2/3 quỹ thời gian của năm 2015 đã qua đi. Tham khảo các số liệu của Tổng cục Thống kê, có thể ghi nhận được nền kinh tế nước ta đang có sự khởi sắc rất đáng phấn khởi.
Tính chung 8 tháng qua, cả nước có 61.305 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 376.400 tỷ đồng, tăng 29,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 15.243 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn, với tổng số vốn đăng ký tăng thêm 481.500 tỷ đồng. Có 873.300 lao động được tạo việc làm tại các doanh nghiệp thành lập mới, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2014. Về đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn đăng ký tăng thêm tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Đó là những con số biết nói, minh chứng đà chấn hưng kinh tế, kéo theo hiệu quả chăm lo đời sống nhân dân, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện an sinh xã hội.
Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2015, các thành viên Chính phủ đã thống nhất nhận định: Tình hình kinh tế - xã hội nước ta 8 tháng qua có chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát thấp, tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng tăng 9%, thu ngân sách nhà nước tăng 7% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng hơn 10%, cho thấy sức mua tiếp tục phục hồi...
Những kết quả phát triển kinh tế trong 8 tháng qua rất đáng trân trọng, vì đạt được trong bối cảnh có nhiều khó khăn thử thách do kinh tế thế giới có nhiều biến động, gây tác động bất lợi (giá dầu thô giảm ảnh hưởng đến thu ngân sách và cán cân thương mại; nhân dân tệ của Trung Quốc và các đồng tiền khác phá giá; các thị trường chứng khoán trên thế giới diễn biến bất thường; giá nông sản trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng giảm, làm cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta giảm...). Kết quả này tạo tiền đề thuận lợi để những tháng cuối năm, nếu không có gì đột biến, có khả năng hoàn thành được 14 chỉ tiêu năm 2015.
Với những kết quả đạt được trong 8 tháng qua, chúng ta vẫn không được chủ quan. Bởi thực tế vẫn còn những mặt yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa khắc phục được, như việc thực hiện tái cơ cấu còn chậm; việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vẫn còn hạn chế; việc sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều khó khăn... Nhiệm vụ của năm 2015 rất nặng nề. Đây là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; là năm giữa kỳ thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm. Kinh tế nước ta đang tiếp tục hội nhập sâu rộng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hơn (do Việt Nam thực hiện lộ trình cam kết AFTA, cơ bản xóa bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ ASEAN, mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết WTO). Chỉ còn 4 tháng để hoàn thành nhiều nhiệm vụ của năm 2015. Để thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cần dồn sức thực hiện các yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý: chủ động kiểm soát lạm phát; nhạy bén và đồng bộ trong các chính sách tài khóa, tiền tệ; giải ngân nguồn vốn, tăng tổng cầu và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; thu hút và huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; chống thất thu ngân sách...
Nhìn lại 8 tháng đầy nỗ lực, chúng ta chắt chiu những thành quả đã đạt được; đau đáu, day dứt vì những hạn chế khuyết điểm chưa được khắc phục có hiệu quả; đúc kết cho mình những bài học lớn. Phải bám sát tình hình, phản ứng chính xác, nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả; chủ động đưa ra những giải pháp chính sách nhằm hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực, khai thác tốt nhất các mặt thuận lợi. Phải làm sao biến thách thức thành cơ hội, nỗ lực đạt kết quả cao nhất.
HUỲNH THANH LUÂN