Bộ GD-ĐT: Con số trên 34.000 tỷ đồng đổi mới chương trình-SGK phổ thông chỉ là khái toán?

Chiều nay, 15-4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức họp báo quý 1-2014. Nóng nhất của phiên họp là đề án đổi mới chương trình-SGK phổ thông sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra con số cần trên 34.000 tỷ đồng để thực hiện đề án này tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14-4.

(SGGPO).– Chiều nay, 15-4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức họp báo quý 1-2014. Nóng nhất của phiên họp là đề án đổi mới chương trình-SGK phổ thông sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra con số cần trên 34.000 tỷ đồng để thực hiện đề án này tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14-4.

Báo chí chất vấn, Bộ GD-ĐT đưa ra mức kinh phí trên 34.000 tỷ đồng để thực hiện đề án đổi mới chương trình-SGK phổ thông, nhưng chưa kể đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trong khi đó, nhiều thiết bị được đầu tư vẫn đang nằm kho, không sử dụng, rất lãng phí, Bộ có rút kinh nghiệm gì khi thực hiện đề án lần này? Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, thường trực Ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình-SGK phổ thông, cho rằng về con số 34.000 tỷ đồng, đó chỉ là khái toán, vì đề án cần có hình dung về kinh phí để thực hiện.

“Đó chỉ là con số ban đầu, tạm hình dung, còn phải trải qua nhiều công đoạn thẩm tra, thẩm định của Bộ Tài chính, của Quốc hội. Vẫn còn phải hoàn thiện đề án và trải qua thẩm định nữa. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến nhiều chiều để  hoàn thiện đề án”, ông Thống cho biết.

Trả lởi câu hỏi, Bộ đã khảo sát chi phí đầu tư cho lần đổi mới chương trình-SGK hiện hành chưa? (để có cơ sở so sánh cho lần đổi mới lần này). Ông Thống cho biết, Bộ đã tiến hành đánh giá, khảo sát, rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có. Lần đổi mới này quan điểm là tận dụng cơ sở vật chất cũ, hoàn thiện thêm các phòng học đạt chuẩn.

“Đổi mới lần này không phải là đổi mới nội dung, quan trọng nhất là đổi mới cách dạy và cách học để hình thành năng lực học sinh. Vì vậy, đổi mới lần này sẽ không quá tốn kém về xây dựng cơ sở vật chất, vì tận dụng nhiều, chủ yếu là ứng dụng CNTT”, ông Thống cam kết.

“Đề án đổi mới chương trình-SGK phổ thông lần này có gì mới so với hiện hành? Cốt lõi của đổi mới lần này là thay đổi cách dạy và học hiện nay, thay vì đọc-chép như cũ sẽ phải tăng thực hành, tăng rèn luyện kỹ năng. Đổi mới giáo dục phổ thông sẽ theo hướng tích hợp và phân hóa”, ông Thống giải thích thêm.

Trả lời câu hỏi để làm chương trình-SGK phổ thông không cần tới số tiền trên 34.000 tỷ đồng, khi mà chúng ta có thể tiếp thu nội dung SGK của nước ngoài với các môn khoa học tự nhiên, ông Thống cho rằng, hội nhập giáo dục là tất yếu, nhưng phải bê nguyên xi mà phải phù hợp với mặt bằng trình độ của học sinh Việt Nam. “Vì vậy, khi làm chương trình-SGK cũng đã tính đến, với hướng  xây dựng chương trình-SGK của Việt Nam nhưng có cập nhật, tham khảo nội dung của thế giới để phù hợp với học sinh Việt Nam”, ông Thống nói.

Những trả lời của ông Thống không nhận được sự hài lòng của báo chí, thậm chí bị đánh giá là ngụy biện, không thẳng thắn khi đi vào phản hồi những ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Đề án của chúng tôi viết sâu, còn dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thì đòi hỏi sự cô đọng, vì thế phản ứng của các đại biểu Quốc hội là dễ hiểu, vì thế chúng ta cần phải xem cả đề án. Số tiền trên 34.000 tỷ đồng này không chỉ dành để làm chương trình-SGK, nếu chỉ làm chương trình-SGK thì không cần đến số tiền đó, mà chủ yếu để dành bồi dưỡng cho hàng triệu giáo viên trong cả chục năm trời. Đây chỉ là con số khái toán, là lần “bảo vệ thử”, để lắng nghe ý kiến, sau này sẽ “bảo vệ thật” tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5”, ông Thống trần tình.

Báo chí tiếp tục truy, kể cả khái toán thì cũng phải có danh mục cụ thể? “Tên đề án làm cho nhiều người hiểu nhầm: chương trình-SGK chỉ độ 5.000 tỷ đồng, còn lại cho 7-8 mục khác mà tôi không nhớ. Không phải chúng tôi giấu gì mà chỉ là khái toán, rồi sau này phải qua nhiều lần thẩm tra. Nói con số  chính xác là rất khó trong bối cảnh hiện nay, vì cuộc sống biến động không ngừng, trong khi thời gian làm đề án rất dài”, ông Thống giải thích.

Ngoài ra, ông Thống cũng bật mí, song song với đề án này đổi mới chương trình-SGK phổ thông là đề án nâng cấp cơ sở vật chất trường học, đề án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Trả lời câu hỏi Bộ GD-ĐT bình luận gì về một số ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá đề án của Bộ GD-ĐT sơ sài, ông Thống giải trình “Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đánh giá đề án sơ sài, chỉ đánh giá báo cáo tác động của bộ sơ sài (vì chỉ có 2,5 trang). “Ngay sáng nay, 15-4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã triệu tập Bộ GD-ĐT về vấn đề này. Tinh thần là cả Ủy ban và chúng tôi đều quyết tâm để tháng 5 đưa ra trình tại kỳ họp Quốc hội. Ủy ban đã yêu cầu bộ hoàn thiện đề án trên cơ sở các ý kiến góp ý của Uỷ ban Thường vụ”, ông Thống cho biết.

Ngày 25-4, Ủy ban văn hóa, giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ chính thức thẩm định đề án, nếu ổn thì sẽ trình ra Quốc hội vào kỳ họp tháng 5.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục