Bộ đội biên phòng thành con em bà con

"Hôm nay, bố rất vui mừng vì có thêm thằng Thắng. Kể từ nay, Thắng chính thức trở thành đứa con của gia đình. Đây là mong muốn của bố từ rất lâu rồi...”. Tay run run nâng chén rượu đưa cho Thắng, giọng ông A Ban (82 tuổi) rưng rưng nói với mọi người. Được chứng kiến buổi lễ kết nghĩa “bố, con” của thượng úy Phạm Huy Thắng với gia đình ông A Ban và bà Y Xin (82 tuổi), dân tộc Xê Đăng, trú tại thôn Giang Lố 2, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), ai cũng thấy được niềm vui của họ khi gia đình có thêm một thành viên mới...

"Hôm nay, bố rất vui mừng vì có thêm thằng Thắng. Kể từ nay, Thắng chính thức trở thành đứa con của gia đình. Đây là mong muốn của bố từ rất lâu rồi...”. Tay run run nâng chén rượu đưa cho Thắng, giọng ông A Ban (82 tuổi) rưng rưng nói với mọi người. Được chứng kiến buổi lễ kết nghĩa “bố, con” của thượng úy Phạm Huy Thắng với gia đình ông A Ban và bà Y Xin (82 tuổi), dân tộc Xê Đăng, trú tại thôn Giang Lố 2, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), ai cũng thấy được niềm vui của họ khi gia đình có thêm một thành viên mới...

Trao đổi về chương trình kết nghĩa giữa cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Sa Loong với hộ gia đình nghèo trên địa bàn, thiếu tá Nguyễn Văn Ngự, chính trị viên Đồn biên phòng Sa Loong cho biết: Bắt đầu từ tháng 12-2011, Đồn biên phòng Sa Loong triển khai cán bộ chiến sĩ đội vận động quần chúng kết nghĩa với hộ nghèo. Đến nay, 4 cán bộ của đồn đã kết nghĩa với các gia đình nghèo ở xã Sa Loong.

Ngoài Phạm Huy Thắng còn có các quân nhân khác gồm: thiếu úy Dương Văn Lương, nhân viên trinh sát kết nghĩa với gia đình ông A Non (thôn Giang Lố 2); thiếu úy Bùi Hoài Vũ, nhân viên vận động quần chúng kết nghĩa với gia đình anh A Deo (thôn Giang Lố 1); trung úy A Lợi, Đội trưởng Trinh sát, kết nghĩa với anh A Tư (thôn Giang Lố 1). Theo kế hoạch, 4 cán bộ chiến sĩ của đội vận động quần chúng sẽ tiếp tục tổ chức lễ kết nghĩa với các hộ nghèo trên địa bàn trong tháng 3-2012.

Theo chân thiếu úy Bùi Hoài Vũ, chúng tôi ghé thăm gia đình vợ chồng A Deo - Y Hiết tại thôn Giang Lố 1. Nhìn cuộc sống của gia đình A Deo, được nghe Vũ và Y Hiết kể về hoàn cảnh của gia đình, mọi người trong đoàn đều xúc động. Y Hiết cho biết: Bắt chồng năm 1992, 5 đứa con lần lượt chào đời; đứa nhỏ nhất năm nay vừa tròn 4 tuổi. Hiện tại, gia đình có 2ha mì (sắn), mỗi năm thu hoạch được hơn chục triệu đồng; cộng thêm 2 sào lúa rẫy, mỗi năm chỉ thu được gần chục bao, trong khi gia đình 7 miệng ăn, mỗi năm thiếu đói từ 3 - 4 tháng.

Nói về sự giúp đỡ của Vũ đối với gia đình mình, Y Hiết bày tỏ: Từ ngày kết nghĩa anh em với vợ chồng mình, Vũ giúp đỡ gia đình rất nhiều. Vũ hướng dẫn mình áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; giúp gia đình làm đất và hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại rau; dạy mấy đứa con mình học tập. Thường xuyên đến thăm hỏi gia đình, khi các cháu thiếu sách vở, bút chì học tập mà mình chưa có tiền mua, Vũ đã bỏ tiền ra mua cho mấy đứa...

Trung tá Nguyễn Minh Chính, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Biên phòng Kon Tum cho biết từ việc kết nghĩa, cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng Kon Tum có điều kiện hơn để gần dân, giúp đỡ dân trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và bám nắm địa bàn. Đến nay, đây là mô hình hiệu quả thiết thực nhất của Bộ đội biên phòng Kon Tum.

Thiếu úy Bùi Hoài Vũ cũng xúc động nhớ lại: Năm 2009, Vũ được điều động từ Đồn biên phòng Đàm Thủy (Cao Bằng) vào Đồn biên phòng Sa Loong công tác. Những ngày đầu, anh chưa biết gì về phong tục tập quán của đồng bào Xê Đăng nên gặp rất nhiều khó khăn và bỡ ngỡ mỗi lần xuống địa bàn. Nhờ A Deo tận tình chỉ bảo, hướng dẫn nên Vũ đã vượt qua. Chỉ hơn một tháng sau, tình cảm giữa Vũ và gia đình A Deo trở nên thân thiết như ruột thịt. Ý nghĩ trở thành anh em kết nghĩa được nhen nhóm từ đây.

Khi được Bộ Chỉ huy biên phòng Kon Tum và Đồn biên phòng Sa Loong cho phép, Vũ đã báo cáo chỉ huy và già làng, trưởng thôn tổ chức lễ kết nghĩa hai bên. Kể từ ngày 10-10-2011 đến nay, các con của A Deo gọi Vũ bằng chú; riêng vợ chồng A Deo và Y Hiết coi Vũ như em ruột trong nhà...

Trần Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục