Ngày 10-6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng là những vị bộ trưởng đầu tiên trả lời chất vấn của các ĐBQH. Cùng tham gia giải đáp thắc mắc của ĐBQH còn có một số vị bộ trưởng như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh.
Lần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến chế độ lương và thu nhập của lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mà ông đang kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT; tình hình nợ quốc gia và công tác quản lý giá cả.
Bộ trưởng cho biết đã nhận được 15 chất vấn bằng văn bản, trong đó có 2 câu do Thủ tướng Chính phủ ủy quyền trả lời; 4 câu không thuộc thẩm quyền bộ nên đã chuyển cho các cơ quan chức năng khác.
“Thu nhập của tôi bị hiểu nhầm!”
Ngay sau đó, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) hỏi thẳng: “Có phải Bộ trưởng đang kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT SCIC, ở các nước có việc Bộ trưởng kiêm nhiệm chức năng này? Câu hỏi của tôi về lương các lãnh đạo của SCIC, có phải là câu “không đúng chức năng” mà Bộ trưởng đã chuyển”?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, đúng là ông đang kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT theo phân công của Thủ tướng Chính phủ. “SCIC là một tổng công ty (TCT) đặc thù, mới được thành lập năm 2005, đang tiếp nhận quản lý khoảng 1,8% số vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp. Do là mô hình quản lý mới nên Bộ trưởng Bộ Tài chính được Thủ tướng giao kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT”.
Bộ trưởng Ninh cho biết, đúng là ông đang kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị theo phân công của Thủ tướng Chính phủ. “SCIC là một tổng công ty đặc thù, mới được thành lập năm 2005, đang tiếp nhận quản lý khoảng 911 doanh nghiệp nhà nước, nhưng mới chiếm có 1,8% số vốn nhà nước (7.000 tỷ đồng); phần còn lại thuộc sự quản lý của các tập đoàn, tổng công ty. Do là mô hình quản lý mới nên Bộ trưởng Bộ Tài chính được Thủ tướng giao kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị”, ông Ninh giải thích.
Người đứng đầu ngành tài chính nói thêm: “Chúng tôi không phải cơ quan duyệt lương mà chỉ tham gia với các bộ về chỉ tiêu doanh thu, chỉ tiêu lợi nhuận, chỉ tiêu nộp ngân sách để làm căn cứ tiền lương, xác định theo doanh thu và cấp bậc”. Theo ông, tiền lương và thu nhập của cán bộ tại SCIC thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Trong việc tổng hợp thành một con số gây “sốc” đã có sự hiểu nhầm khi gộp những khoản thu nhập khác như truy lĩnh của năm 2007; tiền làm thêm giờ, tiền ăn trưa, tiền điện thoại vào lương… “Nhưng cũng có điểm chưa đúng trong việc tính lương ở SCIC, đơn cử như việc làm thêm giờ quá nhiều”, ông nói.
ĐB Nguyễn Minh Thuyết vẫn chưa hài lòng: “Vấn đề ở đây là thực hiện tính lương như thế nào, có đúng các quy định không. Tại sao có tập đoàn TCT nhà nước lỗ hàng ngàn tỷ đồng mà vẫn trả lương người đứng đầu 5,3 tỷ đồng một năm”? Dẫn ra những kết luận của Kiểm toán Nhà nước về vấn đề này, ĐB Thuyết đề nghị Tổng kiểm toán Nhà nước tham gia “cùng nói cho rõ”.
“Tôi không giấu nợ”
Đáp lại câu hỏi của ĐB Ngô Văn Minh về nợ công và an ninh tài chính quốc gia, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Tôi không giấu nợ vì nếu vỡ nợ thì tôi là người chịu trách nhiệm đầu tiên”. Để đánh giá mức độ an toàn của nợ công hiện có nhiều tiêu chí (tỷ trọng so với GDP, mức trả nợ hàng năm...), tùy thuộc vào vị thế, trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, trong điều kiện của VN hiện tại, nợ công ở dưới ngưỡng 50% GDP là an toàn, nhiều tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế xếp nước ta vào nhóm các quốc gia có mức nợ nằm trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ. Điều hết sức quan trọng, Bộ trưởng nhấn mạnh, là Việt Nam không hề có nợ quá hạn, nợ xấu. “Chúng ta luôn thanh toán đầy đủ, sòng phẳng các khoản nợ đến hạn”.
ĐB Danh Út (Kiên Giang) bức xúc: “Nhà nước quy định 14 mặt hàng thiết yếu trong danh mục bình ổn giá phải niêm yết giá bán nhưng trên thực tế nông dân luôn bị làm giá, việc xử phạt còn quá nhẹ. Giá xăng dầu trên thị trường luôn tăng nhanh giảm chậm, còn giá rất nhiều loại thuốc chữa bệnh vẫn đội lên cao hơn giá thành 4-5 lần. Chế tài xử phạt vi phạm về giá chưa đủ sức răn đe”.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã cùng giải đáp vấn đề này. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh công nhận, kết quả kiểm tra liên ngành cho thấy tình trạng vi phạm các quy định về giá cả vẫn còn xảy ra tương đối phổ biến. Trên quan điểm cố gắng kiểm soát chặt chẽ và luôn luôn đứng về phía người tiêu dùng, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Công thương đồng tình với ý kiến của các ĐB cho rằng chế tài xử phạt vi phạm về giá hiện chưa đủ sức răn đe.
Tổng hợp phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Với nền kinh tế nước ta hiện nay thì phải có phương pháp quản lý giá mới, không thể bằng mệnh lệnh hành chính. Nhưng quản lý giá vẫn là vấn đề lớn, dân vẫn còn kêu”.
Bộ trưởng Bộ GT-VT HỒ NGHĨA DŨNG: Tôi xin nhận trách nhiệm
Công tác quản lý còn khiếm khuyết
Ở phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng, các ý kiến tập trung vào vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông mà theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hiện đang là “khâu đột phá”. ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi một số công trình giao thông vừa hoàn thành đã hư hỏng, xuống cấp. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) thì nêu ngay ví dụ đường cao tốc TPHCM - Trung Lương vừa thông xe nhưng đã có đoạn bị sạt lở.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng về quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và tiến độ các dự án giao thông nhưng “đúng là vẫn có một số công trình kém chất lượng”.
Bộ trưởng dẫn ra nhiều nguyên nhân như trách nhiệm chưa đầy đủ của đơn vị tư vấn từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, năng lực nhà thầu yếu kém, trách nhiệm yếu kém của khâu giám sát (trừ dự án ODA)… “Công tác quản lý của Bộ GT-VT cũng chưa triển khai quyết liệt, còn khiếm khuyết. Tôi xin nhận trách nhiệm của mình trong vấn đề này” - Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói.
Cũng liên quan đến các công trình giao thông, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) lo ngại tình trạng lãng phí, chẳng hạn như ở dự án đường Láng - Hòa Lạc đang thi công hầm chui cho đường sắt đi qua thay vì làm cầu vượt. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng cầu vượt có thể tiết kiệm chi phí nhưng gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị và đến nay ở dự án này thấy rằng làm hầm chui là phù hợp.
Xử lý chưa nghiêm
ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) nêu ví dụ về tàu Hoa Sen của Vinashin đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng mua về nay phải “xếp xó” để nói lên lo lắng về tình trạng thua lỗ kéo dài của một số DN trong ngành giao thông nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Giải trình, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng nguyên nhân thua lỗ trong kinh doanh trước hết lãnh đạo các DN phải chịu trách nhiệm. Bộ cũng đã xử lý trách nhiệm một số cá nhân nhưng còn chưa kịp thời, nghiêm minh. Hơn nữa, “thời gian trôi đi, nhiều đồng chí đã nghỉ”(!).
Nhiều ĐBQH cũng nêu lên bức xúc về văn hóa giao thông hiện nay. ĐB Nguyễn Thị Khá nói dư luận hết sức bức xúc chuyện “lái xe máy bằng chân hay việc cho em bé lái xe của các ông bố liều mạng ngớ ngẩn”.
Nêu lại câu chuyện thời sự gần đây, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) hỏi ai chịu trách nhiệm về việc đồng bào ở Kon Tum phải “đu dây vượt sông Pô Cô”? Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cho biết trước đó có hỏi Sở GT-VT Kon Tum thì sở này cũng không biết. Bộ trưởng nói “người dân đã có sáng tạo không ngờ” và hứa sẽ phối hợp với địa phương khẩn trương bắc cầu treo để khắc phục tình trạng này.
Trả lời câu hỏi: “Nếu QH thông qua dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM, nhưng phía đối tác Nhật Bản và WB không cho vay vốn thì có chọn đối tác khác?” của ĐB Nguyễn Minh Thuyết, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định đến nay ta chưa lựa chọn đối tác cụ thể cho dự án này. Hiện nay, các đối tác chỉ đang giúp Việt Nam chuẩn bị dự án, vấn đề đầu tư xây dựng và tài trợ vốn “có trao đổi nhưng chưa chọn”. Nếu QH thông qua chủ trương đầu tư, Chính phủ sẽ lập dự án đầu tư, khi đó mới xác định hướng hợp tác với các đối tác cụ thể.
Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận xét Bộ trưởng Bộ GT-VT đã trả lời thẳng thắn, vấn đề nào chưa làm được thì nhận trách nhiệm, hứa sẽ giải quyết. Chủ tịch QH cho rằng các vấn đề nêu ra lần này không mới, vẫn là những “căn bệnh kinh niên” của ngành giao thông như: dự án chậm tiến độ, chất lượng chưa hài lòng… Vì thế, trong thời gian tới Bộ GT-VT cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm các chiến lược, quy hoạch về phát triển hạ tầng giao thông.
ANH THƯ - HÀM YÊN
18 kiến nghị chưa được trả lời Trước khi bước vào phiên chất vấn, QH đã nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ QH. Theo đó, tại kỳ họp thứ 6, cử tri cả nước gửi đến QH 1.687 kiến nghị. Tính đến ngày 10-5-2010, các cơ quan có trách nhiệm đã nghiên cứu và trả lời 1.170 kiến nghị của cử tri do Ủy ban Thường vụ QH chuyển đến, còn 18 kiến nghị chưa có văn bản trả lời. Về thủy điện, tính đến ngày 11-5, Bộ Công thương đã thống nhất với các địa phương loại bỏ 38 dự án thủy điện đã phê duyệt quy hoạch của một số tỉnh và 79 vị trí tiềm năng thủy điện của tỉnh Đắc Lắc hiện chưa có nhà đầu tư quan tâm, yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh quy mô của 35 dự án thủy điện khác gây ảnh hưởng lớn đến môi trường - xã hội hoặc không phù hợp với quy hoạch khác của tỉnh. Ủy ban Thường vụ QH cũng cho rằng, nhiều kiến nghị của cử tri được trả lời “sẽ ghi nhận để nghiên cứu giải quyết hoặc đang xem xét, giải quyết”, nhưng các cơ quan chưa thực sự quan tâm nghiên cứu, đề ra lộ trình cụ thể trong việc ban hành cơ chế, chính sách cho phù hợp với những vấn đề nảy sinh trong đời sống thực tiễn. Việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn chậm. Có trường hợp còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết. PH. THẢO |
Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM: WB không có ý kiến phản đối (SGGP). - Hôm qua, 10-6, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ra thông báo khẳng định cho đến thời điểm hiện tại, WB không liên quan đến dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM của Việt Nam, cũng như không phản đối dự án đường sắt cao tốc này. Thông báo này được đưa ra vì trước đó một tờ báo điện tử đã đăng bài tường thuật từ buổi họp báo trước Hội nghị CG giữa kỳ cho rằng “WB khuyến cáo Việt Nam thận trọng với dự án tàu cao tốc”. WB cũng công bố đoạn trao đổi chính liên quan đến dự án đường sắt cao tốc giữa các phóng viên với ông Martin Rama - chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam “nhằm mục đích xóa bỏ hiểu lầm có thể xảy ra trong phiên thảo luận của Quốc hội về dự án”. Cụ thể, ông Martin Rama nói: “Chúng tôi không có ý kiến phản đối nào đối với dự án đường sắt cao tốc... WB cân nhắc đối với những dự án đường sắt cao tốc ở Brazil. Bây giờ, không dễ để nói rằng dự án đường sắt cao tốc ở Việt Nam là một ý kiến hay. Nhưng về nguyên tắc, không có gì phản đối điều này cả. Giống như các dự án khác, Chính phủ nên cân nhắc giữa chi phí và lợi ích...”. H. YÊN |