Ngày 18-5 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra lệnh bắt tạm giam và tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Chí Dũng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Kết cục này thực ra không có gì bất ngờ. Trước đó, dư luận đã từng choáng váng vì kết quả kinh doanh tồi tệ của Vinalines với bản kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố gần đây. Theo đó, năm 2009, Vinalines lỗ 412,325 tỷ đồng; năm 2010 lỗ 1.273,892 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cho biết, 5/27 tàu đóng mới và 34/73 tàu đã qua sử dụng được mua về đều rơi vào cảnh khai thác lỗ, có tàu lỗ nhiều, Vinalines buộc phải bán. Điều lạ lùng ở chỗ Vinalines mua về tới 17 tàu trên 15 tuổi - không đủ điều kiện đăng ký tại Việt Nam. Cao tuổi nhất là tàu Lively Falcon hơn 30 tuổi! Tàu già cỗi, năng lực khai thác kém, cộng với việc một số tàu của Vinalines còn liên tục bị giữ, bị phạt làm phát sinh chi phí rất lớn từ các khoản kiện tụng, hủy hợp đồng...
Bên cạnh việc đầu tư đội tàu già nua đến khó hiểu đó, trong giai đoạn 2007 - 2010, Vinalines còn quyết định đầu tư 14 dự án xây dựng và hầu hết đều xảy ra vi phạm, thua lỗ. Nhìn chung, trong giai đoạn 2005 - 2010, chỉ riêng công ty mẹ Vinalines đã phải chịu lỗ 935 tỷ đồng.
Vụ việc ở Vinalines đã quệt thêm nhiều mảng màu sẫm vào bức tranh vốn đã không sáng sủa của ngành kinh tế biển sau mảng tối khổng lồ Vinashin. Nhưng cũng không chỉ có Vinalines. Theo thông tin vừa được Bộ GTVT gửi đến Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, hàng loạt công ty thuộc ngành vận tải biển đã công bố báo cáo tài chính quý 1-2012 đều có kết quả kinh doanh đáng thất vọng. Sau một thời kỳ tăng trưởng đột biến trong năm 2011 nhờ các đơn hàng theo chỉ đạo, giá trị sản xuất ba tháng đầu năm của Vinashin lại chỉ đạt 960 tỷ đồng, bằng 10,4% kế hoạch năm và giảm 72,3% so với cùng kỳ 2011. Doanh thu của tập đoàn này đạt 282 tỷ đồng, giảm tới 81,5% so với ba tháng đầu năm 2011… Thực tế này không khỏi khiến người ta đặt câu hỏi về sự bền vững của ngôi nhà kinh tế biển khi mà nó được đặt trên những “trụ cột” ọp ẹp như vậy?!
Nhìn rộng ra, thực sự đã đến lúc vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước (kèm theo đó là những ưu ái không thể so sánh) cần được phân tích, đánh giá một cách công bằng. TS Vũ Thành Tự Anh từng đưa ra nhận xét, về nhiều phương diện, từ đầu tư, tín dụng, cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp nhà nước đều chiếm thế thượng phong. Đấy là chưa kể đến một thực tế hiển nhiên là khu vực doanh nghiệp Nhà nước được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi so với các khu vực còn lại. Các doanh nghiệp nhà nước cũng được ưu tiên tiếp cận tín dụng (trong nhiều trường hợp thông qua tín dụng chỉ định) và ngoại tệ khan hiếm với giá thấp hơn giá thị trường. Trong khi đó, những thành quả đạt được còn xa mới xứng đáng với những điều kiện thuận lợi họ được hưởng.
Đáng mừng là Chính phủ đã thấy rõ điều này. Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó, trọng tâm của trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã nhấn mạnh yêu cầu “áp đặt đầy đủ kỷ cương nhà nước và kỷ luật thị trường buộc các doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp khác”. Vấn đề còn lại là thực thi nghiêm túc nguyên tắc này. Nếu không làm được, e rằng Việt Nam khó có thể thực hiện thành công “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” mà Hội nghị Trung ương 4 khóa X đã thông qua.
ANH THƯ