(SGGPO).- Tại phiên trả lời chất vấn trực tiếp chiều 20-8, một mặt công nhận rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường có phần trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản; mặt khác, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhiều lần khẳng định nếu các địa phương không nỗ lực thì không thể thay đổi tình trạng hiện nay. Ông cũng cho rằng, nếu hỏi có tiêu cực trong việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản hay không thì chỉ có địa phương mới trả lời cụ thể được, vì việc cấp phép đã được phân quyền cho địa phương.
- Hơn 950 giấy phép khai thác khoáng sản cấp sai luật, trách nhiệm của ai?
Đó là nhận xét của ĐB Hà Sơn Nhin (Trưởng Đoàn ĐBQH Gia Lai). Ông Nhin nêu hàng loạt vấn đề mà địa phương “chưa biết xử lý ra sao”, mặc dù Luật Khoáng sản sửa đổi đã chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2011, như việc đấu giá khai thác khoáng sản; mức thu và phương thức thu tiền khai thác khoáng sản...
Có cùng mối quan tâm đến lĩnh vực này, ĐB Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH bày tỏ trăn trở về tình trạng “chảy máu” khoáng sản xuất lậu ra nước ngoài...
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, đúng là có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi) đến nay vẫn chưa ban hành được. Tuy vậy, vừa qua Bộ TNMT đã trình Chính phủ xem xét ban hành hai nghị định về hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi) và về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. “Chúng tôi còn “nợ” nghị định về thu tiền khai thác khoáng sản và thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này, nhưng xin hứa sẽ làm xong trong năm nay. Vẫn biết các địa phương rất trông chờ các văn bản này, nhưng nó liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, cần làm cho kín kẽ” – Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cam kết.
Về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, ông Nguyễn Minh Quang cho hay, tình hình nhìn chung vẫn còn phức tạp. Tổng cộng có tới hơn 950 giấy phép khai thác khoáng sản được cấp không đúng với các quy định pháp luật ở nhiều dạng sai phạm khác nhau. Bộ đã kiến nghị xử lý và Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các tỉnh khắc phục, báo cáo kết quả xử lý trước ngày 30-11-2013. Đặc biệt, việc khai thác, xuất khẩu cát sỏi lòng sông có tới hơn 30 địa phương để xảy ra sai phạm. Về quy hoạch khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ làm cơ sở cho các địa phương cấp phép, Bộ trưởng cho biết đã công bố 84 khu vực; nhưng khuyến nghị: “Các địa phương cần hết sức kiềm chế, càng đào bới nhiều ở những khu vực nhỏ lẻ này bao nhiêu thì ngân sách không thu được là bao, mà người dân thì rất khổ, lợi bất cập hại”.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở: “Các giấy phép cấp sai thì chủ yếu thuộc trách nhiệm của ai? Đề nghị Bộ trưởng cấp danh sách địa phương cấp sai để ĐB Danh Út tiếp tục giám sát, nhưng Bộ cũng phải thấy rằng Bộ chưa làm tốt công tác giám sát, nhắc nhở các địa phương”.
- 18 địa phương không quyết liệt , đề nghị Chính phủ có giải pháp
Một lần nữa cho rằng, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chủ yếu phụ thuộc vào các địa phương, song Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng chia sẻ, đa số các tỉnh chậm cấp giấy gặp khó khăn về kinh phí, nhân lực để đo vẽ, hoàn thiện hồ sơ địa chính. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn QH quan tâm bố trí kinh phí cho công tác này.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng góp ý: “Bộ trưởng nói có 18 địa phương không quyết liệt, vậy thì ngay sau phiên họp này phải nhắc nhở và đề nghị Chính phủ có giải pháp chứ chờ đến hết năm mới nhắc thì không thể hoàn thành chỉ tiêu QH giao, lúc đó là trách nhiệm của Bộ trưởng”.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, Nghị định 120 quy định về thu tiền sử dụng đất vượt hạn mức cấp lần đầu được một số địa phương vận dụng hệ số k ở mức cao, dẫn đến việc người dân không nhận giấy. Theo ông, với trường hợp cấp giấy lần đầu thì “nên lấy mục tiêu quản lý làm trọng, không nên đặt nặng vấn đề thu ngân sách”.
Đối với băn khoăn của ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) về việc không có đất nông nghiệp để bố trí cho các lao động nông nghiệp sinh ra từ năm 1993 trở lại đây (trong khi chủ trương là không chia lại đất nông nghiệp và kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp lên tới 50 năm), Bộ trưởng cho hay, việc này cần được giải quyết thông qua cơ chế tự điều chỉnh trong cộng đồng dân cư. Mặt khác, cơ cấu kinh tế cũng đang có sự chuyển dịch lớn với việc ngày càng có nhiều lao động từ khu vực nông nghiệp chuyển dịch sang khu vực công nghiệp, dịch vụ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Chưa có cơ chế giám sát thông tư, thông tư liên tịch
Sáng 20-8, trả lời các đại biểu Trần Văn Tấn (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tiền Giang), Huỳnh Văn Tiếp (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Cần Thơ) về việc chương trình xây dựng pháp luật thường xuyên phải thay đổi, khiến cho việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội không được nghiêm túc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là các bộ, ngành chưa quyết liệt, cán bộ pháp chế còn “non” trình độ, hoặc giỏi chuyên môn nhưng chưa phải giỏi về luật pháp...
Chưa hài lòng với nội dung trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: “Đề nghị Bộ trưởng đánh giá cụ thể xem chương trình xây dựng pháp luật mà cứ phải sửa đi sửa lại, đưa vào rút ra như thế thì tốt hay dở? Kỳ nào cũng sửa, đưa vào hay rút ra thì đều có lý do cả, nghe rất có lý, nhưng như thế thì công tác chuẩn bị chương trình đã tốt chưa”?
Có hay không tình trạng “tham nhũng chính sách”, nói cách khác là việc “cài cắm” lợi ích của ngành, của một nhóm lợi ích cục bộ vào các văn bản quy phạm pháp luật là chất vấn của Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Chu Sơn Hà (Hà Nội), Trần Xuân Vinh (Quảng Nam)... đặt ra với Bộ trưởng Hà Hùng Cường. Thậm chí, theo ông Nguyễn Bá Thuyền, cần cho phép người dân khởi kiện những văn bản được các cơ quan hành chính ban hành không đúng với quy định của pháp luật.
Người đứng đầu ngành Tư pháp thẳng thắn thừa nhận, hiện tại quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Chính phủ là khá đầy đủ và chặt chẽ, song đối với thông tư và thông tư liên tịch thì chưa có cơ chế kiểm soát. “Chính phủ đã nhận ra khoảng trống này và tới đây sẽ nghiên cứu để “phủ” nốt. Tuy nhiên, với một số lĩnh vực chuyên sâu như nghị định về kinh doanh vàng, kinh doanh xăng dầu, giá than, giá điện... cần lộ trình, bước đi thích hợp nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát... thì Bộ Tư pháp qua kiểm tra cũng rất khó bình luận. Không thể loại trừ hoàn toàn việc có những quy định sơ hở, bị trục lợi”.
Về khả năng cho phép người dân khởi kiện quy định trái pháp luật, Bộ trưởng cho rằng hiện chưa đủ cơ sở để luật hóa, thông lệ các nước cũng không đặt ra vấn đề này. “Nhưng sau này khi sửa Luật Tố tụng hành chính thì có thể nghiên cứu”, Bộ trưởng nói thêm.
Một nội dung quan trọng khác được các đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, Trương Văn Vở (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Đồng Nai) đặt ra là tình trạng các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật bị nợ đọng quá nhiều, quá lâu; có Luật được ban hành đã 3-5 năm mà vẫn thiếu hướng dẫn thi hành.
Ông Trương Văn Vở nói: “Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 vừa qua, Chính phủ cho biết còn nợ trên 100 văn bản hướng dẫn, chưa kể số bị trễ hạn. Ngay cả Bộ Tư pháp cũng nợ hướng dẫn điều 25 của Luật Phổ biến pháp luật. Đặc biệt Luật Giá, việc này khiến người dân, doanh nghiệp rất băn khoăn”.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) gay gắt: “Cử tri rất bức xúc là chậm hướng dẫn đến 3-5 năm thì có thể gọi là không thực hiện nghị quyết của Quốc hội, như thế có phải là vi phạm luật không”?
Quan tâm đến chất lượng của các văn bản pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thẳng thắn: “Chính một vị lãnh đạo ngành Tư pháp cũng từng có nhận xét là vẫn còn những văn bản hướng dẫn ngô nghê, luộm thuộm. Tình trạng nợ và chậm bao giờ chấm dứt được, Bộ trưởng có tham mưu cho Chính phủ không? Đây không phải chỉ là mong muốn mà là luật định. Ở đây phải nhấn mạnh đến trách nhiệm chủ quan của các thành viên Chính phủ trong xây dựng thể chế”.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc để “lọt lưới” thẩm định đối với một số văn bản gây phản ứng trong xã hội thời gian qua là vấn đề được đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (UV Ủy ban KHCNMT của QH) đặt ra.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: “Về nguyên tắc, sau khi ban hành văn bản 3 ngày, cơ quan ban hành phải gửi cho Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp để kiểm tra, nhưng có cơ quan gửi chậm, thậm chí “quên” gửi nên có khi được đăng công báo rồi, thực hiện rồi mà cơ quan kiểm tra chưa nhận được văn bản. Chính phủ đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Tư pháp cũng sẽ nỗ lực hơn nữa, đặc biệt chú trọng tính khả thi và hợp lý của văn bản”.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói thêm: “Có lẽ không nước nào phải ban hành nhiều thông tư hướng dẫn như chúng ta. Nếu giao cho Tòa án Nhân dân tối cao thẩm quyền giải thích pháp luật, xây dựng án lệ thì mới giảm được”.
ANH PHƯƠNG