SEA Games 27 được dự báo là kỳ đại hội khó khăn nhất của đoàn thể thao Việt Nam. Ngoài chuyện hàng chục nội dung ở nhiều môn thế mạnh bị gạt ra khỏi chương trình thi đấu, còn là những lo ngại về điều kiện thi đấu, năng lực tổ chức của nước chủ nhà và quan trọng hơn, đó là vấn đề trọng tài.
Những lo lắng ấy không thừa bởi trong vai trò chủ nhà, đoàn thể thao Myanmar đang nhắm đến thứ hạng 3 hoặc 4 toàn đoàn trong bảng tổng sắp huy chương, tức là có khả năng cạnh tranh trực tiếp với đoàn thể thao Việt Nam. Bao giờ cũng vậy, khi đã bị chủ nhà “chọn” làm đối thủ trực tiếp, kiểu gì thì đoàn Việt Nam cũng sẽ gặp sự thiên vị của trọng tài, nhất là ở những môn vẫn hay tranh chấp với Myanmar ở các kỳ SEA Games gần đây như bóng đá, cầu mây, thể hình, cử tạ…
Nhưng cũng công bằng mà nói, lợi thế của nước chủ nhà SEA Games là “thông lệ” mang tính đặc thù của làng thể thao Đông Nam Á, không phải chỉ có Myanmar. Năm 2003, Việt Nam từng đoạt ngôi đầu ngay lần đầu tiên đăng cai SEA Games, 2 năm sau đó, đến lượt Philippines cũng “vượt vũ môn” lên hàng thứ nhất nhờ lợi thế đặc biệt ấy.
Vì thế, giới quan sát cho rằng, đây không phải là lúc để lo lắng sức ép từ nước chủ nhà mà quan trọng hơn, phải chuẩn bị một tâm lý sẽ bị “ép” mà từ đó có sự chuẩn bị về tư tưởng mạnh mẽ hơn để bảo đảm mục tiêu hạng 3 toàn đoàn đã đặt ra.
Nói như vậy bởi nếu trong quá trình thi đấu, mang cảm giác sẽ bị thiên vị, kiểu gì cũng sẽ phải thua VĐV chủ nhà, thì không còn động lực cao nhất, xem như “chưa đánh đã thua”, nên lại càng dễ thất bại. Điều đáng nói là chưa chắc đoàn chủ nhà đã sử dụng lợi thế đó để chiến thắng. Còn nhớ tại SEA Games 2007, trong trận chung kết nội dung thể dục nhịp điệu, sau khi thấy trọng tài xướng tên đội Thái Lan đoạt HCV, cả đội Việt Nam thay nhau khóc lóc rồi phê phán trọng tài khi cho rằng mình bị xử ép. Trên thực tế, các trọng tài quyết định 2 đội cùng điểm và cùng đoạt HCV. Nếu cứ vào sân thi đấu bằng tâm trạng ấy thì tự mình đã gây bất lợi cho mình chứ chưa cần đến những bất lợi từ trọng tài, khán giả chủ nhà.
Vì lẽ đó, khi đã xác định những khó khăn, đoàn thể thao Việt Nam lại cần chú trọng công tác tư tưởng cho VĐV. Giúp họ nhận thức kỹ những trở ngại là một chuyện, nhưng quan trọng hơn là phải phát huy tinh thần “chiến thắng chính mình” cao hơn thay vì những ám ảnh huy chương và thứ hạng sau cùng. Càng nói nhiều về số lượng huy chương phải đạt được và nỗi lo về đoàn chủ nhà, càng vô tình gây thêm áp lực cho các VĐV. Cũng cần phải nhớ, SEA Games 27 là đợt tổng duyệt quan trọng cho Asiad 2014, đấy mới là đích đến của thể thao Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho lần đăng cai Asiad 2019 trên sân nhà.
Thể thao Việt Nam đã hội nhập quốc tế đủ lâu, cũng liên tục duy trì thứ hạng tốp 3 toàn đoàn tại SEA Games suốt 5 kỳ đại hội gần nhất, đã đến lúc quên đi những trở ngại khách quan, tập trung cho việc chiến thắng chính mình để còn nâng cao thành tích ở đẳng cấp cao hơn, thay vì loay hoay tìm cách bảo vệ thành tích của mình trong sân chơi SEA Games.
VIỆT QUANG