Đập chắn thủy điện Đakrông 3 (Quảng Trị), rồi đập tràn thủy điện Đăk Mek (Kon Tum) liên tục bị vỡ và mới đây là sự cố ở thủy điện Sông Bung 2 (Quảng Nam) khiến dư luận lo lắng và đặt câu hỏi về chất lượng các công trình thủy điện cùng những hệ lụy từ các dự án này gây ra.
Từ nguy cơ…
Đến tận bây giờ, mỗi khi kể lại việc thủy điện Chi Khê (tại huyện Con Cuông, Nghệ An) tích nước, nhiều người dân vẫn chưa hết hoang mang. Anh Lương Văn Thái, Phó bản Liên Hồng (xã Cam Lâm), cho hay từ bao năm qua, bão lụt lớn đến mấy thì nước sông Lam cũng không bao giờ dâng lên một cách bất thường và đáng sợ như vậy.
Mẹ anh Vi Văn Anh là bà Vi Thị Thuận (77 tuổi) bị chết đuối tại khu vực khe Phèn gần thủy điện Chi Khê. “Vào khoảng 6 giờ sáng 6-5-2016, mẹ tôi từ nhà sang bên kia khe Phèn canh tác, sản xuất như mọi ngày. Khi đó nước khe đang cạn nên mẹ tôi vẫn lội sang bình thường, nhưng khoảng 9 giờ thì nước bắt đầu dâng cao, ngập cả mấy ruộng bắp, lúa hai bên khe. Cứ nghĩ do nước dâng cao nên mẹ không về nhưng đến chiều tối, mọi người phát hiện mẹ tôi đã chết đuối ở khu vực khe Phèn”, anh Vi Văn Anh kể.
Thủy điện Đakrông 3 đã hai lần xảy ra sự cố vỡ đập chắn
Ông Lộc Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Cam Lâm, nói thêm không chỉ bà Thuận chết đuối, thủy điện Chi Khê còn gây thiệt hại nặng về tài sản cho người dân vùng hạ du. Song ông Phạm Ngọc Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng AGRITA - Nghệ Tĩnh (đơn vị chủ đầu tư thủy điện Chi Khê) lại khẳng định, nước dâng ảnh hưởng đến lúa, hoa màu và chết người là do “có sự trùng lặp nào đó”, “tình huống kỹ thuật nào đó”, chứ công ty không cố ý.
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (thuộc Viện Vật lý địa cầu) xác nhận, từ tháng 5-2014 đến nay, tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xảy ra hơn 15 trận động đất với cường độ từ 2,2 - 4,7 độ richter. Không những A Lưới mà ở các khu vực cách 40km như thị xã Hương Trà, TP Huế, người dân cũng cảm nhận được sự rung lắc trong vài giây. Nhiều người đang rất lo ngại kể từ khi Nhà máy Thủy điện A Lưới (xây dựng trên sông A Sáp) tích nước với dung tích hồ chứa trên 60 triệu m3 đi vào hoạt động từ tháng 5-2012 thì tại địa bàn này luôn xảy ra các trận động đất.
Ông Đoàn Quang Huy (50 tuổi), xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, nói: “Trước đây không hề có động đất, nhưng kể từ khi Nhà máy Thủy điện A Lưới tích nước phát điện thì động đất xảy ra liên tục nên ai cũng âu lo. Chưa hết, để dẫn nước từ hồ chứa trên sông A Sáp về nhà máy, chủ đầu tư đã cho đào kênh dẫn dài trên 2km, từ xã Hồng Thượng đến cửa hầm lấy nước xã Phú Vinh khiến nước mạch ngầm tại khu vực này bắt đầu tụt giảm liên tục, làm ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống sinh hoạt của người dân”.
Trước những âu lo trên của người dân, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết: “Đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đề nghị chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành quan trắc tài nguyên môi trường khu vực tụt giảm mạnh nước ngầm để tìm nguyên nhân. Trường hợp do thủy điện A Lưới gây ra thì cần sớm có hướng khắc phục và hỗ trợ cho bà con”.
Ông Hùng nói thêm, động đất xảy ra liên tục tại huyện A Lưới là hiện tượng rất lạ và đang chờ kết luận từ phía cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học nên cũng chưa biết phải giải thích thế nào để người dân an tâm.
…đến “nổ” thật
Thiết kế xây dựng các nhà máy thủy điện phải tính toán rất kỹ, dự phòng cả những rủi ro hay sự cố nếu có xảy ra như chấn động địa tầng, động đất ở mức độ nào đó chẳng hạn, vẫn phải bảo đảm công trình đứng vững và an toàn tuyệt đối. Thế nhưng, đập thủy điện Đăk Mek 3 (Kon Tum) dài 80m, cao 20m đã bị sụp đổ một đoạn 60m, làm 1 người chết chỉ vì xe ben chở đá va phải. Tiếp đó, thủy điện Đakrông 3 (Quảng Trị) tích nước phát điện lại vỡ đập chắn lần 2 vào tháng 9-2013 (lần 1 vào tháng 10-2012). Sự việc chưa nguôi ngoai thì người dân cả nước lại bàng hoàng hay tin thủy điện Sông Bung 2 (Quảng Nam) xảy ra sự cố bục nước đường hầm dẫn dòng, cuốn mất tích 2 công nhân đang thi công, gây hoang mang cho nhiều người dân vùng hạ du.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết những thảm họa do thủy điện gây ra đều rơi vào những dự án vừa và nhỏ.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế nhìn nhận, hầu hết thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên đều chưa xây dựng kịch bản đề phòng sự cố khẩn cấp vỡ đập theo Nghị định 72. Cùng với đó, tại diễn đàn “Thủy điện miền Trung, Tây Nguyên - Quan tâm của người dân và trách nhiệm các bên liên quan”, các đại biểu đã đưa ra thông tin hết sức lo ngại và cực kỳ nguy hiểm là phần lớn dự án thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên không trồng bù rừng nên đã tạo ra những trận lũ dữ bất thường, gây thiệt hại cho con người, cuốn trôi hoa màu, gia súc, sạt lở bờ sông, hư hại công trình giao thông, gián đoạn sinh hoạt.
Giải pháp nào để tạo sự phát triển năng lượng cho quốc gia, đồng thời hạn chế tối đa các tổn hại từ thủy điện đến môi trường và sinh kế của người dân? Theo các đại biểu dự diễn đàn, cần tạo một chiến lược đồng thuận trong hợp tác và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế quản lý nguồn nước tổng hợp trên cơ sở lưu vực, trong đó coi trọng vai trò và quyền lợi chung của cộng đồng. Đảm bảo được các tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường - xã hội như xả dòng chảy tối thiểu cho hạ du; bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư; trồng hoàn trả diện tích rừng; phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện mặt trời, điện sinh học.
| |
VĂN THẮNG - DUY CƯỜNG - ĐỨC HUẾ
>> Bài 1: Thủy điện gây lũ kép