Năm nay, ngành dệt may được đánh giá khó khăn nhất trong 10 năm trở lại đây do cạnh tranh gay gắt, nhiều doanh nghiệp (DN) thiếu đơn hàng. Dù vậy, không ít DN đang nỗ lực để giữ chân đối tác, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy mở rộng sản xuất. Bí quyết hội nhập thành công của họ là gì?
Dây chuyền sản xuất sợi tại Công ty Thiên Nam
Giữ đơn hàng bằng uy tín, chất lượng
Theo Hội Dệt may thêu đan TPHCM (Agtek), tính đến thời điểm này, chỉ có 20% - 30% DN có đủ đơn hàng đến cuối năm, phần còn lại “đang chạy khắp nơi để tìm đơn hàng mới mong có việc cho người lao động”. Trong khi tình trạng chung của ngành dệt may hết sức khó khăn như vậy, song nhiều DN khác nhờ có sự chuẩn bị chu đáo từ trước nên đã và đang nỗ lực vượt qua, đơn hàng vẫn dồi dào…
Nằm trên mặt tiền đường Lê Văn Khương (quận 12, TPHCM), Công ty TNHH May mặc Thành Đạt căng những tấm băng rôn khá rộng để đăng thông báo tuyển dụng công nhân với mức lương khá cao, tùy vào thâm niên tay nghề. Bước vào bên trong, không gian nhà xưởng rộng khoảng 2.000m2 được sử dụng để đặt dây chuyền máy móc, bên cạnh là hàng hóa, vải, quần áo chất đầy ắp, chỉ chừa mỗi lối đi nhỏ. “Năm nay, ngành may mặc thật sự rất khó khăn, nhiều đối tác cũ cắt giảm đơn hàng. Tuy nhiên, công ty chúng tôi may mắn vẫn còn nhiều đối tác từ Mỹ, châu Âu tìm đến ký kết đơn hàng. Hiện đơn hàng gia công đã ký kết đủ để phục vụ sản xuất đến quý 3-2017”, Tổng Giám đốc Công ty May mặc Thành Đạt Lê Nhung vui mừng nói. Chia sẻ về bí quyết vẫn giữ vững đơn hàng trong thời điểm khó khăn chung của ngành, ông Lê Nhung cho biết: “Điều quan trọng để khách hàng khó tính như Mỹ hay các nước châu Âu tin tưởng hợp tác là DN phải giữ được uy tín và chất lượng. Đơn giá có thể bằng hoặc cao hơn một chút so với các đối tác láng giềng như Campuchia… nhưng điều tiên quyết, chúng ta phải đạt tiêu chuẩn về chất lượng và tiến độ giao hàng đúng theo hợp đồng giao kết với đối tác”. Để làm được điều này, hệ thống quản trị của DN phải chuyên nghiệp. Đặc biệt, người quản lý phải có kinh nghiệm điều hành, không để có thời gian “chết” nhằm đẩy nhanh tiến độ cũng như điều chỉnh kịp thời những lỗi sản phẩm ở từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất.
Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May và Thương mại Lộc Nhung Xanh Nguyễn Văn Thắng, chuyên gia công áo gió xuất khẩu, cho biết sau 8 năm đi vào hoạt động, DN liên tục đầu tư mở rộng nhà xưởng và công nghệ hiện đại. “Trong tình cảnh khó khăn chung của ngành, chúng tôi vẫn kiên định đầu tư thêm các dây chuyền máy móc hiện đại như ở khâu thêu, in ấn… nhằm giảm dần thâm dụng lao động, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, có thể hạ giá thành (trong trường hợp đối tác đang dịch chuyển hàng mạnh mẽ qua các nước có ưu đãi hơn) mà vẫn đảm bảo chất lượng và tiến độ giao hàng như cam kết với đối tác”, ông Thắng cho biết. Theo ông Thắng, do cạnh tranh nên mặc dù đơn hàng của DN vẫn được các đối tác tái ký, đảm bảo đến cuối năm 2017, nhưng lợi nhuận bị sụt giảm mạnh, không như thời điểm trước đây.
Chú trọng đời sống người lao động
“Cuối năm nay, DN chúng tôi tiếp tục đầu tư khoảng 75 triệu USD để mở rộng thêm một nhà máy ở phía Bắc, tạo tiền đề xây dựng chuỗi sản xuất khép kín từ khâu sợi đến thành phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh hội nhập”, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Phát triển Thiên Nam Trần Đăng Tường, cho biết. “Khai sinh” từ năm 2000, đến nay, Công ty Thiên Nam có 5 nhà máy với tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD, đang sở hữu hơn 173.000 cọc sợi, hơn 1.700 nhân viên và sản lượng đạt hơn 2.500 tấn/tháng. Trong đó, 80% sản lượng của Công ty Thiên Nam được xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Philippines, Nhật Bản và các nước châu Mỹ LaTinh. Theo ông Trần Đăng Tường, quản trị tiên tiến cộng với công nghệ hiện đại và xem trọng chất xám, chăm sóc người lao động... là những yếu tố giúp DN vượt qua khó khăn thời điểm hiện nay.
Nói đi đôi với làm! Từ 6 năm trước, khu nhà ở cho công nhân của Công ty Thiên Nam đã được xây dựng, đến nay đã có 300 căn hộ tại Khu công nghiệp Đồng An, tỉnh Bình Dương. Điều đặc biệt, tại khu nhà ở này, người lao động không phải trả tiền, chỉ phải đóng các chi phí về điện, nước, vệ sinh… Nếu hai vợ chồng cùng làm tại công ty sẽ được cấp một căn hộ 60m2 và làm trên 10 năm thì được cấp hẳn căn hộ, có chủ quyền riêng. Khi không có nhu cầu về nhà có thể bán lại cho công ty để công ty cấp lại cho người lao động khác. “Nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động cũng là việc làm phúc lợi, thể hiện sự đồng hành của DN trong việc ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh”, ông Tường tâm sự. Đồng quan điểm này, ông Lê Nhung cho rằng, môi trường làm việc thoáng đãng, ấm áp và khen thưởng kịp thời nhằm nâng cao đời sống cho người lao động là giải pháp nâng cao năng suất lao động, giúp DN tiết giảm chi phí, nâng sức cạnh tranh và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo Chủ tịch Agtek Phạm Xuân Hồng, nhiều DN vượt qua được khó khăn trong giai đoạn hiện nay ít nhiều áp dụng những giải pháp, mô hình tương tự nêu trên. “Tuy nhiên, điều DN mong muốn nhất là Chính phủ và các bộ, ngành chức năng cần tạo ra cơ chế thông thoáng, có những giải pháp đồng hành; hiệp thương hay quyết định đúng đắn, sát thực tế thị trường thế giới để ổn định về chính sách, thuế… như các nước láng giềng. Từ đó, DN có thể mạnh dạn cạnh tranh, đầu tư phát triển bền vững, đặc biệt trong thời điểm hội nhập sâu rộng hiện nay”, ông Hồng đề nghị.
LẠC PHONG