
Bộ LĐTB-XH, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ký Thông tư Liên tịch hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ). Theo đó, những người tổ chức cho lao động Việt Nam (VN) ở lại nước ngoài trái phép sẽ bị phạt tù và người lao động vi phạm hợp đồng, ở lại nước ngoài làm việc trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nguyên nhân chính khiến cho một số thị trường xuất khẩu lao động truyền thống như Nhật Bản (NB), Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan (ĐL) bị co hẹp là do lao động VN đi nước ngoài bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp chiếm tỷ lệ cao.
Hơn 1 năm qua, phía ĐL đã ngưng tiếp nhận lao động giúp việc nhà từ VN. Còn NB dù hàng năm có nhu cầu tiếp nhận hàng trăm ngàn tu nghiệp sinh nước ngoài đến tu nghiệp, lao động nhưng nhiều năm qua chúng ta vẫn không thể mở rộng thị phần ở thị trường này và cố gắng lắm mới đưa được trên dưới 3.000 lao động sang tu nghiệp.
Tình trạng lao động VN bỏ trốn luôn làm đau đầu các doanh nghiệp XKLĐ và cơ quan quản lý lao động ngoài nước. Chính vì thế, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ theo thông tư mới sẽ tạo bước đột phá mới trong việc xử lý lao động bỏ trốn khi đi nước ngoài làm việc.
Tùy mức độ vi phạm và hậu quả gây ra, người có hành vi tổ chức, cưỡng ép người lao động ở lại nước ngoài trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình và bị phạt tù theo khung hình phạt của Bộ luật Hình sự. Riêng người lao động ở lại nước ngoài trái phép như bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào nước tiếp nhận lao động, tự ý bỏ nơi làm việc theo hợp đồng lao động; không về nước sau khi chấm dứt hợp đồng lao động cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để phối hợp triển khai thực hiện chủ trương này đạt hiệu quả cao. Oâng Nguyễn Thanh Hòa, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: “Trước mắt, các doanh nghiệp XKLĐ, chính quyền địa phương phải có nhiệm vụ khai thông cho người lao động chuẩn bị đi nước ngoài làm việc hiểu rõ các quy định này.
Tại các thị trường XKLĐ đang “nóng” vì tỷ lệ lao động bỏ trốn cao như NB, ĐL, các cơ quan đại diện ngoại giao sẽ làm mạnh việc xử lý các hành vi vi phạm hành chính về vi phạm hợp đồng bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Còn ở trong nước, các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi vi phạm pháp luật về XKLĐ và tiến hành xét xử họ theo quy định”.
Hiện nay, NB và ĐL cũng đang tiến hành nhiều biện pháp truy bắt lao động nước ngoài cư trú, làm việc bất hợp pháp. Vì thế nhiều lao động VN sống bất hợp pháp tại các thị trường này chẳng những không có cơ hội tìm việc làm mà còn bị cảnh sát truy bắt, trục xuất về nước. Hy vọng những biện pháp mạnh này sẽ mở ra những triển vọng cho hoạt động XKLĐ trong thời gian tới.
KHÁNH BÌNH