Bịt kẽ hở thông đồng đấu giá

ANH THƯ

Bên cạnh những vấn đề liên quan đến đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên; Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản…, câu chuyện “quân xanh quân đỏ” cũng thu hút mối quan tâm của công luận khi bàn tới dự án Luật Đấu giá tài sản (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2 tới đây). Cần nói thêm rằng dự án luật này đã từng được Quốc hội khóa XIII cho ý kiến, nhưng chưa thông qua, mà để lại cho Quốc hội khóa XIV tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và xem xét ban hành.

Tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 9 vừa qua về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật đã quy định chặt chẽ hơn trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, tách bạch những vấn đề liên quan đến quá trình trước và sau khi tổ chức cuộc đấu giá như niêm yết việc đấu giá tài sản, thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, xử lý tiền đặt trước và chuyển quyền sở hữu tài sản… Đặc biệt, Điều 70 của dự thảo (hủy kết quả đấu giá tài sản) đã quy định hủy kết quả đấu giá tài sản theo quyết định của người có thẩm quyền; xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp đấu giá tài sản thuộc sở hữu Nhà nước khi có căn cứ về hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức đấu giá…

Liệu với sự bổ sung, điều chỉnh ấy, Luật Đấu giá tài sản đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén xử lý tình trạng “quân xanh quân đỏ”, vốn phổ biến tới mức khiến cho tài sản nhà nước bị thất thoát hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm - theo nhận định của một vị đại biểu Quốc hội ngay tại hội trường kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII? Câu trả lời của nhiều chuyên gia kinh tế, pháp luật, doanh nhân… là chưa.

Nhấn mạnh đến các dạng tiêu cực tinh vi trong hoạt động bán đấu giá (tiêu cực giữa người có tài sản và người tổ chức bán đấu giá; giữa đấu giá viên và người mua tài sản…), ông Đinh Đăng Dung, Giám đốc Chi nhánh Công ty hợp danh và bán đấu giá tài sản Phương Nam cho rằng cần phải có quy định rõ ràng về cung cấp thông tin đấu giá, cả về nội dung thông tin lẫn cách thức và thời hạn công bố thông tin để nhiều người mua có thể tiếp cận. Thông tin càng được công khai sớm và đầy đủ thì tiêu cực càng được hạn chế. Đã từng có đơn vị chỉ đăng thông tin bán hồ sơ đấu giá trong… vài giờ trước khi hết hạn; không đưa tên người có tài sản bán đấu giá cũng như địa chỉ liên lạc. Cùng với đó phải có chế tài xử lý nghiêm minh với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Không chỉ là chuyện “đặc quyền thông tin” được dành cho ai đó, nhiều hành vi vi phạm khác (như gian lận, thông đồng “dìm giá”) được liệt kê trong dự thảo, nhưng vẫn không rõ nếu vi phạm thì biện pháp xử lý như thế nào. Việc hầu hết hoạt động đấu giá vẫn nằm trong tay các trung tâm đấu giá mà hoạt động vẫn mang tính quan liêu, hành chính cũng là một hạn chế khác. Tuy đã có lộ trình chuyển đổi các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản sang mô hình doanh nghiệp và thị trường bán đấu giá tài sản đã được khởi động từ năm 2010, nhưng tính đến đầu năm 2015, các tổ chức đấu giá tài sản mới ký được 23.059 hợp đồng bán đấu giá, bán được hơn 41.959 tỷ đồng, tăng chưa đến 8% so với giá khởi điểm, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 20% - 50% của các nước phát triển.

Cả nước mới có khoảng 200 doanh nghiệp đấu giá tài sản, với hơn 400 đấu giá viên. Đó là chưa kể chất lượng đấu giá viên. Theo kinh nghiệm quốc tế, người thực hiện nghiệp vụ bổ trợ tư pháp này cần phải có phẩm chất đạo đức, phải tuyên thệ trước tòa về sự trung thực trong tác nghiệp. Dự thảo luật đã liệt kê khá rõ những hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, nhưng lại không nêu rõ, nếu đấu giá viên vi phạm thì chế tài xử lý ra sao… Hy vọng những kẽ hở còn tồn tại này trong dự thảo luật sớm được “lấp” đầy trước khi được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục