Bình dị tỏa sáng

Bình dị tỏa sáng

“Họ bình dị nhưng tỏa sáng bởi những việc làm rất đời thường, thiết thực và sáng tạo… Bằng cả trái tim, việc làm của họ đã góp phần tô đẹp cho cuộc sống, cho xã hội”, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã nói một cách xúc động về những điển hình giao lưu tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2010.

Giao lưu với các điển hình tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2010. Ảnh: Việt Dũng

Giao lưu với các điển hình tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2010. Ảnh: Việt Dũng

1. Người phụ nữ có gương mặt phúc hậu Nguyễn Thị Phương (Phó ban điều hành, Trưởng ban Mặt trận khu phố 4, phường 10, quận 3) đã mang đến đại biểu dự hội nghị lòng khâm phục bởi hành động nhân ái, dũng cảm của bà. Ở tuổi 69, bà đã tập hợp 109 đối tượng đi cai nghiện.

Bà cho biết: “Những năm 2000, tại khu vực ga Sài Gòn, tệ nạn ma túy hoành hành dữ dội. Nhiều thanh thiếu niên bị lôi kéo vào con đường chích choác, nghiện ngập phải bỏ học, trong khi đó, 70% cư dân là lao động phổ thông, buôn bán nhỏ nên cái nghèo cứ mãi đeo bám. Là một người mẹ, một người bà, mỗi ngày chứng kiến cảnh ấy, lòng bà lại xót xa”.

Không thể khoanh tay đứng nhìn, bà gặp Chủ tịch UBMTTQ phường đề xuất được tiếp cận, vận động đối tượng đi cai nghiện. Để có được kinh phí cho công việc này, bà vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nhận chăm sóc bệnh nhân để nhận tiền công mỗi ngày từ 50.000 - 70.000 đồng. Bà lo cho các em từ thủ tục, hồ sơ đến việc đưa các em đến tận nơi cai nghiện.

Bà nhớ lại: “Những ngày đầu tiếp cận đối tượng nghiện khó khăn lắm. Đối tượng ở sâu trong các con hẻm, xăm mình, nói năng cộc cằn tục tĩu, không chịu tiếp cận nhưng bà vẫn kiên trì cho đến khi đối tượng nghiện hiểu được tấm lòng…”. Nhớ có lần khi lên cơn, đối tượng nghiện đã đánh gãy 2 cái răng, đẩy bà té gãy tay. Đau lắm, nhưng bà không bỏ họ ngày nào. Tuổi già của bà mới được ngơi nghỉ khi khu phố vắng bóng ma túy.

2. Với ông David Trung Dương, Tổng Giám đốc Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam, lại là một câu chuyện khác. Gia đình ông định cư ở Mỹ từ năm 1979 và kiếm sống bằng nghề thu gom phế liệu. Sau đó, từ nỗ lực của bản thân, ông lập Công ty Xử lý chất thải rắn.

“Khi đã thành công trong lĩnh vực này, cha mẹ tôi tâm tư: Ở Mỹ, mình còn góp phần bảo vệ môi trường sống, sức khỏe cho người dân, tại sao mình không làm công việc này ngay trên quê hương của mình?”, ông Dương thổ lộ. Ông bắt đầu trở về nước tìm hiểu đầu tư… Chứng kiến môi trường sống của người dân còn nhiều khó khăn, việc xử lý rác có nơi có chỗ chưa tập trung, công nghệ xử lý chưa hiện đại càng khiến ông nung nấu thực hiện mơ ước của cha mẹ.

Dự án xử lý chất thải tại Đa Phước, huyện Bình Chánh đã đi vào hoạt động năm 2007, đến nay mỗi ngày nơi đây tiếp nhận và xử lý 3.000 tấn rác thải sinh hoạt của TP và 20 tấn rác thải của huyện Cần Giuộc (Long An) bằng công nghệ hiện đại.

3. Ở tuổi 50, ông Phạm Việt Quốc Khánh, Trưởng ban Bảo vệ khu phố 5, phường 15, quận Gò Vấp kể về những cuộc chạm trán với tội phạm ma túy bằng khí phách như… thanh niên. Năm 1985, ông xuất ngũ, chọn nghề đạp xích lô để mưu sinh. Mỗi ngày, thấy bọn tội phạm lộng hành, ông lại bức xúc. Vì vậy ông quyết định gia nhập lực lượng dân phòng vào năm 2004 với mong muốn góp sức đem lại sự bình an cho địa phương. Hầu hết các vụ truy bắt đối tượng buôn bán trái phép chất ma túy tại địa phương đều có sự tham gia của ông.

Chỉ trong năm 2009, ông trực tiếp tham gia cùng công an phường bắt 36 vụ, 40 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy… Dù bị đối tượng trả thù, xả mã tấu vào lưng, đập cây gỗ có đóng đinh tét đầu, đổ máu nhưng “người anh hùng thời bình” này vẫn không ngán ngại.

4. Khi lạm phát, biến động giá cả đang là vấn đề “nóng” thì câu chuyện về nữ chủ nhà trọ thân thiện Lê Thị Thanh Hoa (ngụ tại 37/3, đường số 9, khu phố 5, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) càng trở nên thời sự. Thấu hiểu được đời sống của người công nhân xa nhà vô cùng khó khăn, vất vả nên người chủ nhà trọ có 32 phòng với trên 120 người ở trọ (đa số là nữ thanh niên làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung) chỉ lấy giá cho thuê từ 350.000 - 400.000 đồng/phòng/tháng.

Nhiều năm liền, chị không những không tăng giá phòng mà còn xin định mức ngành điện cho công nhân để được sử dụng điện giá rẻ. Biết công nhân xa nhà thiếu thốn tình cảm nên chị quan tâm, xem khách trọ như người thân của mình. Song song đó, chị luôn tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm công nhân nữ để tư vấn cho họ những vấn đề về cuộc sống, hôn nhân, gia đình…

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục