(SGGPO).- Chiều nay, 17-6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật thi hành án hình sự và Luật An toàn thực phẩm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh, dự thảo Luật An toàn thực phẩm quy định Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
- Thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc
Trước khi QH biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba báo cáo thêm một số vấn đề liên quan đến dự án Luật này. Theo đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định việc cho phạm nhân gặp vợ, chồng không quá 24 giờ để tránh trường hợp phạm nhân nữ có thai (điều này đã từng xảy ra trong thực tế, có trường hợp nữ tử tù có thai nên thoát án tử hình).
Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ QH cho rằng, Dự thảo Luật quy định “Phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ...” là cần thiết, góp phần thiết thực cho việc nâng cao hiệu quả, chất lượng trong việc giáo dục, cải tạo đối với phạm nhân. Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định “Phạm nhân nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con”.
Về hình thức thi hành án tử hình, đa số ý kiến ĐBQH tán thành như quy định của Luật: thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Về giải quyết cho nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định việc giải quyết cho nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình. Theo đó trước khi thi hành án tử hình, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được gửi đơn đến Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm đề nghị giải quyết cho nhận tử thi về an táng và phải cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí. Căn cứ điều kiện cụ thể của từng trường hợp, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm xem xét, quyết định cho nhận tử thi hoặc không cho nhận tử thi trong trường hợp có căn cứ cho rằng việc cho nhận tử thi ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.
- Bộ Y tế-“nhạc trưởng” quản lý an toàn thực phẩm
Với 87,22% đại biểu tán thành, QH đã thông qua Luật an toàn thực phẩm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh, dự thảo Luật đã bổ sung một khoản quy định nguyên tắc “Quản lý an toàn thực phẩm phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành”.
Về những hành vi bị cấm, dự thảo Luật đã chỉnh sửa bổ sung quy định: cấm sử dụng phụ gia thực phẩm đã quá hạn sử dụng; cấm lưu trữ, vận chuyển thực phẩm không an toàn, sử dụng thuốc, hóa chất không rõ nguồn gốc trong chăn nuôi, trồng trọt; cấm sử dụng các loại bao bì gây ô nhiễm, gây độc hại cho thực phẩm.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, vốn là nỗi bức xúc của mọi người do khâu điều hành quản lý chồng chéo, thiếu hiệu quả, không rõ ràng, ông Minh cho hay, dự thảo Luật quy định Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Các Bộ quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm theo lĩnh vực được phân công. Trước ý kiến đề nghị thành lập cơ quan điều phối liên ngành về an toàn thực phẩm, ông Minh cho biết việc này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, vì vậy, không bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật.
Một số đại biểu đề nghị cần làm rõ vai trò chủ trì của Bộ Y tế trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đồng, thời Bộ Y tế phải có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu về tác hại của các thực phẩm không an toàn đối với sức khỏe của con người, trên cơ sở đó đề ra các chương trình, các chiến lược lâu dài để bảo đảm an toàn thực phẩm. Tiếp thu ý kiến của các ĐB, Luật đã chỉnh sửa rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Luật cũng quy định, giao Bộ Y tế quản lý khâu vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm (nhiều ý kiến cho là chưa hợp lý, vì đây là trách nhiệm của Bộ Công thương).
Để bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, dự thảo Luật cũng quy định Đoàn kiểm tra có quyền quyết định xử lý vi phạm nhưng chỉ ở mức độ tạm đình chỉ việc bán hàng, tạm niêm phong hàng hóa, tạm dừng quảng cáo thực phẩm và đồng thời báo cáo cơ quan kiểm tra nhà nước để xử lý.
Về ghi nhãn thực phẩm, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định tất cả thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ chứa đựng, bao bì đóng gói thực phẩm đang lưu thông trên thị trường phải có nhãn mác, đồng thời giao cơ quan chức năng xây dựng lộ trình phù hợp với chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm và hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, pháp luật ghi nhãn của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cũng không quy định phải ghi nhãn đối với tất cả thực phẩm. Nếu quy định tất cả thực phẩm lưu thông trên thị trường phải ghi nhãn thì khó bảo đảm tính khả thi.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định việc ghi nhãn thực phẩm được thực hiện theo pháp luật về nhãn hàng hóa , giao cho Chính phủ căn cứ vào điều kiện kinh tế- xã hội từng thời kỳ để quy định cụ thể. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải lưu giữ hồ sơ, thông tin về thực phẩm phục vụ việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm ; cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.
Chiều cùng ngày, với 85,8% đại biểu tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Luật trọng tài thương mại.
Trước đó, sáng nay, Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn 5 dự luật, bao gồm Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Bưu chính, Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Người khuyết tật và Nuôi con nuôi.
Với Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, 424/434 ĐB có mặt tán thành. 3 ĐB không tán thành, 7 đại biểu không biểu quyết. Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đã đọc báo cáo chỉnh lý, tiếp thu dự thảo Luật.
Tiếp thu góp ý của các đại biểu Quốc hội, nhà ở chưa được đưa vào diện chịu thuế, do đó Luật chỉ giữ lại các quy định về thuế áp dụng đối với đất. Bên cạnh đó, cũng sẽ có thêm nhiều đối tượng không chịu thuế và được miễn giảm thuế. Theo đó, miễn thuế đối với doanh nghiệp sử dụng trên 50% số lao động là thương binh, bệnh binh và giảm 50% số thuế phải nộp đối với doanh nghiệp có từ 20% – 50% số lao động là là thương binh, bệnh binh. Đất do các cơ sở tôn giáo sử dụng không vì mục đích kinh doanh thì không thuộc diện chịu thuế. Đặc biệt, đất có nhà vườn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận là di tích lịch sử - văn hoá cũng sẽ được miễn thuế.
Về diện tích đất chịu thuế - một vấn đề từng có nhiều ý kiến tranh luận - Luật quy định theo hướng: diện tích đất chịu thuế là diện tích sử dụng thực tế. Việc thu thuế đối với diện tích đất lấn chiếm không phải là căn cứ công nhận tính hợp pháp của diện tích này; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi lấn chiếm.
Liên quan đến thuế suất, để góp phần cùng với các chính sách khác ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất đai, mức thuế suất được điều chỉnh như sau: đối với phần diện tích đất ở vượt không quá 3 lần hạn mức thì áp dụng mức thuế suất 0,07% (tăng 0,01% so với dự thảo đã trình Quốc hội đầu kỳ họp); phần diện tích vượt trên 3 lần có mức thuế suất 0,15% (tăng 0,05% so với mức 0,1% đã trình); đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo quy đinhk cũng tăng từ 0,1% lên 0,15%. Riêng đất lấn chiếm phải chịu thuế suất tới 0,2% (mức đã trình: 0,15%).
Một nội dung có sự chỉnh lý đáng lưu ý khác là trường hợp đất của dự án đầu tư phân kỳ theo đăng ký của nhà đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì không coi là đất chưa sử dụng và áp dụng mức thuế suất 0,03%.
Trong trường hợp người nộp thuế có quyền sử dụng nhiều thửa đất ở, hạn mức đất chịu thuế được tính bằng tổng diện tích các thửa đất trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Người nộp thuế được lựa chọn hạn mức đất ở tại một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có quyền sử dụng đất. Trường hợp có một hoặc nhiều thửa đất ở vượt hạn mức thì người nộp thuế được lựa chọn một nơi có thửa đất ở vượt hạn mức để xác định diện tích vượt hạn mức của các thửa đất. Giá tính thuế được áp dụng theo giá đất của từng huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tương ứng với nơi có thửa đất.
Phan Thảo-Anh Phương