Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm việc với hai trường học tại TPHCM

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm việc với hai trường học tại TPHCM

(SGGPO).- Sáng 6-6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm, làm việc tại Trường THPT Lê Quý Đôn TPHCM.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm việc với hai trường học tại TPHCM ảnh 1

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với học sinh trường THPT Lê Quý Đôn

Đây là ngôi trường cổ của khu vực Đông Nam Á, được thành lập cách đây 143 năm. Cô Đỗ Thị Bích Duyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau 10 năm nay được TPHCM chọn xây dựng theo mô hình tiên tiến hội nhập quốc tế, Trường THPT Lê Quý Đôn đã tạo được nhiều dấu ấn thành công trong đổi mới giáo dục, tạo môi trường học tập, rèn luyện năng động, tích cực, sáng tạo cho học sinh.

Nhờ học trong môi trường giáo dục năng động, cơ sở, trang thiết bị dạy học được đầu tư hiện đại, ứng dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến, tích cực, sĩ số lớp học thấp (dưới 30 học sinh/lớp)…, các thế hệ học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế, thực hành, phát triển tư duy sáng tạo ở mức cao nhất. Nhìn chung, sản phẩm giáo dục của nhà trường đã từng bước đáp ứng các tiêu chí giáo dục tiên tiến, hội nhập quốc tế, giúp học sinh phát triển toàn diện. Các em không chỉ hội đủ các kỹ năng của công dân toàn cầu như năng động, tự tin, có kỹ năng mềm mà còn có hành trang ngoại ngữ tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế, giao tiếp lưu loát. Sau tốt nghiệp THPT, đa số học sinh ban A của trường đạt chứng chỉ IELTS từ 4.5-5.5, còn ban D đạt IELTS từ 5.5 đến 6.5. Tỷ lệ học sinh khá giỏi cao đến 98% trong năm nay, Trường THPT Lê Qúy Đôn cũng vươn lên top 100 các trường trong toàn quốc có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao và sau khi tốt nghiệp ĐH, tỷ lệ tìm được việc làm cao….

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những thành tựu mà Trường THPT Lê Quý Đôn TPHCM đã đạt được trong quá trình tiên phong thực hiện mô hình trường học tiên tiến theo xu hướng hội nhập quốc tế. Tham quan cơ sở vật chất, nhất là thư viện hiện đại, phòng tư vấn học đường, phòng thí nghiệm… của nhà trường, ông đánh giá cao các hoạt động chăm lo giáo dục đạo đức, lối sống, hướng nghiệp cho học sinh. Không chỉ khẳng định mô hình giáo dục của trường Lê Quý Đôn rất tốt, là điểm sáng cần nhân rộng, Bộ trưởng còn nhấn mạnh rằng đã đến lúc chúng ta cần khuyến khích phân tầng chất lượng giáo dục, không nên cào bằng. Theo đó, cùng với việc quan tâm, tạo điều kiện phát triển nhóm giáo dục có thể tiếp cận mô hình tiên tiến hiện đại, chúng ta không quên nhóm trường, học sinh yếu thế cần nâng đỡ, đầu tư để kéo lên cùng.

 Để đáp ứng mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sắp tới, Bộ trưởng cũng yêu cầu nhà trường quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên theo chuẩn mới.

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đến thăm và làm việc
với Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TPHCM). Cô Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng báo cáo về hoạt động nổi bật của nhà trường và phản ánh những khó khăn, trở ngại trong việc thực hiện Thông tư 30 (TT30). Đó là thực trạng, trường có số lượng học sinh đông, mỗi lớp trên 50 học sinh nên một giáo viên tiểu học dạy nhiều môn khó có thể ghi nhận xét sát sao, kỹ lưỡng vào vở cho từng học sinh. Chính vì thế, biện pháp tháo gỡ mà giáo viên cân nhắc khi thực hiện TT30 chính là nhận xét một tỉ lệ học sinh nhất định chứ không thể làm hết ngay. Tuy nhiên, việc làm này lại thầy cô không yên tâm…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tham quan Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm

Cô Thúy mong muốn Bộ GD-ĐT có chỉ đạo để thầy cô thực hiện TT30 được thuận tiện hơn, hiệu quả hơn. Chia sẻ điều này, Bộ trưởng cho rằng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phải có cả đổi mới kiểm tra, đánh giá và nhấn mạnh:“Mục tiêu, ý nghĩa của TT 30 rất tốt, đánh giá mọi mặt để giúp trẻ hoàn thiện chứ không để lấy điểm thi hay gây ra áp lực so sánh. Đây là một phương thức nhiều nước tiên tiến đang áp dụng”. Cũng theo ông, một trong những nguyên nhân khiến việc áp dụng TT30 khó chính là do trường học ở TPHCM có sĩ số lớp quá đông và phải có hướng tháo gỡ thực trạng này. Thêm vào đó, cũng cần có một số giải pháp như tập huấn kỹ cho giáo viên, ứng dụng CNTT để lượng hóa việc đánh giá…Khi yêu cầu giáo viên đánh giá học sinh kỹ hơn, toàn diện hơn thì lương thưởng cũng phải thay đổi, vì không tăng thu nhập khi công việc phát sinh là không công bằng đối với họ.

Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, chuyển qua đánh giá học sinh tiểu học bằng năng lực, Bộ trưởng yêu cầu cần phải chuẩn hóa giáo viên. Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ cùng các chuyên gia trong, ngoài nước xây dựng chuẩn giáo viên phù hợp yêu cầu mới.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục