Bình ổn giá, thiết thực an sinh

Còn hơn 1 tháng nữa thị trường sẽ bước vào đợt cao điểm mua sắm, chuẩn bị đón Tết Quý Tỵ 2013. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được UBND TPHCM đặt ra tại thời điểm này chính là bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, góp phần đảm bảo an sinh và ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

Còn hơn 1 tháng nữa thị trường sẽ bước vào đợt cao điểm mua sắm, chuẩn bị đón Tết Quý Tỵ 2013. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được UBND TPHCM đặt ra tại thời điểm này chính là bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, góp phần đảm bảo an sinh và ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

Để thực hiện được mục tiêu này, ngay từ quý 3-2012, cả TP đã bước vào cuộc. Các sở, ngành đã thành lập các tổ kiểm tra công tác thực hiện các chương trình bình ổn thị trường đối với 9 nhóm hàng lương thực, thực phẩm bình ổn (gồm gạo - nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản). Ngoài việc kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện kế hoạch chuẩn bị hàng hóa tết của các doanh nghiệp (DN) trong chương trình, các tổ này còn chia nhau đến tận các tỉnh, thành đã ký kết hợp tác thương mại về cung ứng hàng hóa và phát triển hệ thống phân phối.

Trên thực tế, hiện nay TP mới chỉ chủ động được khoảng 15% - 30% tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm tiêu thụ hàng ngày, số còn lại được cung ứng từ các tỉnh, thành. Vậy nên, nếu chỉ trông chờ vào các bản hợp tác trên giấy, báo cáo miệng của các DN, không đi tận nơi để nắm bắt kịp thời khả năng cung ứng của các đối tác, TP sẽ không chủ động được công tác điều tiết hàng hóa.

Với các DN trong chương trình bình ổn, tại thời điểm này nhiệm vụ của họ cũng tăng lên gấp đôi so với trước. Ngoài việc đưa hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, các DN còn ứng vốn, đầu tư với các đối tác để tạo “chân hàng” tết và nguồn dự trữ nhằm chủ động điều phối thị trường. Bất luận trong hoàn cảnh nào, hàng hóa của các DN phải đưa ra thị trường đúng tiến độ, đủ số lượng, chất lượng được giao. Thị trường tết cũng là thời điểm để các DN bình ổn thể hiện bản lĩnh của mình, thông qua các vấn đề nêu trên.

Chương trình bình ổn thị trường năm nay đã nhận được sự tham gia tích cực từ nhiều DN. Trong số đó có rất nhiều DN tình nguyện không nhận vốn vay, nhưng vẫn thực hiện đúng các yêu cầu cam kết của TP. Theo tính toán của Sở Công thương, với tổng vốn cho vay (lãi suất 0%) đối với 4 chương trình bình ổn (gồm bình ổn hàng lương thực, thực phẩm; bình ổn các mặt hàng phục vụ mùa khai trường; bình ổn mặt hàng sữa và bình ổn tân dược) chỉ dừng ở mức 263 tỷ đồng, nhưng đến nay tổng vốn của các DN tham gia 1 chương trình lương thực thực phẩm, chuẩn bị Tết Quý Tỵ đã đạt 6.681,8 tỷ đồng, tăng 1.288,9 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Theo quan điểm của TP, nếu chúng ta làm ra sản phẩm mà không có mạng lưới phân phối, đưa đến tận tay người tiêu dùng, sẽ không đạt được hiệu quả cao. Vì vậy, cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, năm nay TPHCM cũng đặc biệt chú trọng đến việc phát triển mạng lưới phân phối, đặc biệt là tại khu vực ngoại thành, các KCN-KCX. Trong năm 2012, đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát triển rộng khắp các điểm bán hàng bình ổn. Hệ thống phân phối đã phủ khắp 24 quận - huyện, với hơn 5.000 điểm bán, trong đó riêng chương trình lương thực - thực phẩm đã có hơn 2.700 điểm. Các đơn vị chủ lực của TP đã liên kết với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP, Thành đoàn TP, tổ chức gần 50 điểm bán, phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, công nhân lao động tại các KCX-KCN. Hàng bình ổn đang từng bước đi vào các bếp ăn tập thể, các căn tin tại bệnh viện và các trường học.

Với số vốn hỗ trợ ban đầu ít ỏi, chương trình đã được xã hội hóa ngày càng mạnh mẽ. Các ngân hàng cũng tham gia, cho DN vay với lãi suất ưu đãi để tích trữ hàng hóa. Sự vào cuộc của nhiều thành phần DN, tổ chức chính trị, xã hội đã xóa tan nhiều ý kiến nghi ngờ về hiệu quả từ chương trình. Nói như Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, chúng ta không thể kiềm chế giá bằng mệnh lệnh suông và càng không nên thả nổi theo giá thế giới. Cũng không thể bắt DN phải gồng mình chịu lỗ để giảm giá bán. Điều quan trọng nhất, không để thị trường thiếu hụt hàng hóa, trong khi chúng ta cứ hô hào phải giảm giá bán! Cách làm này không khả thi!

Trong tình hình hiện nay, nhà nước phải là “người dẫn đường” để cùng DN thực hiện bình ổn giá. Để làm được, TPHCM vừa dùng biện pháp giám sát, vừa làm việc trực tiếp với các DN, thông qua các công cụ nhằm đảm bảo, chia sẻ quyền lợi giữa 3 bên: nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng. Chương trình bình ổn giá đã trở thành công cụ hữu ích để TPHCM điều phối hàng hóa, bình ổn giá cả, ổn định dân sinh, đặc biệt là vào cao điểm tết.

H.HÀ

Tin cùng chuyên mục