Bóng đá và học đường

Hình ảnh từ pha bóng phạm lỗi thô bạo của trung vệ Quế Ngọc Hải đối với cầu thủ đối phương có lẽ khó mà nhanh chóng bị quên đi trong trí nhớ của người đã lỡ xem đoạn clip ghi lại hành vi này cho dù mức phạt nặng đã được đưa ra và người phạm lỗi cũng đã có những hành động cần thiết để xoa dịu nỗi đau của đồng nghiệp.

Hình ảnh từ pha bóng phạm lỗi thô bạo của trung vệ Quế Ngọc Hải đối với cầu thủ đối phương có lẽ khó mà nhanh chóng bị quên đi trong trí nhớ của người đã lỡ xem đoạn clip ghi lại hành vi này cho dù mức phạt nặng đã được đưa ra và người phạm lỗi cũng đã có những hành động cần thiết để xoa dịu nỗi đau của đồng nghiệp.

Bóng đá là môn thể thao đối kháng trực tiếp, chuyện chấn thương cũng là rủi ro được tính đến với bất kỳ ai tham gia môn chơi này. Tuy nhiên, chấn thương do va chạm trong thi đấu khác với phạm lỗi có chủ đích. Nó càng khác hẳn với hành động phạm lỗi có tính chất triệt hạ, được lặp đi lặp lại nhiều lần. Không phải tự dưng mà rất nhiều vụ chấn thương nặng đều liên quan đến cầu thủ của đội SLNA - một CLB chơi bóng rất rắn. Tuy nhiên, SLNA cũng là đội bóng cung cấp nhiều cầu thủ rất giỏi về kỹ thuật, thường tỏa sáng mỗi khi rời khỏi đội bóng. Nói cách khác, “lò” đào tạo của SLNA vẫn đứng đầu về khả năng “sản xuất” cầu thủ chất lượng cao.

Cách giải thích đơn giản nhất chính là khoảng trống văn hóa nằm ở khâu đào tạo và rèn luyện cầu thủ. Bóng đá Việt Nam không thiếu tài năng nhưng dù cùng được đào tạo như nhau, mỗi cầu thủ lại trưởng thành theo những cách khác nhau. Khi còn bé, rất nhiều cầu thủ chỉ được tập trung học đá bóng chứ ít được bồi dưỡng văn hóa. Khi lớn lên, thành công của họ tùy thuộc vào phẩm chất của từng người chứ không được đều như chuyên môn của họ. Người có ý thức thì sẽ không nhiễm phải các hành vi thi đấu xấu cho dù có ở trong môi trường mang phong cách quyết liệt của CLB. Người thiếu nền tảng văn hóa thì sẽ học rất nhanh những tiểu xảo và dù không cố tình, hành vi xấu của họ sẽ bộc lộ trong quá trình thi đấu. Ví dụ như trường hợp của trung vệ Quế Ngọc Hải. Nếu đó là một cầu thủ có đẳng cấp thấp thì chẳng nói làm gì, đằng này đang là đội trưởng của U.23, là trụ cột của đội tuyển quốc gia, tức là về trình độ chuyên môn lẫn đạo đức phải tốt hơn nhiều người khác.

Có thể Quế Ngọc Hải không cố ý nhưng một khi không bỏ được thói quen xấu thì dần dần những phẩm chất tốt đẹp cũng sẽ bị mất đi. Nói cách khác, có đá 10 trận thật hay thì chỉ cần một lần phạm lỗi thô bạo như vậy, hình ảnh đẹp sẽ không còn nữa.

Tuy nhiên, ý thức của cầu thủ là một chuyện, trách nhiệm chính vẫn thuộc về những nhà quản lý. Các cầu thủ U.19 của HA.GL không phải không biết đá xấu, cũng chưa chắc họ sẽ không “hư” sau khi bước chân vào bóng đá chuyên nghiệp. Chính vì nhờ sự bảo bọc đôi khi có phần thái quá của bầu Đức mà những cầu thủ trẻ của HA.GL vẫn chưa “học” các thói quen xấu trên sân cỏ. Sự khắt khe của bầu Đức càng lâu thì cơ hội để những cầu thủ ấy trở thành người tốt cũng nhiều hơn. Thế nhưng, sự chăm lo ấy của bầu Đức chỉ mang tính cá biệt, không thể xem là mô hình, bởi nói cho cùng, khi đã 19-20 tuổi thì tự các cầu thủ phải thích nghi với cuộc sống.

Bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc và gần nhất là Thái Lan đều phát triển dựa trên nền tảng học đường. Bóng đá được đưa vào các trường học một cách rộng rãi. Mỗi năm các giải đấu dành cho học sinh quy tụ đến hơn 1.000 đội bóng. Đội tuyển sinh viên Hàn Quốc, Nhật Bản có chất lượng không kém gì một CLB nhà nghề hàng đầu. Các sân vận động của những trường đại học tại các quốc gia nói trên đều đủ tiêu chuẩn thi đấu quốc gia, quốc tế. Trong khi đó, giải bóng đá sinh viên Việt Nam rất khó khăn mới được duy trì hàng năm, nhưng đến mỗi kỳ giải lại có vô số chuyện lùm xùm khi các đội sử dụng cầu thủ “gắn mác sinh viên”. Riêng với các lò đào tạo bóng đá trẻ, hiện vẫn duy trì quá trình học văn hóa của các em theo dạng bổ túc, cứ đến hẹn lại đi thi và lên lớp thay vì có thêm cơ hội để chọn một công việc khác nếu không thể đi theo con đường bóng đá.

Điều quan trọng nhất, đó là ngay khi còn đang học đá bóng, các cầu thủ cũng cần phải học văn hóa như bao bạn trẻ khác. Trước khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, họ cần là một công dân tốt, một người lao động biết yêu nghề và tôn trọng nghề nghiệp của người khác.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục