Biến đổi khí hậu - Cần hành động kịp thời

Thời gian gần đây có lúc triều cường sông Sài Gòn đạt mức đỉnh cao nhất: 1,62m. Hệ quả là TPHCM ngập nặng ở nhiều nơi từ quận 2, quận 1, quận 3, quận 5, Bình Thạnh và Thủ Đức… Cùng lúc, ở ĐBSCL, sông Tiền và sông Hậu cũng đạt mức triều cường kỷ lục. Nhiều tỉnh thành như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng bị ảnh hưởng nặng nề. Trước đó, bão lũ các tỉnh miền Trung cũng gây nhiều thiệt hại về người và tiền của nhà nước và nhân dân. Thiên tai đang trở thành nỗi lo chung của tất cả mọi người dân, bất kể quốc gia có thể chế chính trị nào.

Việt Nam là một trong những nước hứng chịu nhiều thiên tai, là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất và là “tâm bão” của biến đổi khí hậu. Theo Viện Khoa học Khí tượng - Thủy văn và Môi trường, cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình của nước ta tăng thêm khoảng từ 2,3 đến 3°C. Mực nước biển có thể dâng cao thêm 1m.

Và, một kịch bản đáng sợ được các nhà khoa học đưa ra: nếu mức nước dâng đúng như dự đoán, 90% diện tích trồng lúa của ĐBSCL sẽ bị ngập, nghĩa là mất gần hết đất trồng trọt. Một vùng đồng bằng trù phú của đất nước gần như biến mất. Hệ lụy: kinh tế đất nước sẽ thất thu hàng chục triệu tấn lương thực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu gạo và an ninh lương thực. Vào mùa mưa, mực nước lũ ở khu vực này sẽ tăng thêm gần 2m so với mực nước lũ hiện tại. Các vùng ven bờ của cửa sông sẽ bị xâm thực, đe dọa sự an toàn và hệ thống cơ sở hạ tầng ven biển.

Cùng với ĐBSCL, biến đổi khí hậu cũng không buông tha đồng bằng xôi mật sông Hồng. Cũng theo dự báo của các nhà khoa học, nếu nước biển dâng cao thêm 1m, gần 1.700km2 đất trồng lúa, gần 3.000km² đất bị ngập, hơn 1,8 triệu cư dân sông Hồng bị mất nhà cửa và ruộng đất. Duyên hải Nam Trung bộ, tình hình không khả quan hơn. Ngoài diện tích trồng lúa ít ỏi bị nhấn chìm, nước biển dâng sẽ thu hẹp diện tích rừng ngập mặn làm nhiều loại động thực vật tuyệt chủng. Xói lở bờ biển sẽ ngày càng tăng có nguy cơ xâm hại lớn đến các công trình giao thông, các cơ sở công nghiệp và khu đô thị ven biển. Một dự báo trong một hội nghị khoa học gần đây cũng không thể không quan tâm: trong vòng 30 năm nữa, khi nước biển dâng thêm 30cm sẽ có 170.000 dân ở 18 phường xã ven biển thành phố Đà Nẵng mất nhà, 700.000 dân nội thành sẽ thiếu nước sinh hoạt. Đó là chưa kể, cùng với tình trạng này là sự thay đổi điều kiện sinh sống, làm biến mất một số loài sinh vật, có nguy cơ gia tăng nhiều loại thiên địch gây hại, đe dọa nghiêm trọng sản xuất và đời sống.

Một chương trình quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã được công bố. Có thể coi đó là sự chủ động của chúng ta nhằm đối phó với nguy cơ. Có điều, cho đến nay, những hành động thiết thực có vẻ vẫn ì ạch và chậm chạp. Bởi vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là phải biến chương trình thành những quyết định thực tế và cho ra ngay những biện pháp cần thiết. Trước mắt chuyển đổi nền nông nghiệp cho phù hợp với nền công nghiệp cần ít đất và có giá trị gia tăng cao. Biến nền kinh tế với công nghệ lạc hậu thành nền kinh tế tăng trưởng xanh. Giảm nhẹ khí thải nhà kính và đưa khả năng hấp thụ nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc trong nền kinh tế. Nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực và công nghệ phòng chống thiên tai. Tăng cường năng lực đối phó của cộng đồng và quy hoạch hệ thống hạ tầng phù hợp với biến đổi khí hậu.

Chủ trương đã có. Vấn đề là hành động kịp thời. 

DƯƠNG TRỌNG DẬT

Tin cùng chuyên mục