Ngày 7-3, phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc và sẽ diễn ra đến hết ngày 9-3. Trong phiên khai mạc, UBTVQH đã nghe các báo cáo và thẩm tra bổ sung về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 - 2020...
Chi, bội chi đều... tăng
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2015, nền kinh tế nước ta phục hồi rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây. Tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 6,68%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%; chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2015 tăng 0,6% so với tháng 12-2014, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2001; tăng trưởng tín dụng cao hơn năm trước...
Báo cáo bổ sung tình hình thực hiện năm 2015 đưa ra nhiều con số đáng chú ý. Cụ thể, theo báo cáo bổ sung, thu ngân sách năm 2015 đạt mức cao, mặc dù giá dầu thô giảm mạnh so với nghị quyết của Quốc hội (từ 100USD xuống 56,2USD/thùng và thấp hơn 0,5USD/thùng so với giá ước báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10) nhưng tổng thu ngân sách cả năm đạt 996.870 tỷ đồng, tăng 85.770 tỷ đồng so với dự toán (tăng 9,4%) và cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội là 69.370 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách đạt 1.262.870 tỷ đồng, tăng 10,1% so với dự toán. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 là 256.000 tỷ đồng, bằng 6,11%/GDP - cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội do quy mô GDP năm 2015 thực tế giảm so với số đã báo cáo Quốc hội là 291.100 tỷ đồng. Dư nợ công cuối năm 2015 đạt 62,2% GDP, nợ Chính phủ là 50,3% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 43,1% GDP.
Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2015 đạt 14,5 tỷ USD (số đã báo cáo Quốc hội là 13,2 tỷ USD), tăng 16% so với năm 2014, vượt 11,5% so với kế hoạch đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 162,1 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2014, thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 10%) và thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là khoảng 10%.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, không kể thu tiền sử dụng đất, thu nội địa đạt 672.500 tỷ đồng, tăng 12,2% so với dự toán. Hầu hết các khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đều vượt dự toán và cao hơn báo cáo Quốc hội. Kết quả này có được là nhờ kinh tế tăng trưởng cao hơn cùng các giải pháp quyết liệt tăng thu.
Xử lý nghiêm vi phạm, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính
Tại kỳ họp thứ 10, Chính phủ đã trình và được Quốc hội quy định tại nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 về việc thực hiện một số giải pháp cân đối ngân sách, bao gồm: bổ sung 30.000 tỷ đồng vốn ODA ước giải ngân tăng so với kế hoạch vào dự toán chi đầu tư phát triển năm 2015; thực hiện đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP) và phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ... Tại báo cáo bổ sung, Chính phủ đã bổ sung số thực hiện vốn ODA tăng 30.000 tỷ đồng, tăng bội chi ngân sách lên mức 6,11% GDP (bội chi dự toán là 5% GDP). Chính vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo kết quả cụ thể hơn về tình hình đa dạng hóa kỳ hạn TPCP và phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế. Cũng theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, thực tế trong cân đối ngân sách năm 2015 đã phát sinh nhiều khó khăn về huy động vốn, nhất là vốn TPCP dài hạn, đòi hỏi Chính phủ phải có chiến lược dài hạn trong việc huy động, quản lý, sử dụng và kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ. Điều này nhằm tạo điều kiện và dư địa thuận lợi, giảm áp lực cạnh tranh về nguồn lực, lãi suất cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế có khả năng tiếp cận với tín dụng, vốn cổ phần để phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.
Về nợ công, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, các chỉ số tổng dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn an toàn cho phép, song dư nợ Chính phủ đã vượt trần là 50,3% GDP và có nhiều dấu hiệu khó khăn trong vấn đề nợ công cần được Chính phủ phân tích và làm rõ để có biện pháp tăng cường quản lý.
Báo cáo thẩm tra cũng nhận xét, bên cạnh những kết quả đạt được, thu ngân sách còn một số tồn tại như: công tác xây dựng dự toán thu ngân sách ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa sát với thực tiễn; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá dẫn đến thất thu có xu hướng giảm nhưng vẫn còn phổ biến; nợ đọng thuế còn lớn và luôn tăng cao… Trong chi ngân sách, vẫn còn tình trạng bố trí kinh phí dàn trải, sử dụng lãng phí, thiếu hiệu quả, sai quy định, định mức chi còn xảy ra ở một số nơi; khá nhiều dự án vay ưu đãi của nước ngoài phải gia hạn, điều chỉnh kế hoạch và tiến độ rất chậm. “Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính”, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói.
Đề cập về vấn đề nợ công, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn: “Nợ công 5 năm tới mà tăng kiểu như vừa rồi thì chết”. Bội chi bình quân giai đoạn 2016 - 2020 yêu cầu khoảng 4% GDP trong khi hiện đang 6,11%... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, các vấn đề liên quan đến TPCP, bội chi, nợ công, nợ Chính phủ trong 5 năm tới xu hướng phải tốt đẹp lên. Năm 2015 vấn đề này đã được thảo luận rất căng thẳng và đưa ra khả năng trong trung hạn vài năm tới việc trả nợ khó khăn.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, giai đoạn 2016 - 2020, bội chi theo Luật Ngân sách nhà nước 2015 bình quân là 4% GDP và đến năm 2020 còn 3,1% GDP. Để làm được điều này, mỗi năm nợ công sẽ phải giảm 0,2%. Bổ sung cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trấn an, những tính toán về nợ công, bội chi dựa trên kịch bản về tăng trưởng GDP trong 5 năm tới tăng 6,5% - 7% thì tổng GDP 5 năm tới là 31 triệu tỷ đồng. Việc đưa bội chi bình quân 5 năm là 4% GDP và còn 3,1% GDP vào năm 2020 theo luật mới (theo cách tính mới của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 thì bội chi không tính nợ gốc) là có thể được. Tất nhiên, để làm được điều này là cần có sự cố gắng bởi trong bối cảnh yêu cầu bội chi giảm mạnh nhưng nhu cầu đầu tư lại nhiều.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Tăng thuế để thu ngân sách là tôi không đồng ý. Chia sẻ với anh Dũng (Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - PV) khi nói thu ngân sách 5 năm vừa qua thấp là đúng. Bởi vì chúng ta phải mở rộng chính sách ưu đãi, giá dầu lại đi xuống, hội nhập cắt giảm thuế quan... nên tổng thu nhỏ. Với tăng thuế thì chỉ có thể tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp đã có luật thông qua rồi không thể tăng... Bộ Tài chính cần rà soát thế nào để đảm bảo thu hợp lý chứ không theo hướng tăng thuế. Đất nước lúc này không tăng thuế được. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Hàng năm Quốc hội quy định dự toán là khá chính xác. Mấy năm vừa qua, việc điều hành ngân sách như đi trên dây, giá dầu dự toán 60USD/thùng nhưng nay bình quân 30USD/thùng. Nếu như vậy sẽ giảm khoảng 49.000 tỷ đồng thu ngân sách trung ương và nếu kéo sang năm 2017 “dây đứt” thì “chúng ta chết” |
HÀ MY