“Bộ đội Thu Hà”

Trong không khí hối hả của những ngày giáp Tết Nguyên đán, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre đã diễn ra cuộc hội ngộ đầy xúc động của các chị em trong lực lượng vũ trang nữ tỉnh Bến Tre trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Đó là “Đội quân tóc dài cầm súng” nổi tiếng với những trận đánh vang dội đã được bà con trìu mến gọi là “Bộ đội Thu Hà”…

Các nữ “Bộ đội Thu Hà” ngày ấy còn là những cô gái trẻ lứa tuổi 16, 20, đa số đều xuất thân từ các cuộc đấu tranh biểu tình bất khuất tại quê hương Đồng Khởi - Bến Tre, nay họ đã là những người mẹ, người bà ở lứa tuổi U.70. Dù tuổi cao sức yếu nhưng khi gặp lại đồng đội cũ đã từng vào sinh ra tử có nhau, ai cũng thấy mình như trẻ lại và ngọn lửa nhiệt tình cách mạng lại bùng cháy trong tim. Bà Lê Thị Thu Hà, nguyên Chỉ huy trưởng đơn vị C710, tâm sự: “Đây là dịp kỷ niệm 50 năm thành lập đơn vị, vì vậy chị em đều cố gắng đến dự buổi họp mặt đặc biệt này để cùng nhau ôn lại một thời đạn bom…”.

Ngắm các nữ “Bộ đội Thu Hà” trong bộ trang phục bà ba đen, khăn rằn, mũ tai bèo… chúng tôi cảm nhận vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ miền Nam kiên trung anh dũng. Đây là thế hệ đàn em xuất sắc của nữ tướng Nguyễn Thị Định tại quê hương Bến Tre. Bà Thắng Lợi, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, người đã từng ngoan cường bắn tới 120 viên đạn súng trường K44 tiêu diệt nhiều tên địch để giữ vững trận địa tại huyện Chợ Lách năm 1966 và tham gia nhiều trận đánh xuất quỷ nhập thần khác khiến kẻ thù kinh hoàng khiếp vía. Nay bà hiện diện trước mắt chúng tôi rất đỗi giản dị, nhân hậu, bà không nhắc lại chiến công của mình mà khiêm tốn nói: “Giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh mà. Thời đó, tinh thần yêu nước mãnh liệt lắm nên ai cũng sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hy sinh để đất nước có ngày độc lập, tự do như hôm nay…”. Nhớ nhất là trận đánh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, khi hai chị Thanh Hùng và Trung Lập bị địch bắt giam tại chi khu Giồng Trôm. Thấy có quân ta tấn công từ bên ngoài vào, hai chị bất ngờ cướp súng địch tấn công chúng từ trong ra, tạo điều kiện cho bộ đội từ bên ngoài nhanh chóng đánh chiếm toàn bộ chi khu địch. Sau trận đánh, Trung Lập và Thanh Hùng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì.

Trong ngày gặp mặt, mọi người bùi ngùi thương nhớ 12 nữ đồng chí đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Hiện nay còn 14 đồng chí đang mang trên mình những vết thương chiến tranh mà mỗi khi trái gió trở trời vết thương lại hành hạ, còn 7 đồng chí khác dù bị địch bắt tù đày nhưng vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, nhiều chị không còn kịp làm vợ, làm mẹ và đang sống những ngày cuối đời cô đơn.

Với những chiến công đó, năm 2010, Nhà nước đã trao tặng đơn vị C710 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau ngày giải phóng, các nữ cựu chiến binh “Bộ đội Thu Hà” tiếp tục tỏa sáng giữa đời thường, tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội.

NGỌC LAN

Tin cùng chuyên mục