Biến phế phẩm dừa thành... đô la

Biến phế phẩm dừa thành... đô la

Ở đất đảo Bến Tre, đi đâu cũng thấy dừa bạt ngàn nhưng không phải ai cũng biết cách bắt dừa “đẻ” ra tiền nhiều như ông Trường Ngân (tên thật là Phạm Vân Thanh). Từ cọng lá dừa, chiếc mo nang, cái gáo dừa… những thứ được xem là phế phẩm, vậy mà ông Ngân lại biến nó thành những sản phẩm độc đáo đưa đi xuất ngoại.

Khởi nghiệp từ cọng lá dừa

Biến phế phẩm dừa thành... đô la ảnh 1

Sản phẩm mỹ nghệ từ phế phẩm dừa bày bán tại chợ Bến Thành. Ảnh: Lã Anh

Cơ sở hàng thủ công mỹ nghệ Trường Ngân đặt ở phường 1, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Vừa bước vào đã thấy hàng chục công nhân khẩn trương sản xuất để kịp giao hàng cho khách nước ngoài. Tại phòng khách là nơi trưng bày hàng trăm sản phẩm độc đáo từ dừa như chén, đũa, dĩa, tô, bình, ly, xe ngựa, xe kéo… Ông Trường Ngân, chủ cơ sở phân bua: “Nhà nhỏ hẹp nên chỉ trưng bày một ít thôi, chớ sản phẩm thì nhiều lắm. Cái lạ là tất cả những mặt hàng được làm ra từ dừa phế phẩm đấy!”.

Tham gia kháng chiến từ năm 1960, ông Ngân từng có mặt ở các chiến trường Bến Tre, chiến khu D, Đồng Tháp Mười, Campuchia… Sau năm 1975, ông chuyển sang công tác ở Công ty Vật tư tổng hợp rồi Công ty Du lịch Bến Tre. Đến năm 1987 thì về hưu ngay lúc gia đình khó khăn, không đồng vốn.

Để nuôi vợ và 5 con, ông Ngân phải bôn ba làm nhiều nghề kiếm sống. Thế rồi như duyên cớ, trong lần tình cờ ông thấy 1 cái giỏ xách của nước ngoài làm bằng dừa xuất hiện ở Bến Tre. Ông Ngân chợt nghĩ, dừa ở quê mình đầy đàn, chỗ nào cũng thấy bà con vứt bỏ, tại sao mình không tận dụng thứ “phế phẩm” này làm giỏ, mắc mớ gì đi nhập của nước ngoài cho tốn kém (!?).

Bản chất người lính “hễ nói là làm”, tuy nhiên, mới nhìn qua tưởng đơn giản còn bắt tay vào làm thì chẳng dễ chút nào? Đầu tiên, ông đi lấy những cọng dừa (mà người dân thường dùng để bó chổi quét nhà) về chuốt sạch sẽ để làm giỏ. Mấy tháng trời làm đi làm lại nhưng chẳng giống cái giỏ, hàng đống cọng lá dừa phải chặt bỏ, vứt làm củi đốt…

Sau mỗi lần thất bại, ông lại nghiệm ra từng khâu, chỗ nào chưa đạt yêu cầu, chưa vừa ý để điều chỉnh. Cuối cùng, cái giỏ xách bằng cọng lá dừa cũng hoàn thành với cách thiết kế độc đáo, không giống các loại giỏ xách bằng tre, trúc, mây lá… Ông Trịnh Văn Y, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre hay được, đến xem và đánh giá cao sự sáng tạo của ông Ngân. Ông Y bảo “đây là tài sản trí tuệ của Bến Tre, phải giữ gìn và phát huy tối đa, tỉnh sẽ ủng hộ…”.

Đến 500 sản phẩm dừa các loại

Biến phế phẩm dừa thành... đô la ảnh 2

Sản phẩm mỹ nghệ làm từ phế phẩm dừa được khách nước ngoài rất ưa chuộng. Ảnh: LÃ ANH

Được lãnh đạo tỉnh “bật đèn xanh”, ông Ngân tập trung mọi nguồn lực để làm giỏ lá dừa và tìm thị trường tiêu thụ. Ban đầu, giỏ lá dừa được bán tại địa phương, rồi đưa vào các điểm du lịch… Sau khi khách nước ngoài phát hiện những cái giỏ dừa dễ thương, sắc sảo, giá rẻ (1 bộ 3 cái chỉ 18.000đ), họ mua về làm quà. Từ đó, “mối mang” trong và ngoài nước càng lúc nhiều lên. Năm 1994, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho giỏ xách cọng lá dừa của ông Ngân.

Để đáp ứng nhu cầu đặt hàng ngày càng tăng, ông Ngân mở lớp hướng dẫn đan giỏ xách bằng cọng lá dừa miễn phí, sau đó thu mua lại sản phẩm. Nhiều hộ nông nhàn ở Mỏ Cày, Châu Thành, Giồng Trôm… tìm đến học và được ông hướng dẫn tận tình những kỹ thuật làm giỏ. Ai lành nghề thì về địa phương tận dụng những cọng dừa phế phẩm để làm giỏ xách. Thế là ông Ngân đã hình thành một “chân rết” tận cơ sở để cung cấp sản phẩm cho mình khi cần thiết.

Theo ông Ngân, không chỉ khách châu Á, mà khách châu Âu, châu Mỹ cũng rất “mê” giỏ xách cọng lá dừa. Tuy nhiên, để cơ sở tồn tại và phát triển thì không thể sản xuất đơn độc một mặt hàng giỏ xách, mà cần làm thêm nhiều sản phẩm khác nhau. Ông Ngân nghiên cứu làm thêm chén dừa, bình, ly, tô, dĩa, đũa, muỗng những thứ dùng trong gia đình. Chưa chịu dừng lại, ông làm thêm xe kéo bằng dừa, con khỉ, đồng hồ…

Tổng cộng có hơn 500 sản phẩm khác nhau, tất cả đều làm bằng dừa phế phẩm như: gỗ dừa, gáo dừa, râu dừa, cọng lá dừa, giỏ dừa, xơ dừa, mo nang dừa… Bình quân mỗi năm ông làm khoảng 200.000 sản phẩm các loại, giá trị gần 3 tỷ đồng. Trong đó, 70% phục vụ xuất khẩu.

Không cần ISO, chỉ cần cái hồn sản phẩm?

Biến phế phẩm dừa thành... đô la ảnh 3

Khởi nghiệp từ giỏ xách cọng lá dừa, tới nay cơ sở Trường Ngân đã giải quyết trên 200 lao động, và được xem là nơi sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bằng dừa hàng đầu ở Bến Tre. Nhiều sản phẩm của ông đã được Nhật Bản tặng giải thưởng; được Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành tặng bằng khen… Ông Ngân tâm sự: “Sở dĩ thành công và được đánh giá cao như vậy là do ông tận dụng tốt những thứ phế phẩm từ dừa để biến thành hàng hóa xuất khẩu có giá trị”.

Đặc biệt, đa số sản phẩm được làm thủ công bằng tay, nhưng rất đẹp, độ bền cao. Do đó, các tổ chức, cá nhân khi đến xem thực tế họ không quan tâm về doanh số bao nhiêu mà thán phục sự sáng tạo của người nông dân biết biến thứ bỏ đi thành sản phẩm hái ra tiền.

Ông Ngân cho rằng, ngoài giỏ xách cọng lá dừa được chứng nhận độc quyền thì hàng trăm sản phẩm còn lại đang bán chạy ào ào nhưng ông chẳng xin cấp chứng nhận nào thêm(!?). Ông quan niệm, không cần ISO gì cả, bởi hàng thủ công mỹ nghệ thấy và làm thì dễ nhưng để đẹp, sắc sảo… mới khó. Người thợ phải biết thổi vào sản phẩm của mình “cái hồn”, việc này không thể dạy được? Thực tế ông đã từng hướng dẫn rất nhiều thợ nhưng cuối cùng bỏ nghề vì làm không có… hồn. “Khi sản phẩm thiếu “hồn” nó sẽ đơn điệu và khó được người tiêu dùng chấp nhận”- ông Ngân  nói.

Thấy ông làm mãi không xong, vợ con khuyên bỏ cuộc dành thời gian đi làm mướn còn kiếm được chén cơm, chớ “ôm” miết cái cọng lá dừa coi chừng đói rã ruột? Trong lúc khó khăn, ông nhớ lại những lời khuyên của anh em khi còn ở quân đội “chưa đi thì đi cho biết, biết rồi thì đi cho nhanh, lỡ đi lạc thì biết thêm đường mới…”. Ông áp dụng lời khuyên này với quyết tâm “làm khi nào thành công mới thôi”.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục