Đây chính là vấn đề mà các đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau khi thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Quảng cáo. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Lê Như Tiến (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.
° PV: Thưa ông, các ý kiến thảo luận vừa qua dường như chưa có sự thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về quảng cáo. Là người tham gia thẩm tra dự luật, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
° Ông LÊ NHƯ TIẾN: Chúng tôi vừa bàn với cơ quan soạn thảo. Đây là dự án luật được cho ý kiến lần đầu nên vẫn còn nhiều thời gian để chỉnh lý, bổ sung.
Tuy nhiên, tôi có cùng quan điểm với Ban soạn thảo dự luật là nên giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối quản lý lĩnh vực này. Tôi được biết khi Chính phủ họp lấy ý kiến về dự án luật, đa số thành viên Chính phủ cũng nghiêng về phương án giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phương án giao cho Bộ Thông tin - Truyền thông như một số đại biểu đề xuất cũng có cơ sở là vì bộ này quản lý các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng chúng tôi cho rằng bản thân từng phương tiện thông tin đại chúng có tính độc lập của họ. Tổng biên tập của từng cơ quan đó chịu trách nhiệm về việc đăng, phát quảng cáo của mình, nếu quảng cáo sai sự thật, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
° Ông có thể nói rõ hơn về sự phân chia trách nhiệm này? Đơn cử như việc nhiều phòng khám y tế quảng cáo quá mức trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng chất lượng khám chữa bệnh không như quảng cáo?
° Ở đây còn có trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý khác mà tôi cho rằng luật cũng cần làm rõ. Chẳng hạn, quảng cáo thuốc hoặc phòng khám thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm thẩm định, xác nhận năng lực của phòng khám, công dụng của thuốc; quảng cáo thương mại thì ngành công thương phải xác nhận về chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm về xác nhận của mình. Còn cơ quan đăng, phát quảng cáo nếu không nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng mà đã đưa thông tin quảng cáo lên thì chính người đưa thông tin quảng cáo, phương tiện thông tin đưa quảng cáo phải chịu trách nhiệm.
° Từ trước đến nay đã có trường hợp nào quảng cáo sai sự thật bị xử lý trách nhiệm hình sự chưa, thưa ông?
° Theo tôi biết thì chưa, nhưng phải bồi thường thiệt hại là có. Qua thẩm tra dự luật, chúng tôi cũng đề nghị là nếu thiệt hại lớn, nghiêm trọng phải xử lý trách nhiệm hình sự.
° Ông có quan điểm như thế nào về việc một số nhà khoa học đứng ra quảng cáo cho một sản phẩm nào đó, nhất là các sản phẩm dược?
° Nội dung này khi bàn thảo để xây dựng báo cáo thẩm tra, chúng tôi cũng đã bàn bạc rất nhiều. Tôi cho rằng không thể cấm việc này, Bộ luật Dân sự cũng không có nội dung nào như vậy, nhưng không nên lạm dụng hình ảnh. Trong luật cũng đã có quy định “cấm lạm dụng, lợi dụng hình ảnh của những người có chức vụ, địa vị hoặc cán bộ công chức để quảng cáo”.
° Còn về vấn đề bỏ cấp phép quảng cáo ngoài trời?
° Bỏ là đúng, nhưng cần có lộ trình vì hiện chưa có quy hoạch quảng cáo chung, cả nước có 63 tỉnh, thành phố thì mới có 33 tỉnh, thành phố có quy hoạch về quảng cáo. Chưa có quy hoạch, lại chưa có khung pháp lý đầy đủ mà bỏ cấp phép ngay sẽ dẫn đến sự hỗn loạn, mất mỹ quan, thậm chí có thể ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Cơ quan chức năng đã yêu cầu các địa phương phải khẩn trương xây dựng quy hoạch về quảng cáo.
ANH THƯ thực hiện
Thông tin liên quan:
>> Quốc hội thảo luận dự án Luật Đại học - Chưa giải quyết được bức xúc