Bình gas mini - Hạn dùng một lần, sử dụng trăm lần!

Hậu quả khôn lường
Bình gas mini - Hạn dùng một lần, sử dụng trăm lần!

“Chỉ được sử dụng một lần” – đó là khuyến cáo của các nhà sản xuất ghi trên vỏ bình gas mini loại 220g (sử dụng cho bếp gas du lịch). Nhưng trên thực tế, hầu hết các bình gas mini này đều được tái sử dụng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần bằng hình thức sang nạp trái phép. Điều đáng nói là không chỉ người lao động nghèo, sinh viên, công nhân ở trong các nhà trọ mà một số nhà hàng, quán ăn bình dân trên địa bàn TPHCM cũng sử dụng loại bình này để đun nấu, bất chấp nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.

Một đối tượng sang nạp gas trái phép bị bắt giữ. Ảnh: ĐƯỜNG LOAN

Một đối tượng sang nạp gas trái phép bị bắt giữ. Ảnh: ĐƯỜNG LOAN

Hậu quả khôn lường

Điển hình như vụ nổ bình gas mini hồi đầu năm 2009. Anh Nguyễn Quang Ngọc, chủ quán thịt chó “OK” (phường Tân Phú, quận 9), đã sang chiết gas từ bình 13kg sang bình mini để sử dụng cho việc… thui chó. Trong lúc đang sang nạp, dây dẫn gas bị hở, anh Ngọc tháo dây để sửa nhưng lại quên khóa van, gas từ bình thoát ra ngoài, gặp lửa từ bếp than gần đó phát nổ, anh Ngọc và con trai 5 tuổi bị phỏng nặng.

Trước đó, tại quán cơm bình dân trên đường Nguyễn Du, quận 1 cũng xảy ra cháy nổ vì sử dụng bình gas mini cũ. Trong lúc các nhân viên đang nấu ăn bằng bếp gas mini thì bất ngờ bình gas phát nổ, ngọn lửa bùng phát nhanh khiến 4 bình gas mini gần đó nổ liên tiếp, làm 2 nhân viên của quán bị phỏng nặng.

Qua điều tra, công an bắt giữ Nguyễn Văn Thường, đối tượng chuyên bán sỉ bình gas mini cũ cho các nhà hàng, quán ăn. Kiểm tra nơi ở của Thường, công an phát hiện hơn 400 bình gas mini cũ không rõ nguồn gốc, hầu hết vỏ bình đã bị hoen gỉ, cũ kỹ (Thường mua lại của những người bán ve chai). Thường khai nhận, mỗi ngày đã sang nạp hơn 200 bình gas mini rồi bán lại cho các quán ăn với giá 3.500 đồng/bình.

Tính đến nay, trên địa bàn TPHCM xảy ra 43 vụ cháy nổ khí gas làm 42 người bị thương. Các nguyên nhân dẫn đến cháy nổ chủ yếu là do sang chiết gas trái phép, bất cẩn trong đun nấu, sử dụng bình gas không rõ nguồn gốc hoặc tái sử dụng bình gas mini…

Thượng tá Vũ Văn Bổn, Phó Trưởng phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy (Sở Cảnh sát PCCC TPHCM), cho biết: “Các bình gas mini không có van an toàn, nên dễ bị xì ga, gây cháy nổ. Nhất là các loại bình không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đã qua sử dụng hàng trăm lần thì nguy cơ cháy nổ càng cao. Trong khi đó, các đại lý gas cũng không chấp hành nghiêm quy định hướng dẫn khách hàng sử dụng bếp gas, bình gas đúng cách và xử lý gas bị rò rỉ. Hơn nữa, một bình gas mini mới có giá khoảng 15.000 đồng trong khi giá một bình cũ chỉ bằng 1/3. Do vậy, dù biết sử dụng bình gas cũ là rất nguy hiểm nhưng vì ham rẻ nên nhiều người vẫn bất chấp”.

Xử lý sai phạm: Khó

Thời gian qua, Sở Cảnh sát PCCC TPHCM đã xử lý hàng trăm vụ kinh doanh, sang nạp gas trái phép tuy nhiên số vụ việc bị bắt quả tang chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với thực tế. Bởi, hiện nay, gas lậu, gas giả, kém chất lượng vẫn trà trộn vào thị trường, nhất là trong các khu chợ “chồm hổm”, khu dân cư tập trung nhiều người lao động nghèo. Khảo sát một số trên các tuyến đường như: Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), Trần Hưng Đạo (quận 1), Phạm Thế Hiển (quận 8)… cho thấy, rất nhiều hộ gia đình vẫn lén lút kinh doanh bình gas mini cũ. Lực lượng chức năng đã nhiều lần phát hiện, tịch thu tang vật nhưng sau đó họ lại đem ra bày bán công khai ngoài đường.

“Các xưởng sang nạp gas trái phép thường hoạt động lén lút với nhiều thủ đoạn tinh vi hòng qua mặt cơ quan chức năng. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát PCCC lại không có thẩm quyền khám xét, tạm giữ, tịch thu tang vật, xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy khi phát hiện cơ sở kinh doanh gas không rõ nguồn gốc, chúng tôi chỉ có thể thông báo cho công an phường hoặc UBND phường xử lý. Lực lượng kiểm tra mỏng, thẩm quyền bị hạn chế, biện pháp xử phạt chưa đủ răn đe nên việc xử lý các cơ sở sai phạm gặp rất nhiều khó khăn”, một cán bộ điều tra của Sở Cảnh sát PCCC cho biết.

Theo quy định, trước khi tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh mặt hàng dễ cháy, nổ, lực lượng cảnh sát PCCC phải gửi thông báo bằng văn bản cho đơn vị đó trước 3 ngày. Do vậy, nhiều cơ sở đã tranh thủ “xóa” vết tích trước khi lực lượng chức năng đến kiểm tra. Hơn nữa, hậu quả các vụ cháy nổ gây tổn hại từ 1 đến 2 người, tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên, các cơ quan chức năng mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do vậy, hầu hết các vụ sang nạp gas trái phép chỉ bị xử phạt hành chính chứ chưa có đối tượng nào bị truy tố. Trong khi đó, số tiền xử phạt lại quá thấp (so với lợi nhuận thu được) nên các đối tượng này chấp nhận nộp phạt để rồi tiếp tục tái phạm.

Hoàng Hoa

Tin cùng chuyên mục