Bộ GD-ĐT dự kiến phương án 2 điểm sàn: Điểm sàn không là phao cứu sinh

Việc Bộ GD-ĐT hé lộ chủ trương dự kiến sẽ có 2 mức điểm sàn vào ĐH-CĐ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Phần lớn ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT không những không nên hạ điểm sàn mà nên tăng điểm sàn vào ĐH-CĐ. Để bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, rất nhiều người đồng quan điểm rằng, Bộ GD-ĐT phải kiên quyết khống chế điểm sàn.
Bộ GD-ĐT dự kiến phương án 2 điểm sàn: Điểm sàn không là phao cứu sinh

Việc Bộ GD-ĐT hé lộ chủ trương dự kiến sẽ có 2 mức điểm sàn vào ĐH-CĐ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Phần lớn ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT không những không nên hạ điểm sàn mà nên tăng điểm sàn vào ĐH-CĐ. Để bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, rất nhiều người đồng quan điểm rằng, Bộ GD-ĐT phải kiên quyết khống chế điểm sàn.

Giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6, TPHCM hướng dẫn học sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ năm 2013. Ảnh: MAI HẢI

Giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6, TPHCM hướng dẫn học sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ năm 2013. Ảnh: MAI HẢI

Sẽ có mức điểm sàn 11-12 điểm?

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Bộ GD-ĐT dự kiến phương án điểm sàn 2 mức. Cụ thể, điểm sàn trên được xác định theo chỉ tiêu như cách đã làm lâu nay, còn điểm sàn dưới là tổng điểm bình quân từng môn của 3 môn thi của khối thi tương ứng. Điểm sàn dưới được coi là ngưỡng giới hạn đảm bảo chất lượng đầu vào.

Bộ GD-ĐT dự kiến, để ưu tiên những thí sinh đạt điểm sàn trên, trong 2 đợt xét tuyển đầu tiên, các trường chưa nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh đạt điểm sàn dưới. Kể từ đợt xét tuyển thứ ba trở đi, nếu chỉ tiêu tuyển sinh vẫn chưa đủ, các trường được xét tuyển thí sinh có điểm thi đến điểm sàn dưới kết hợp với xét kết quả thi tốt nghiệp phổ thông. Bộ cam kết, vẫn lấy yếu tố chất lượng làm mục tiêu số 1, điểm sàn trên như lâu nay vẫn được duy trì và đảm bảo tuyển ít nhất 90% tổng chỉ tiêu, còn điểm sàn dưới để tạo cơ hội cho 10% chỉ tiêu còn lại.

Cũng theo ông Bùi Văn Ga, thống kê kết quả thi những năm gần đây cho thấy, tổng điểm bình quân của các khối thi (điểm sàn dưới) thường nằm trong khoảng từ 11 đến 12 điểm, nghĩa là thấp hơn 2 điểm so với điểm sàn của từng năm (điểm sàn trên). Kết quả thi năm 2012 cho thấy, có hơn 200.000 thí sinh của tất cả các khối thi có điểm nằm giữa hai mức điểm sàn nêu trên trong khi chỉ tiêu còn thiếu của tất cả các trường chỉ khoảng 30.000. Vì vậy, để tuyển đối tượng này có chất lượng, các trường cần xét thêm kết quả tốt nghiệp phổ thông.

Như vậy, nếu chốt phương án 2 điểm sàn, đối với thí sinh đạt kết quả thi trên điểm sàn trên, các trường xét trúng tuyển như đã làm lâu nay, không có gì thay đổi. Còn đối với thí sinh có kết quả thi nằm giữa điểm sàn trên và điểm sàn dưới thì các nhà trường xét thêm điểm tốt nghiệp phổ thông để quyết định điều kiện trúng tuyển cho thí sinh. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, phương án 2 điểm sàn nhằm tạo mọi điều kiện cho thí sinh trúng tuyển. Những trường lâu nay tuyển đủ thí sinh trên điểm sàn hoàn toàn không có gì thay đổi, còn với các trường lâu nay khó tuyển sinh rất có lợi.

Không thể bắt xã hội chịu hậu quả

Dù Bộ GD-ĐT cho rằng, phương án điểm sàn 2 mức mới chỉ là dự kiến, bộ vẫn còn tiếp tục lắng nghe ý kiến rộng rãi cũng như xác định đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, mang tính kỹ thuật và bộ vẫn đang nghiên cứu giải pháp tuyển sinh ĐH-CĐ phù hợp, song dự kiến này của Bộ GD-ĐT vẫn vấp phải phản ứng mạnh mẽ của dư luận.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, thực chất của phương án 2 điểm sàn chính là hạ điểm sàn và nếu đúng như thế là bộ đang chịu sức ép từ các trường khó tuyển sinh, nhất là các trường ngoài công lập. “Nếu làm vậy, chất lượng giáo dục ĐH của nước nhà còn giảm nhiều hơn vì đầu vào quá thấp và hàng loạt sinh viên ra trường sẽ tiếp tục đi học nghề, đi lao động để kiếm sống. Điểm sàn nên có một mức thống nhất tối thiểu là 15 điểm để phân hóa học sinh. Thi rớt thì học nghề rồi đi làm để đỡ tốn kém”, ông Phạm Hồng, một cựu giáo chức ở quận Hà Đông, Hà Nội, nhận xét.

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với phương án 2 điểm sàn của Bộ GD-ĐT. GS Nguyễn Minh Thuyết không tán thành giải pháp hạ điểm sàn vì không thể chắc chắn chất lượng đào tạo có được bảo đảm. Có cứu trường ĐH-CĐ ngoài công lập yếu kém hay không, cứu bằng cách nào ngành giáo dục phải cân nhắc. Không nên xuất phát từ lợi ích của một nhóm mà cho thành lập trường dễ dãi, tuyển sinh dễ dãi, đào tạo thì buông lỏng rồi bắt xã hội chịu hậu quả thì rất đáng buồn, rất lãng phí.

Không nên cứu trường kém

Theo PGS Văn Như Cương, phương án 2 điểm sàn của bộ thực chất là hạ điểm sàn. “Phải xét 35 hay 36 điểm tốt nghiệp phổ thông cùng 11 hay 12 điểm sàn, học sinh phải chờ, rất phức tạp. Nếu điểm sàn dưới theo là đảm bảo chất lượng thì cứ tuyên bố cho các trường lấy 11, 12 điểm, không cần phải xét thêm điểm thi tốt nghiệp”, PGS Văn Như Cương nêu ý kiến.

Vẫn theo PGS Văn Như Cương, không nên chia ra đợt tuyển 1, 2 thì xét tuyển điểm sàn trên, đợt 3 mới xét tuyển điểm sàn dưới như bộ dự kiến, sẽ rất nhiêu khê. Thay vào đó, nếu bộ dự định hạ điểm sàn, nên hạ xuống 12 điểm thay vì 13 điểm như hiện nay, trường nào đạt chuẩn cao thì tuyển cao, học sinh nào thấy mình không đủ năng lực vào trường điểm cao thì sẽ vào trường thấp điểm. “Không nên xét điểm thi tốt nghiệp THPT, vì chúng ta đều biết, kết quả kỳ thi này không thực chất”, PGS Văn Như Cương thẳng thắn.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng đặt vấn đề, phương án 2 điểm sàn của bộ nếu tính xuống đến 11-12 điểm là quá thấp, vì điểm trung bình chỉ hơn 3 điểm mỗi môn đã đậu vào đại học. Mặt khác, theo số liệu tuyển sinh hiện nay, nếu giảm khoảng 2 điểm sẽ tương đương có thêm khoảng 200.000 em đủ điểm sàn dưới, tức nếu đậu ĐH, con số này quá lớn so với quy mô các trường hiện nay, điều kiện giảng dạy không đáp ứng được, dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Trong khi đó, chất lượng thi tốt nghiệp THPT không đảm bảo mà vụ gian lận Đồi Ngô là tiêu biểu.

“Việc cải cách phải trên cơ sở mục tiêu đào tạo. Cốc nước đường không nên pha loãng hơn. Nếu hạ điểm sàn sẽ không đi đến đào tạo nhân lực có chất lượng, chưa nói đến có chất lượng cao”, GS Phạm Minh Hạc nói. Cũng theo ông, phương án bộ đưa ra mới chỉ nói đến điều kiện đáp ứng yêu cầu của các trường, trong khi vai trò của nhà quản lý nhà nước là phải theo mục tiêu đào tạo, chứ không theo yêu cầu của các trường, phải vì chất lượng giáo dục, chất lượng nhân lực chứ không phải để cứu sống các trường.

Bộ GD-ĐT vừa ra thông báo gửi các đại học, học viện, cao đẳng tổ chức thi về việc thay đổi thời hạn nộp sơ. Theo đó, quy định cũ thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại các trường tổ chức thi từ ngày 12-4 đến 17 giờ ngày 19-4 nay được thay bằng thời hạn từ ngày 12 đến 17 giờ ngày 22-4. Sở dĩ có sự điều chỉnh này là do ngày 19-4 là ngày nghỉ. Trong khi đó, thời hạn nộp hồ sơ tại các trường THPT vẫn không thay đổi, bắt đầu từ ngày 11-3 đến 17 giờ ngày 11-4.

THANH HÙNG

 PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục