Con số 80% học sinh các cấp học ở TPHCM phải đi học thêm sau giờ chính khóa cho thấy nhu cầu này tiếp tục gia tăng và khó kiểm soát.
Thiếu công tâm
Bên cạnh những điểm dạy thêm được cấp phép, khó có thể thống kê trên địa bàn TPHCM có bao nhiêu điểm dạy thêm tự phát, không được cấp phép. Sau giờ học chính khóa, hàng trăm ngàn học sinh từ tiểu học đến THPT lại tất bật chạy sô đến các điểm dạy thêm mở khắp nơi - từ trung tâm ngoài giờ đến nhà thầy cô, những điểm thuê mặt bằng nhỏ lẻ ở các con hẻm gần trường học. Bức tranh học thêm ở TPHCM nhộn nhịp, muôn màu muôn vẻ nhưng ẩn chứa nhiều nỗi niềm của người học lẫn người dạy.
Chính vì thế, ngoài nhu cầu tự nguyện - tìm thầy giỏi để học thêm với nhiều mục đích khác nhau, việc “ngầm” lôi kéo, ép học thêm xảy ra ở một bộ phận giáo viên khiến dư luận, phụ huynh và học sinh cảm thấy nhức nhối, khó chấp nhận.
Gần đây, Báo SGGP nhận được phản ánh của một số phụ huynh có con học ở một trường THPT về việc con mình không đi học thêm chính giáo viên dạy bộ môn toán, lý… thì bị “đì” hoặc nhận điểm thấp khi làm bài dù kết quả đúng nhưng không theo phương pháp của thầy, cô. Chị V.H. có con học ở một trường THPT ở quận 3 bức xúc: “Con tôi không học môn lý của cô giáo L., nên thường bị chê học yếu và khi cho bài tập làm không được. Trong khi đó, các bạn trong lớp học thêm của cô thì được điểm cao, biết cách làm bài”.
Cũng theo phụ huynh này, học sinh lớp con chị đang học than phiền về thái độ dạy môn lý thiếu nhiệt tình của cô giáo và sự xem thường, phân biệt đối xử thiếu công bằng với học trò học khối D. Đến giờ học môn lý, cô thường chép công thức lên bảng rồi để trò “tự bơi” mà không chịu giảng giải cách làm, vì thế ai học thêm với cô thì làm được, còn lại chào thua. Kết quả điểm thi giữa học kỳ môn lý, hơn nửa lớp dưới trung bình, phải đi phụ đạo. Nhiều học sinh có tâm lý ngán ngẩm, sợ học cô giáo này.
Tương tự, một số phụ huynh có con học lớp 8 một trường THCS có tên tuổi ở quận trung tâm cũng phản ánh thầy dạy toán có định kiến với những học trò không học mình và cho điểm thấp dù kết quả đúng nhưng cách làm bài không theo “khuôn” của thầy. Hiểu ý thầy, nhiều trò đang học những thầy cô khác giỏi toán phải quay về học thầy và kết quả mỹ mãn, điểm cao vót.
Học thêm là nhu cầu chính đáng của nhiều phụ huynh và học sinh vì ở lớp, thầy cô giảng bài không hiểu hoặc hiểu chưa sâu. Các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục thừa nhận, không học thêm thì không thể đáp ứng yêu cầu thi cử như đánh đố hiện nay. Tuy nhiên, phần nhiều học sinh lẫn phụ huynh thích chọn thầy cô có tên tuổi, có uy tín tại trường hoặc trường khác để đạt được mục tiêu, đích đến. Vì thế, việc một số giáo viên dạy bộ môn ở THCS, THPT có biểu hiện ngầm - ép trò phải học mình và khi học được điểm cao hơn khi chưa học khiến cái nhìn “tôn sư trọng đạo” bị lu mờ.
Dù không nhiều nhưng hiện tượng thiếu công tâm, khách quan trong đánh giá học trò của một bộ phận nhỏ thầy cô sẽ gây tổn thương cho người học. Và “vết thương biến thành sẹo” này sẽ theo các em vào đời, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách, giá trị sống thực của một công dân trẻ.
Để hình ảnh người thầy không bị lu mờ
Trong khi nhiều tỉnh, TP đã ban hành quy định quản lý, chấn chỉnh hoạt động dạy thêm - học thêm theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT thì TPHCM còn cân nhắc, nghiên cứu cho phù hợp thực tế. Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, việc quản lý, chấn chỉnh dạy thêm để hạn chế những biểu hiện tiêu cực, trái với quy định, đạo đức nghề nghiệp là cần thiết.
Trước mắt, các hiệu trưởng phải nắm rõ giáo viên nào của mình dạy thêm hoặc bị phụ huynh phản ánh có tiêu cực để chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Vậy có bao nhiêu hiệu trưởng nắm rõ đội ngũ giáo viên của mình tham gia dạy thêm, dạy như thế nào và có hay không biểu hiện tiêu cực; trái lương tâm, đạo đức người thầy?
Dạy thêm không có tội và đây là nhu cầu chính đáng của xã hội, nhưng nếu thả nổi và để nó phát triển tràn lan thì rất nguy hại. Về phía trò, khi phụ thuộc vào học thêm, học trước chương trình… sẽ dẫn đến thui chột sự sáng tạo, niềm đam mê học tập, buông thầy ra là không biết tự học, thiếu tư duy độc lập. Về phía giáo viên, khi dành hết thời gian, sức lực cho việc mưu sinh - dạy thêm vào ban đêm lẫn giờ trống tiết ban ngày thì khi đến tiết dạy chính thức, họ không còn đủ sức lực, sự tinh thông để truyền lửa nghề, kiến thức cho trò. Như thế, trò nào đi học thêm thì hiểu bài và không học thêm thì… tự bơi.
Bàn về dự thảo qui định dạy thêm, học thêm được tổ chức nhiều lần tại TPHCM, nhiều hiệu trưởng cho rằng nên giao việc này cho họ vì hơn ai hết họ biết rõ thầy cô nào dạy thêm và dạy như thế nào. Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1 nêu quan điểm: “Khi nhà trường nhận được phản ánh về việc dạy thêm của giáo viên có vấn đề thì sẽ xử lý ngay, nếu họ không chấn chỉnh, sửa sai thì không cho đứng lớp nữa”.
Tương tự, ông Nguyễn Long Sơn, Hiệu trưởng Trường Trung học thực hành Sài Gòn (quận 5, thuộc Đại học Sài Gòn) cũng không đồng tình với việc “ép” học thêm và phản đối việc giáo viên thiếu khách quan trong việc đánh giá học trò hoặc bắt trò phải làm bài theo đúng phương pháp của mình thì mới được điểm cao. Ông cũng cho biết, sắp tới, nếu nhà trường tổ chức dạy thêm thì cho học trò chọn thầy mình yêu thích để học. Tất nhiên, để nhà trường chấn chỉnh tiêu cực trong dạy thêm thì phụ huynh, học sinh phải phản ánh để họ xử lý. Đó là lời nhắn nhủ của nhiều hiệu trưởng.
KHÁNH BÌNH