Ngày 13-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, đây là bộ luật “cái”, liên quan đến mọi hành vi, quan hệ dân sự của người dân. Vì vậy, phải lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi.
Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có tổng số 710 điều, được bố cục thành 6 phần, 29 chương. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo bộ luật lần này giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều. Bộ luật Dân sự quy định về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ.
Bảo đảm tốt hơn các quyền của cá nhân
Chính phủ đề xuất Quốc hội có Nghị quyết giao cho Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trong khoảng thời gian từ tháng 1-2015 đến tháng 3-2015. Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến nhân dân, Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan để tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo bộ luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ.
Chính phủ cho rằng, mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung lần này là nhằm xây dựng Bộ luật Dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia. Việc sửa đổi, bổ sung bộ luật cũng sẽ ghi nhận và bảo đảm tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.
Về cá nhân, dự thảo bộ luật đã bổ sung nhiều cơ chế pháp lý mới, hợp lý để bảo vệ tốt hơn quyền của những người yếu thế về năng lực hành vi dân sự, đặc biệt là chế độ giám hộ đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM), ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và nhiều ĐB khác đều chung quan điểm, bộ luật này chỉ sau Hiến pháp, vì vậy sau kỳ họp 8, phải lấy ý kiến nhân dân về bộ luật vì liên quan rộng rãi đến mọi quan hệ trong xã hội, liên quan đến cả người đã chết.
Quy định hình thức sở hữu
Thảo luận về dự án luật này, các ý kiến thể hiện sự chưa hài lòng về dự thảo bộ luật vì cho rằng còn nhiều vấn đề chưa rõ. ĐB Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận xét, pháp luật dân sự có đặc điểm là mang tính ổn định cao; do đó nguyên tắc kế thừa cần được tôn trọng. “Tôi rất băn khoăn khi dự luật đưa ra khá nhiều khái niệm mới, quy định mới như hành vi pháp lý dân sự; vật quyền, địa dịch... trong khi việc thực hiện các quy định có liên quan không có gì vướng mắc”, ông Cường nói. Đây cũng là quan điểm của ĐB Lò Văn Muôn (Điện Biên). Theo ông Muôn, việc thay đổi khái niệm có thể gây rắc rối không đáng có đối với việc nhận thức và tuân thủ pháp luật của người dân.
Đặc biệt là về vấn đề sở hữu, một số ý kiến cho rằng, để cụ thể hóa và bảo đảm sự thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu toàn dân, Bộ luật Dân sự cần quy định 3 hình thức sở hữu gồm: sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Trong đó, sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể, bao gồm cá nhân, pháp nhân; sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với một tài sản; sở hữu toàn dân thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Bộ luật Dân sự chỉ nên quy định hai hình thức sở hữu trong giao lưu dân sự là sở hữu riêng và sở hữu chung. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, nếu tuân thủ Hiến pháp thì phải ghi sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện. Sở hữu toàn dân là sở hữu lớn nhất, sở hữu chung. Vậy thì chỉ cần có 2 loại sở hữu chung, riêng. “Tôi cho rằng, luật phải ghi sở hữu toàn dân là sở hữu chung lớn nhất. Vì đây là khái niệm chính trị hơn là khái niệm pháp lý. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) cho rằng, đây là “luật cái”. Nhưng thiết kế như dự thảo về quyền sở hữu thì rộng quá, quá thoáng, tòa án sẽ rất khó xử. Ví dụ nhà ở 20 - 30 năm không có tranh chấp thì họ có quyền được xác lập quyền sở hữu không? Ngay chuyện xác lập quyền sở hữu đối với một cái xe máy cũng đã phức tạp rồi.
Rất nhiều vấn đề cụ thể khác được các ĐBQH tập trung thảo luận như đến thời hiệu khởi kiện, tòa án không được từ chối giải quyết…
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, bộ luật lần này phải nêu rõ trong trường hợp nội dung nào mâu thuẫn với luật chuyên ngành thì phải theo Bộ luật Dân sự. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng đề nghị phải ghi rõ, Bộ luật Dân sự điều chỉnh mọi hành vi, quan hệ dân sự, vì thế tất cả các hành vi, quan hệ dân sự phải tuân thủ bộ luật này. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng, Bộ luật Dân sự là “luật cái”, các luật khác phải phụ thuộc luật này.
NHÓM PV
|