinh Hàn Quốc được may cố định chuẩn hơn và đề nghị nhà trường năm học mới “khẩn trương” thay đổi mẫu. Không dừng ở đó, dịp tổng kết năm học của trường, chị Hiếu tiếp tục  chê bai  “trang trí nhòe nhoẹt, quê mùa, hoa hòe, hoa sói…”.

 Đến trường tìm hiểu vụ việc, cô Chu Thị Ngọc Thịnh, Hiệu trưởng VStar School, khẳng định không có chuyện nhà trường đuổi học sinh vì mẹ lên Facebook chê đồng phục. Rồi cô Thịnh trần tình rằng gần hết năm học, chị Thanh Hiếu phản ánh với trường về việc cà vạt bất tiện và nhà trường chưa phản hồi thì sau đó phụ huynh lên Facebook chê đồng phục của trường với nhiều từ ngữ nặng nề, thiếu tôn trọng.

Để phụ huynh bớt bức xúc, 1 tháng sau cô giáo chủ nhiệm của con chị mới gọi điện mời đến trường làm việc, nhưng chị Hiếu bận việc ở Hà Nội. Đến ngày 19-6, nhà trường vẫn gửi thông báo đóng tiền cho năm học mới nhưng phụ huynh cũng trả lời bận đi công tác. Sau đó, giữa nhà trường và phụ huynh đã có buổi làm việc và phó hiệu trưởng đã nhắc nhở về việc chia sẻ thông tin trên Facebook, yêu cầu chị Hiếu nên dùng những lời lẽ mềm mại, nhẹ nhàng hơn, thể hiện sự tôn trọng nơi con mình học. Thế nhưng, chị Hiếu vẫn có thái độ không cầu thị, giữ nguyên quan điểm của mình. “Chính vì không tìm được tiếng nói chung nên ngay tại buổi làm việc này, chị Hiếu đã xin cho con chuyển trường, chứ trường chưa hề có quyết định đuổi học”. Đưa cho chúng tôi xem biên bản ghi rõ nội dung này, cô Ngọc Thịnh khẳng định như thế.

Cô hiệu trưởng cũng giải thích thêm, mục đích mời phụ huynh đến là để trao đổi chứ không phải quy trách nhiệm việc chị đã chê bai đồng phục mà muốn giải thích, hướng dẫn cách thắt cà vạt dễ dàng hơn. Dạy học sinh thắt cà vạt cũng là dạy về kỹ năng sống tự lập cho các em từ nhỏ. Khi vào trường, tất cả học sinh đều được giáo viên hướng dẫn rất kỹ và nhiều em mới vào lớp 1 đã có thể tự thắt thuần thục. Toàn trường hiện có 1.500 học sinh các khối lớp, trong đó đông nhất là học sinh lớp 1. Được biết, mẫu đồng phục này nhà trường đã sử dụng 5 năm và chưa có phụ huynh nào phàn nàn về sự bất tiện, chất lượng kém.

Buồn lòng vì những gì xảy ra, cô giáo có trên 30 năm đeo đuổi nghề giáo bộc bạch: “Là những người làm giáo dục, tâm huyết với nghề, chúng tôi cảm thấy bị tổn thương bởi những lời lẽ nặng nề mà phụ huynh vô tư nói xấu môi trường giáo dục. Phụ huynh có quyền góp ý với những gì chưa hoàn hảo để nhà trường làm tốt hơn, nhưng phải có tính xây dựng và thể hiện văn hóa. Một khi phụ huynh cứ mang nỗi bức xúc nặng nề, chê bai nhà trường và truyền cho con trẻ mỗi khi đến trường thì làm sao cháu có thể yêu mến, gắn bó với nơi mình học?”.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục