Bộ GD-ĐT phải chuẩn bị tốt phần mềm xét tuyển

Bộ GD-ĐT phải chuẩn bị tốt phần mềm xét tuyển

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) khối ngành sư phạm năm 2017, rất nhiều ý kiến băn khoăn về những quy định mới. Để hiểu rõ hơn, PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ đã thẳng thắn chia sẻ với Báo SGGP về những quy định của dự thảo này.

- Phóng viên: Thưa ông, ông có thể tóm tắt những điểm thay đổi quan trọng nhất trong dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017?

* PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ:

Cần lưu ý là từ năm 2015 đến nay việc tuyển sinh ĐH, CĐ chỉ còn là nhiệm vụ xét tuyển chớ không còn “thi tuyển” nữa vì kỳ thi thực chất là thi để tốt nghiệp THPT. Các trường ĐH, CĐ dùng điểm của kỳ thi đó để xét tuyển thí sinh vào học trường mình. Do đó khi nói về điểm mới thì cũng phải chia thành 2 phần. Về việc thi thì có một số điểm mới như sau: tất cả các môn, trừ môn Ngữ văn, đều thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Lý, Hóa, Sinh được tổ hợp lại thành môn tổng hợp gọi là môn Khoa học tự nhiên (KHTN), các môn Sử, Địa và Giáo dục công dân được tổ hợp lại thành môn Khoa học xã hội (KHXH). Mặc dù 2 môn KHTN và KHXH được gọi là đề thi tổ hợp nhưng thực chất đề thi gồm 3 phần tách biệt, mỗi phần 40 câu và mỗi phần được chấm điểm riêng và khi công bố điểm thi thì cũng công bố điểm riêng của từng phần, và thí sinh có thể sử dụng điểm từng phần để đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Như vậy, có thể nói môn KHTN là 3 môn riêng biệt được tổ chức thi trong 1 buổi, thay vì 3 buổi như trước đây. Những sự thay đổi như thế sẽ làm cho thời gian thi rút ngắn lại còn 2 ngày, thay vì 4 ngày như các năm trước.

Về xét tuyển ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT không quy định mức điểm tối thiểu để “đảm bảo chất lượng đầu vào” nữa. Không hạn chế số lượng ngành, số lượng trường được đăng ký xét tuyển. Sau khi đăng ký xét tuyển danh sách thí sinh đăng ký vào mỗi ngành, mỗi trường sẽ được công bố cho thí sinh biết và thí sinh được quyền thay đổi ngành hoặc trường đăng ký để tăng khả năng trúng tuyển. Tất cả số liệu đăng ký xét tuyển đều được tập trung vào một hệ thống quản lý duy nhất do Bộ GD-ĐT quản lý.

Năm 2017, thí sinh sẽ không phải vất vả đến tận trường ĐH để đăng ký xét tuyển, thay đổi nguyện vọng

- Những thay đổi này ảnh hưởng như thế nào đến thí sinh lẫn các trường ĐH-CĐ?

Khó khăn đó là thí sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia phải thi nhiều môn. Trước đây chỉ thi 4 môn, bây giờ phải thi 6 môn. Trước đây mỗi buổi thi 1 môn, bây giờ đối với các môn KHTN và KHXH thi mỗi buổi 1 môn nhưng thực chất là 1 buổi thi 3 môn. Thí sinh phải tập làm quen với thi bằng hình thức trắc nghiệm đối với các môn trước đây thi theo hình thức tự luận như Toán, Sử, Địa, Giáo dục công dân.

Ưu điểm là thi 2 ngày thay vì 4 ngày. Vì thi theo hình thức trắc nghiệm nên ít bị rơi vào tình trạng bị điểm liệt. Được nộp hồ sơ vào nhiều ngành, nhiều trường và được thay đổi ngành, trường trong quá trình xét tuyển nên tăng khả năng trúng tuyển.

- Việc không giới hạn số nguyện vọng đăng ký xét tuyển và được thay đổi nguyện vọng của thí sinh sẽ có tác động như thế nào đến lựa chọn ngành nghề của thí sinh cũng như công tác xét tuyển của các trường?

* Khi số liệu được tập trung vào 1 nơi thì thí sinh đăng ký vào bao nhiêu ngành, bao nhiêu trường thì phần mềm máy tính đều có thể xét tuyển để chọn ra 1 ngành có ưu tiên cao nhất để cho thí sinh trúng tuyển và loại em này ra khỏi danh sách trúng tuyển ở các ngành, trường khác có mức ưu tiên thấp hơn ngay cả khi điểm của em này đủ để trúng tuyển. Thí sinh phải chọn những ngành mình yêu thích ở nhiều trường chứ tránh tình trạng cố đậu ĐH bằng mọi giá.

- Với quy định như trong dự thảo, liệu công tác xét tuyển năm nay của các trường có gì phức tạp không thưa ông?

* Nếu ai hiểu rõ nguyên tắc xét tuyển và hiểu quy trình lọc thí sinh trúng tuyển ảo thì sẽ thấy yên tâm về quy chế xét tuyển ĐH, CĐ năm nay. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra lộn xộn do thí sinh thay đổi ngành, trường trong quá trình xét tuyển nhưng không trầm trọng như năm 2015 vì: thí sinh đã nắm rõ nguyên tắc xét tuyển, không cần rút bảng điểm khi thay đổi ngành đăng ký xét tuyển, có thể vào internet để thực hiện việc thay đổi nên không cần phải chạy đôn chạy đáo như trước đây.

- Theo ông, để Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017 được đảm bảo hoàn thiện Bộ GD-ĐT phải điều chỉnh như thế nào?

* Theo tôi thì quy định như vậy là hợp lý rồi, không cần phải thay đổi gì. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT phải chuẩn bị cẩn thận và chu đáo hệ thống tiếp nhận số liệu, đường truyền internet đủ mạnh để không bị sập mạng và phải chuẩn bị thật tốt phần mềm xét tuyển để có được kết quả xét tuyển một cách chính xác.

- Việc bộ không đưa quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) có hợp lý hay không thưa ông?

* Tôi hết sức ủng hộ quy định bỏ điểm sàn trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017. Khi nghe nói đến việc bỏ điểm sàn sẽ khiến nhiều người hoang mang nhưng thực chất nó là điều hết sức hợp lý. Bởi lẽ, điều kiện để các thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH là phải tốt nghiệp THPT với trung bình mỗi môn là 5 điểm. Trong khi điểm sàn của các năm qua là 15 điểm/3 môn thì trung bình mỗi môn cũng là 5 điểm. Như vậy 2 quy định này là trùng nhau, bây giờ chúng ta bỏ quy định về điểm sàn là điều rất bình thường. Ngoài ra, các năm trước thí sinh dự thi theo khối. Điểm khối thi này khác điểm của khối thi kia. Vì thế điểm sàn là dựa vào căn cứ kết quả điểm chung của từng khối thi. Tuy nhiên, năm nay thí sinh không thi theo khối thi truyền thống mà thi theo tổ hợp môn thi của từng ngành nên quy định về điểm sàn cho từng khối thi truyền thống không còn cần thiết.

- Xin cảm ơn ông!

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục